Ông Dũng 'lò vôi': Làm trường đua, người ta nói tôi khùng

Google News

"Sau một đêm tính toán, sáng ra tôi triệu tập họp cổ đông thông qua quyết định đầu tư trường đua trong 1 giờ sau đó".

 "Khi tôi tuyên bố đầu tư trường đua không cá cược, nhiều người nói tôi khùng, điên, nhưng tôi mặc kệ ai nói gì", ông Dũng "lò vôi" nói.
Chia sẻ với Zing.vn xung quanh câu chuyện đầu tư trường đua, thay áo mới cho khu du lịch Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") cho biết ông chỉ là người biến ý tưởng thành hiện thực. Còn người đưa ra ý tưởng này là bà Phương Hằng vợ ông, cũng là phó tổng giám đốc công ty, người phụ trách phát triển mảng du lịch.
Tôi đầu tư sau 1 đêm suy nghĩ và 1 giờ họp cổ đông
- Luôn nói “chán kinh doanh” nhưng ông lại khiến nhiều người bất ngờ khi công bố đầu tư trường đua. Ông có thể chia sẻ vì sao ông có ý tưởng đầu tư mô hình này?
- Trường đua là ý tưởng của vợ tôi. Trong cuộc nói chuyện tình cờ, bà xã thắc mắc sao hồi giờ không thấy tôi qua tâm đến thể thao, đầu tư cho thể thao... Tôi hỏi đầu tư thế nào? Cô ấy nói là trường đua, chủ lực là đua ngựa, nó sẽ là công trình lâu dài phục vụ cho Khu du lịch Đại Nam.
Tôi thấy hay và hợp lý lắm. Một đêm cân nhắc, suy nghĩ, sáng hôm sau tôi quyết định triệu tập họp cổ đông, công bố đầu tư vào thể thao. Mình nghe một ý tưởng hợp lý thì sẽ biến thành nó hiện thực ngay.
Ông chủ khu du lịch Đại Nam cho biết, ông háo hức làm trường đua và quyết định đầu tư chỉ trong 1 đêm vì đây là công trình cả nước chưa có. Ảnh: Lê Quân. 
Nhưng cái hợp lý kích thích tôi, khiến tôi háo hức, muốn làm nhất là cả nước chưa có trường đua hoàn chỉnh. Cái gì đất nước chưa có, chưa ai làm thì tôi rất muốn làm dù gian nan đến đâu. Ngày xưa, lúc đất nước chưa có khu công nghiệp tôi cũng hăng say đầu tư. Hay việc đào biển, đắp núi lúc đó cũng không ai làm, thế là tôi làm ở Đại Nam này. Bây giờ mở trường đua ngựa, đua xe cũng thế.
Thứ nữa, tôi quyết định chọn trường đua vì về lâu dài sẽ không lạc hậu, nó cũng là một trong những bộ phận làm hoàn chỉnh Đại Nam, tạo nguồn thu chính cho quỹ mổ tim miễn phí cho trẻ em mà chúng tôi đang thực hiện. Trước đây khi làm Đại Nam tôi có đăng ký đầu tư thể thao nhưng chưa làm, nay làm thì phù hợp thôi.
- Phản ứng của những người xung quanh ông thế nào khi nghe vợ chồng ông đổ vốn làm trường đua?
- Tôi nói thật, nếu làm mà không có cá cược thì không ai muốn làm. Tôi tuyên bố xây trường đua không cá cược người ta nói tôi khùng, điên, nhưng tôi vẫn làm mặc kệ ai nói gì.
Tôi xác định tôi làm vì lâu dài, vì phục vụ người dân, vì nhu cầu vui chơi giải trí thiết yếu của cộng đồng nên nói không với cá cược. Hơn nữa, việc khôi phục đua ngựa và phát triển đua xe cũng chính đáng, hợp lý.
- Khi trình bày kế hoạch đầu tư, ông có gặp khó khăn gì từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước không?
