- Dư luận chưa hết sửng sốt về vụ cụ già neo đơn khi mất để lại hơn 50 cây vàng thì lại một phen mắt tròn mắt dẹt với sự kiện một đại gia sau khi tổ chức đám cưới đình đám cho con trai, với dàn xe siêu sang đi diễu phố... đã lâm vào tình trạng không trả được nợ cho nông dân.
|
Ảnh minh họa. |
Nếu định nghĩa người giàu là người tiêu nhiều tiền, thì chắc chắn đại gia kia là người giàu rồi. Nhưng nếu coi người nợ nhiều mới là người nghèo thì cũng chính đại gia ấy xứng đáng là chúa Chổm. Ai giàu, ai nghèo, thật chả biết đường nào mà lần.
Nhưng người ta làm gì cũng có lý do cả. Đại gia kia dù nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vẫn tổ chức đám cưới tốn kém cho con để chứng minh mình không nợ nần gì cả, mong được ngân hàng cho vay tiếp. Còn bà cụ kia dù có tiền vẫn phải kín đáo vì những người xung quanh mà biết, chắc gì bà đã được sống yên ổn. Chỉ có những ai quen đánh giá con người qua hình thức bên ngoài mới hay bị lỡm.
Vào khách sạn, nhà hàng... dù bạn có là đại gia mà ăn mặc xuềnh xoàng, sẽ bị ngay anh bảo vệ chặn lại tra hỏi kỹ càng, cô lễ tân thì lịch sự ném cho một cái lườm chết người. Còn nếu bạn mặc comple sang trọng, giầy da bóng loáng... thì dù bạn có là kẻ vô công rồi nghề hay đang định vào đó để ăn trộm... chắc chắn bạn sẽ được chào đón nhiệt tình.
Vì thế mà người ta đua nhau đắp lên mình đủ thứ sang trọng để muốn chứng minh đẳng cấp của mình. Dù nghèo vẫn phải vay mượn để sắm cho được cái xe SH, cái điện thoại Iphone... để thiên hạ biết ta là ai, để dễ xin được việc, dễ vay được tiền. Người ta gọi đó là... đầu tư.
Chẳng ai muốn bị đánh giá là nghèo vì nghèo đi đôi với hèn, với kém cỏi. Quan niệm đó khác xa với cái thời bao cấp, cái thời ăn gà phải cắt bằng kéo, không dám chặt sợ hàng xóm biết. Cái thời có giàu đến mấy cũng phải che giấu, bởi giàu là xấu, là bất chính. Nhưng tại sao cứ phải nhảy từ thái cực này sang thái cực khác như thế.
Sao không thể sống với những giá trị thực?
Minh Anh
[links()]