|
Toàn cảnh hội thảo. |
Nông sản xuất siêu, vật tư nhập siêu
Sáng 20/12, hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp" đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết, đến hết năm 2020, cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất 39,25 triệu tấn/năm. Có 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.
Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn. Phần lớn cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình. Nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trong thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản ký vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Đáng chú ý, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. “Về vật tư nông nghiệp, chúng ta đang nhập siêu, nhập gấp đôi số vật tư nông nghiệp xuất khẩu. Điều này cũng trái ngược với thực tế nông sản của chúng ta đang xuất siêu nhiều năm nay” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Việt Nam đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD.
Sửa thuế VAT phân bón
Tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia cho rằng cần sớm sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 với mặt hàng phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.
Theo Luật số 71/2014/QH13, phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT. Theo phản ánh của doanh nghiệp, điều này dẫn đến nhiều bất cập.
Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Về phía Nhà nước cũng mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.
Trong khi đó, phần lớn phân bón nhập từ nước ngoài được các nước này đưa vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đối với việc sửa đổi Luật thuế 71, cần chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%.
Cùng với đó, cần xem xét sửa đổi nội dung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu. Giữ lại phân bón cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
PV