- Chiếc áo may ô một thời là... “sành điệu”, thể hiện sự danh giá của chủ nhân.
[links()]
Có áo may ô là có... người yêu
|
Bác Bùi Thị Tân (65 tuổi, khu tập thể Dệt kim Đông Xuân) |
Bác Bùi Thị Tân (65 tuổi, khu tập thể Dệt kim Đông Xuân) khoe: “Ngày đấy vào được nhà máy dệt kim Đông Xuân là “oách xà lách” lắm. Nhà máy nằm giữa thủ đô, lúc nào được phát áo may ô thì hãnh diện lắm”.
Áo may ô có lúc là chỉ tiêu dành cho bộ đội, cán bộ trung cấp, cao cấp. Áo may ô Việt Nam thời đấy còn được xuất khẩu sang Đông Âu, Liên Xô cũ. Một vài người có họ hàng là cán bộ, hoặc có người đi nước ngoài mang ngược về mới được ké phần.
“Anh nào mặc áo sơ mi trắng nhìn rõ cái áo may ô bên trong là oai ra mặt. Không có áo trắng thì cũng phải cố mà phanh vài cái cúc để lộ áo bên trong cho người ta biết là mình có áo may ô” - bác Tân cười nhớ lại.
Chỉ tiêu cũng có hạn, nên bất kỳ ai có áo may ô cũng giữ gìn, nâng niu lắm. Áo làm bằng 100% cotton, nếu không biết giữ chỉ dăm hôm nửa bữa là bai. Giặt áo phải cầm lấy hai cầu vai nhúng xuống nước, vò theo chiều dọc thân áo. Vắt áo không được cuộn tròn như vắt áo vải thô, phải nắm từng nắm theo chiều xuôi mà vắt. Cuối cùng phơi áo phải phơi vắt ngang qua mắc hoặc dây. Treo dọc áo sẽ bị chảy.
Nhắc tới áo may ô, bác Tân cứ cười: “Thời bao cấp, thực phẩm còn hiếm nói gì đến quần áo. Vì thế mới có câu: Bắt phanh trần phải phanh trần/Cho may ô mới được phần may ô”.
Rồi bác Tân kể câu chuyện có người em trước khi vào đại học được anh trai bàn giao tài sản cho đời sinh viên gồm: 1 dây may-so Liên Xô nấu nước uống, 1 lọ thuốc mỡ DEP (thuốc trị ghẻ), 2 chiếc áo may ô của dệt kim Đông Xuân. Anh trai phải cậy cục, nhờ vả mãi mới mua được cho em tấm áo nhưng chưa đầy tháng cậu em đã biên thư về:
“Anh kính mến,
Em mới vào trường, mấy anh khóa trên đã khuyến cáo em:
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Anh ạ, em không muốn bị yêu sớm chỉ vì có áo may ô, học hành chẳng ra gì làm cả nhà buồn lòng. Em gửi anh giữ hộ hai chiếc áo, khi nào ra trường em lấy nhé.
Em của anh!”
Áo may ô đã từng là “mốt”
Chỉ đến khi Đông Âu tan rã, hàng xuất sang các nước bị ứ lại, công nhân nhà máy dệt kim mới được phát áo may ô… thay lương. “Công nhân bậc cao được phát áo mới tinh, công nhân bậc thấp chỉ có áo lỗi, có người chỉ được phát vải về tự may lấy. Nhưng có còn hơn không, ai cũng mừng lắm”, bác Tân là người đầu tiên ngày ấy đi thu mua lại áo lỗi, vải cotton đem về gia công thành áo may ô hoàn chỉnh bán ra ngoài.
Bác Tân phải chạy vạy khắp nơi mới vay được 5 chỉ vàng để mua cái máy xén vải. Năm đó mới là năm 1980 nên cả nhà vẫn phải làm “chui”. Miếng vải to cắt áo người lớn, miếng nhỏ cắt áo trẻ em, áo lỗi đem về mạng (sửa) lại. Từ 5h sáng đến tối khuya, chồng cắt, vợ may, con ngồi xếp vải phụ bố mẹ.
“Đỡ đần được miếng ăn cho cả nhà, nhưng khổ nhất là khi công an đến kiểm tra thu vải, thu máy.
“Khoảng gần chục năm sau, đổi mới kinh tế thì hàng xóm cũng theo làm áo. Thị trường ưa chuộng đến mức có thời kỳ cả khu tập thể nhà nào cũng nhận may áo may ô”, bác Tân thở dài nhớ lại những ngày cực khổ.
Bây giờ, không nhiều người trẻ tuổi sử dụng áo may ô, nhưng những “giai thoại” về nó sẽ vẫn được lưu truyền để nhìn về một thời đã xa.
Kim Thái