- Với Bình Dương thì cái gì ích nước lợi dân, phục vụ tốt cho nhu cầu xã hội thì chính quyền rất hoan nghênh. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các Bộ, ngành rất ủng hộ và hỗ trợ tôi. Bởi đây là bộ môn giải trí lành mạnh, lại là mô hình cả nước chưa có.
Trường đua có diện tích 22 ha theo hình thức 5 trong 1 gồm nhiều môn đua ngựa, môtô nước, đua chó... dự kiến hoàn thiện và hoạt động cuối tháng 12 tới. Ảnh: Lê Quân. 
- Ông có chắc trường đua của ông không dính đến chuyện cá cược?
- Bản thân Đại Nam cam kết không cá cược, chủ yếu là bán vé cho khách vào giải trí, vui chơi và có giải thưởng trong các cuộc đua. Ví dụ con ngựa nào về nhất, chiếc xe nào về nhất thì được thưởng.
Riêng khách chơi thì mình không quản được. Nếu người ta đã có ý cá cược thì cách gì họ cũng làm được.
Khi đầu tư, tôi không tính vừa và đủ
- Quyết định đầu tư chỉ trong một đêm, nhưng khi hiện thực hóa thì ông đã xây dựng trường đua như thế nào, dựa vào những tiêu chuẩn nào để khẳng định đây là trường đua đẳng cấp quốc tế?
- Thông qua quyết định làm thì nhanh, chứ tôi cũng xách ba lô ngược xuôi nhiều nước để học hỏi mô hình và tham vấn các chuyên gia có kinh nghiệm. Tôi rút kinh nghiệm từ các trường đua hiện đại của quốc tế, ví dụ, đua ngựa thì đúng tiêu chuẩn của trường đua Hong Kong, Singapore. Một số bộ môn khác cũng như mô hình không cá cược tôi học hỏi từ Dubai.
Tôi không làm tùy tiện. Trường đua này sẽ theo hình thức 5 trong 1, có đua ngựa, đua chó, đua xe địa hình, môtô phân khối lớn và môtô nước, sau này sẽ có các giải ôtô. Trường đua rộng 22 ha. Ngoài ra còn có khoảng 40 ha cho khán đài, bãi xe và các dịch vụ khác phục vụ dự án.
- Ông có thể chia sẻ chi phí để đầu tư dự án mới này?
- Tôi làm để cho lâu dài nên không ngại tốn kém đâu. Đừng hỏi tôi chi phí. Thực tế thì Đại Nam có rất nhiều thuận lợi khi đầu tư trường đua. Đó là cái gì cũng có sẵn: từ quỹ đất, bãi xe nhà hàng, khách sạn tôi đều có sẵn.
Đến cả sợi dây điện để đấu nối tôi cũng có, vì trước đây khi đầu tư Đại Nam tôi đã hạ mười mấy trạm điện rồi. Trại nuôi ngựa tôi cũng có sẵn nhờ ưu thế từ vườn thú. Giờ tôi chỉ tập trung làm mặt đường đua với khán đài thôi. Nên thay vì người ta đầu tư trường đua phải bỏ ra cả trăm triệu đô thì tôi tiết kiệm được rất nhiều trong số đó.
Nhưng dù tốn kém bao nhiêu tôi cũng phải làm. Tôi làm là không đặt vấn đề đầu tư bao nhiêu tiền, mà quan tâm sao cho đạt chuẩn, khi đó cần bao nhiêu tiền tôi cũng sẽ đầu tư. Tôi không tính vừa và đủ, tôi muốn công trình giá trị, chất lượng mà vài chục năm sau cũng không xuống cấp.
Sau này phần còn lại của đời tôi sẽ tập trung vào thể thao. Khu du lịch này cũng sẽ đổi tên lại thành Đại Nam văn hóa thể thao và du lịch.
 Các chủ ngựa tập luyện hàng ngày tại sân tập của trường đua phục vụ cho cho giải đầu tiên tổ chức cuối tháng 12. Ảnh: Võ Tài.
- Khi đầu tư ông có sợ thất bại không?
