MobiFone tự do, người tiêu dùng có hưởng lợi?

Google News

(Kiến Thức) - Việc MobiFone tách ra khỏi Tập đoàn VNPT có thực sự tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng?

Sau một thời gian dài bàn thảo và cân nhắc, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) quyết định tách "con gà đẻ trứng vàng" ra khỏi tập đoàn, chấm dứt mọi đồn đoán về việc tái cơ cấu tập đoàn này.
Theo đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động. Tổng công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên.
Theo đó, MobiFone sẽ được "tự do" nhưng vẫn mang trên mình nhiều gánh nặng. Đó là việc sau khi MobiFone trở thành tổng công ty, đơn vị này sẽ phải gánh theo Công ty tài chính bưu điện cùng 2 vệ tinh Vinasat và nhiều khoản đầu tư khác của VNPT đang cần thoái vốn. Trên thực tế, tổng khoản lỗ của Công ty tài chính bưu điện 2 và 2 vệ tinh Vinasat trong năm 2012 đã lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.
Mặc dù việc tách MobiFone ra khỏi VNPT được cho là một giải pháp hoàn hảo nhưng cũng tạo ra nhiều tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế.
MobiFone ly hôn, người tiêu dùng hưởng lợi gì?
Trao đổi với Kiến Thức về việc này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định: Việc các doanh nghiệp tách ra nhập vào là một hoạt động bình thường của thị trường. Tách MobiFone ra khỏi VNPT nằm trong chiến lược tái cơ cấu thị trường viễn thông của Nhà nước, do đó nó có thể đã được chuẩn bị đầy đủ về lộ trình cũng như các phương thức để phát triển MobiFone sau này.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT có thể nhìn thấy được 3 cái lợi lớn. Một là, hiện MobiFone đang là một thương hiệu khá mạnh trên thị trường viễn thông, hoạt động độc lập hơn VinaPhone trong tập đoàn, khi tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ nhanh chóng hơn. Điều này cũng giúp cho VNPT có năng lực tài chính lành mạnh hơn để phát triển trong thời gian tới vì khi đó sẽ không còn bị những doanh nghiệp thua lỗ níu chân.
Hai là, việc tách MobiFone sẽ tránh được thế độc quyền trên thị trường viễn thông, tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp còn lại trong ngành. Nhờ vậy, thị trường viễn thông Việt Nam cởi mở và vận hành hiệu quả hơn.
Ba là, MobiFone tách ra sẽ tăng thêm đối tượng cung ứng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, giúp doanh nghiệp tăng thêm uy tín và phát triển trên thị trường.
Ông Phong cũng vọng rằng, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT sẽ tạo ra tính cạnh tranh tốt hơn giữa các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường Việt Nam, trong đó có cạnh tranh về giá cả, về các loại hình dịch vụ và khâu chăm sóc khách hàng. Để những điều này trở thành hiện thực thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng trao đổi về vấn đề này với Kiến Thức, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao Bộ Thông tin và Truyền thông lại được tiếp quản doanh nghiệp này? Nếu năng lực quản lý tốt thì doanh nghiệp sẽ thực sự phát triển. Còn ngược lại, nếu năng lực đó không tốt thì doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Ở đây, MobiFone là một doanh nghiệp có tiếng tăm trên thị trường viễn thông nên việc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trực tiếp quản lý doanh nghiệp này đã chứng tỏ Bộ đã xây dựng đầy đủ các quy trình, kỹ thuật cũng như hệ thống quản lý để tiếp quản và phát triển MobiFone.
Quay trở về với Tập đoàn VNPT, nếu để cả hai doanh nghiệp lớn là MobiFone và VinaPhone cùng nằm trong VNPT thì khó mà phát triển tốt được. Bởi lẽ hai anh em cùng chung một mẹ và cùng kinh doanh một lĩnh vực, nếu có sự cạnh tranh, cũng sẽ là cạnh tranh trong khuôn khổ. Nếu tách ra và có những bước đi riêng thì sự cạnh tranh đó sẽ tự do và lành mạnh hơn, sẽ mang lại hiệu quả hơn và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng, ông Thành cho hay.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế khác lại tỏ ra lo ngại khi MobiFone tách khỏi VNPT. Bởi lẽ khi được "tự do", MobiFone vẫn phải gánh 2 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và nhiều khoản đầu tư của VNPT đang cần thoái vốn. Nhiều người lo ngại rằng việc chuyển giao các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sang cho doanh nghiệp làm ăn có lãi có thể sẽ kéo cả hai doanh nghiệp cùng chìm. Đó là bài học nhãn tiền vẫn còn hiển hiện trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Với khoản lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở các doanh nghiệp này, MobiFone sẽ phải mất tới vài năm để giải quyết, trong khi đó mục tiêu trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt vẫn luôn thôi thúc. Một vấn đề khác là đường truyền bao năm qua mà MobiFone vẫn dựa vào VNPT để phát triển sẽ buộc doanh nghiệp này phải tính toán kỹ lưỡng.
Minh Phương