Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay vào ngày mai

Google News

(Kiến Thức) - Nhà máy đóng tàu Cochin có thể hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant vào ngày mai.

Theo phương tiện truyền thông Ấn Độ, tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ được hạ thủy vào ngày mai, kế hoạch này đã bị trì hoãn sau 4 năm. Tuy nhiên, t, tính tại thời điểm hạ thủy, chỉ có khung tàu và cấu trúc bên ngoài được hoàn thành, có nghĩa là chỉ đạt khoảng 30% tổng khối lượng công việc.
Ngay từ cuối những năm 1980, Hải quân Ấn Độ đã có kế hoạch tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay thế hệ mới của riêng nước này, để thay thế tàu sân bay INS Viraat đã lỗi thời của nước này.
Ban đầu, Ấn Độ đã ký kết hợp đồng đóng tàu sân bay có lượng giãn nước trong khoảng từ 25.000-28.000 tấn với Tập đoàn đóng tàu của Pháp và do nhà máy Cochin của Ấn Độ thực hiện. Theo kế hoạch, năm 1993 sẽ bắt đầu khởi công dự án, nhưng do vấn đề ngân sách nên kế hoạch bị hủy bỏ vào năm 1991.
Tháng 6/1999, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch đóng tàu sân bay lớp Vikrant với lượng giãn nước lên tới 32.000 tấn, do nhà máy Cochin thực hiện.
 Tàu sân bay INS Vikrant lắp đặt boong phóng nhảy cầu.
Sau khi hạ thủy, tàu INS Vikrant sẽ tiếp tục đưa về xưởng để hoàn thiện về lắp đặt hệ thống vũ khí, hoàn thiện kiến trúc thượng tầng. Theo nguồn tin của một quan chức Bộ quốc phòng Ấn Độ, chiếc tàu này sẽ tiến hành chạy thử nghiệm vào năm 2016. Tuy nhiên, theo thông tin của Hải quân Ấn Độ thì chương trình chạy thử nghiệm sẽ thực hiện vào năm 2018 đến 2019.
Kinh phí để đóng tàu sân bay INS Vikrant được cho là đã vượt quá mức dự kiến ban đầu. Theo đó, chi phí đóng tàu đạt 2, 2 tỷ USD, vượt quá 500 triệu USD so với dự kiến. Ước tính, sau khi hoàn thiện hệ thống vũ khí thì kinh phí đóng tàu có thể vượt quá con số 5 tỷ USD.
Theo truyền thông Ấn Độ, lượng giãn nước toàn tải của tàu sân bay INS Vikrant lên tới 40.000 tấn, dài 260m, thủy thủ đoàn 1.400 người. Tàu trang bị động cơ thông thường cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động 15.000km. Tàu thiết kế boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu (không dùng máy phóng), mang tổng cộng 30 máy bay (gồm 20 tiêm kích và 10 trực thăng).
Về loại tiêm kích hạm chủ lực trang bị cho INS Vikrant, Ấn Độ quyết định dùng biến thể cất hạ cánh trên tàu sân bay MiG-29K của tiêm kích đánh chặn MiG-29. Ấn Độ đã ký mua 29 chiếc MiG-29K của Nga vào năm 2010.
 Tiêm kích hạm MiG-29K của Không quân Hải quân Ấn Độ.
Ngoài chiếc INS Vikrant, theo một số nguồn tin Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng thêm một tàu thuộc lớp này nhưng có kích thước lớn hơn lên tới 64.000 tấn và có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, con tàu sẽ sử dụng máy phóng thủy lực thay vì boong phóng kiểu nhảy cầu hiện nay.
Chuyên gia quân sự Trương Quân Xã của Trung Quốc nhận định, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đầu tư phát triển tàu sân bay, do vậy Trung Quốc không thể xem nhẹ năng lực hải quân của nước này. Sau khi tàu sân bay mới đưa vào sử dụng, khả năng tác chiến tổng thể, năng lực tiếp tế viễn dương và phòng ngự của Ấn Độ đều được tăng lên rõ rệt, chính điều này có thể sẽ phá với thế cân bằng quân sự tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, ông Trương Quân Xã cũng chỉ ra, việc phát triển tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ vẫn vấp phải những vấn đề ngân sách, chiếc tàu sân bay tiếp theo của nước này dự kiến sẽ trang bị động cơ hạt nhân, nhưng còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.
Hoàng Anh