- Tôi đã làm thì không nghĩ nhiều đến thất bại. Tôi chỉ nghĩ tới những gì đúng, cần thì làm. Tôi khác người khác ở chỗ đó, khi đầu tư người ta phải tính toán ghê lắm, từ chi phí bỏ ra bao nhiêu, hiệu quả kinh tế thế nào, thu hồi vốn ra sao... Tôi thì tất cả thịnh suy phó vào cho phúc đức.
Tôi tin rằng những điều tôi làm là đúng thì mọi may mắn sẽ đến. Tôi tin dự án này sẽ tốt, thứ nhất là cả nước chưa có, thứ 2 là nhu cầu giải trí cần thiết cho người dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung.
Cuối tháng 12 sẽ tổ chức giải đua đầu tiên
- Có ý kiến trường đua Phú Thọ sẽ phục hồi, có phải ông nghe mà chạy trước không?
- Tôi thấy đông thì vui, không có vấn đề gì phải cạnh tranh hết. Kể cả Đại Nam vừa hoạt động mà có một nhà đầu tư nào đến làm trường đua kế bên tôi càng mừng, để phục vụ nhân dân, đỡ sự dịch chuyển đi xa.
Còn đua ngựa chỉ là một bộ môn của khu giải trí chứ không phải quan trọng nhất trường đua. Ngoài đua ngựa chúng tôi còn có nơi huấn luyện nài, cưỡi ngựa tham quan cho du khách, đua ngựa địa hình, sân cho khách tập đua ngựa, chăm nuôi ngựa... Tôi rất tâm đặc mô hình trường đua của Dubai, đó là trường đua duy nhất hiện nay không có cá cược, chỉ để phục vụ du lịch...
- Trong dự án ông có nói đến việc khôi phục môn đua ngựa, nghề chăn nuôi ngựa của miền Nam trước đây. Hiện việc làm này như thế nào?
- Riêng ngựa thì chúng tôi sẽ phát triển 2 dòng. Ngựa trong nước và dòng thuần chủng, cao cấp. Trong nước thì có hơn 200 con ngựa được các hộ nuôi vùng Đông Nam Bộ đến đăng ký tham gia đua, và hơn tháng nay chúng tôi hỗ trợ họ tập luyện mỗi ngày.
Ngựa thuần chủng thì tôi đã nhập hơn 100 con từ Australia, Mỹ, Pháp, các nước Đông Nam Á... Giá trung bình 1 con ngựa nhập ngoại từ 5.000 USD. Con ngựa có đẳng cấp thì giá trị phải tăng dần qua các cuộc đua, mình không thể định giá được.
Còn nài ngựa cũng tiếp tục tuyển dụng và đào tạo, chúng tôi có chuyên gia nước ngoài để huấn luyện nài. Người Việt Nam có lợi thế nhỏ con nên rất hợp và tập rất nhanh. Họ cũng rất hào hứng chờ ngày vào đường đua chính thức.
- Ông nói tháng 11 công trình sẽ hoàn thiện, nhưng đến nay đã giữa tháng 11 mà trường đua vẫn ngổn ngang. Ông dự kiến khi nào giải đua đầu tiên mới tổ chức?
- Năm nay mưa lớn và kéo dài nên việc thi công mặt bằng bị ảnh hưởng nhiều, tiến độ chậm, chứ thời tiết thuận lợi chúng tôi đã xong trường đua rồi. Chúng tôi đang tập trung hết mọi nguồn lực để thi công. Nếu không có gì thay đổi thì cuối 2016 tôi sẽ tổ chức giải đua đầu tiên, đến 2017 sẽ tổ chức một số giải quốc tế về đua xe, đua ngựa.
Ngoài trường đua, Đại Nam cũng đang sửa sang lại. Công trình xây dựng từ 1999, hoạt động từ 2008 đến nay cũng 8 năm, đã đến lúc phải thay lại áo mới. Ngoài sơn sửa thì những gì không cần thiết chúng tôi cũng mạnh dạn phá bỏ, để đầu tư hạng mục mới hợp lý hơn.
Theo Hà Linh/Zing News