Đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn làm ăn như thế nào ở VN?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người tò mò về tình trạng kinh doanh của doanh nhân nổi tiếng Johnathan Hạnh Nguyễn ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP) được mọi người biết đến với tên gọi "Vua hàng hiệu" tại Việt Nam. Ông hiện nắm giữ danh mục 38 thương hiệu thời trang lớn hàng đầu, phân phối rượu cho tới nhượng quyền thương mại cà phê, thức ăn nhanh…đầu tư hàng không, du lịch và trung tâm thương mại. Đến nay, nhiều người vẫn tò mò muốn biết những thương hiệu của ông tại "sống" như thế nào ở Việt Nam?
Dai gia Johnathan Hanh Nguyen lam an nhu the nao o Viet Nam?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Từng đầu tư hàng trăm triệu USD vào 2 trung tâm “vàng”, thuộc dạng cao cấp nhất, đó là Tràng Tiền Plaza Hà Nội và Trung tâm mua sắm cao cấp Rex Arcade (tầng trệt khách sạn Rex – Tp. HCM). Tuy nhiên, sau hơn 4 năm hoạt động, Tràng Tiền Plaza của bố chồng Hà Tăng vẫn chưa thực sự hút khách. Nguyên nhân chính là do ở khu trung tâm mua sắm này, hầu hết các sản phẩm đều là hàng hiệu cao cấp, giá rất cao chỉ phù hợp với tầng lớp thượng lưu. Nhiều khách hàng vào đây chỉ để ngắm sản phẩm rồi... ra về.
Tuy nhiên, trong một lần trả lời báo Zing, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, tương lai thị trường mà ông nuôi dưỡng đã mở. Có rất nhiều điều thuận lợi cho doanh nghiệp hàng hiệu. Đầu tiên, khi gia nhập thị trường chung TPP, thuế giảm, doanh nghiệp không phải tốn kém chi phí xuất ngược các mặt hàng thời trang qua mùa (hàng tồn lỗi mốt) về lại cho đối tác để bán trong các cửa hàng factory outlet (nơi chuyên bán hàng qua mùa của những nhãn hiệu tên tuổi với giá rất mềm), do đặc tính hàng thời trang chỉ 6 tháng là lỗi mốt. Chính vì vậy mà lâu nay, hàng này thường phải tái xuất, trong khi người tiêu dùng trong nước lại không được sử dụng với giá giảm sâu hơn.
Vị đại gia này cũng cho biết, việc kinh doanh hàng hiệu được thực hiện theo quy luật: giữ giá trong 4 tháng. Theo đó, hàng hiệu nhập về sẽ chỉ được bán nguyên giá trong vòng 4 tháng đầu, với mục tiêu tiêu thụ khoảng 30-40%. Sau 4 tháng, hàng sẽ bán giảm giá, tỷ lệ chiết khấu từ 10-90% nhằm thu hồi vốn nhanh, mở rộng mạng lưới khách hàng.
Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thực phẩm và giải khát, công ty Imex Pan-Pacific (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương- IPP) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT nổi tiếng với thương hiệu Burger King. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2011, khi được bán thử nghiệm tại sân bay, Burger King chính thức xâm nhập thị trường nội địa từ tháng 10/2012, thông qua đơn vị đối tác nhượng quyền là công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV), thành viên của tập đoàn Imex Pan Pacific, có kinh nghiệm và quản lý nhiều nhãn hàng lính vực thực phẩm.
Bên cạnh đó, ông còn lựa chọn đầu tư các thương hiệu thức ăn nhanh đình đám như Popeyes Chicken- hàng gà rán kiểu Mỹ hay Domino’s Pizza và Dunkin’s Donuts- 1 trong 10 nhãn hàng thức ăn nhanh được ưa thích tại Mỹ, đối thủ nặng ký nhất của Starbucks.
Tính đến nay, ông đã kêu gọi hợp tác đầu tư 30 dự án, với tổng trị giá hơn 455 triệu USD, mang lại doanh số hằng năm khoảng 580 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động ở Việt Nam.
Nhụy Hồ (tổng hợp)