Ngày 20/6, Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhi là bé trai tên N.Q.D (13 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị rắn độc cắn. Theo bệnh viện Nhi Trưng ương, đây là trường hợp bị rắn độc cắn đầu tiên mà bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ đầu năm đến nay.
Theo đó, ngày 15/6, cháu D. được bệnh viện Nhi Nghệ An (tỉnh Nghệ An) chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bị rắn độc cắn, trẻ tỉnh nhưng mệt, suy hô hấp, thở yếu, liệt cơ tứ chi, phải thở oxy qua mask…
Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực – bệnh viện Nhi Trung ương đã xác định được vết thương của bệnh nhi là do rắn cạp nia cắn. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, cho kháng sinh chống bội nhiễm, truyền dịch và tiêm phòng uốn ván.
|
Vết rắn độc cắn gần bả vai cháu D khi mới nhập viện (Ảnh: BS cung cấp) |
Theo người nhà kể lại, khoảng 4 giờ sáng ngày 15/6, trẻ đang ngủ bị rắn khoang đen - trắng cắn vào gần bả vai. Rất có thể do nhà có vườn rộng, sau nhiều ngày mưa, nước dâng ngập vườn, rắn đã bò vào nhà mà gia đình không biết.
Hiện sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, trẻ tự thở, không sốt, tỉnh táo, tay chân đã cử động được, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Ths.Bs Đào Hữu Nam – khoa Điều trị tích cực cho biết, rắn độc cắn là một loại nhiễm độc do động vật thường gặp nhất. Trong y khoa, rắn độc thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm gây rối loạn đông máu và xuất huyết như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp) và nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, hổ đất, cạp nong, cạp nia, hổ mèo...).
Mức độ nặng nhẹ khi bị rắn cắn phụ thuộc vào từng loài rắn khác nhau, vị trí cắn khác nhau và mùa khác nhau. Ví dụ, trường hợp bị rắn cắn ở chân, tay (xa thần kinh trung ương) sẽ nhẹ hơn ở vị trí đầu, mặt; bị cắn vào mùa khô thường độc hơn vào mùa mưa…
|
Bệnh nhi D. đang được điều trị tích cực và đã tạm qua cơn nguy kịch. |
Riêng với các trường hợp bị rắn cạp nia cắn, bệnh nhân thường bị liệt cơ hô hấp gây khó thở, đau toàn thân, nói khó, loạn nhịp tim…, rất dễ gây tử vong hoặc tàn phế nếu không được phát hiện và hỗ trợ hô hấp kịp thời.
Theo BS. Nam, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách như: cho nạn nhân nằm yên vì vận động vùng bị cắn làm nọc độc vào cơ thể nhanh hơn, cần phải cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể các đồ dùng này sẽ gây chèn ép khi vùng tổn thương bị sưng nề; đặt bệnh nhân sao cho nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng dung dịch thuốc tím 1% hoặc nước sôi để nguội pha ít muối hay xà phòng; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Đồng thời, BS. Nam khuyến cáo, người nhà không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do không hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc…
Đặc biệt, không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, thuốc lá để chữa trị vì có thể làm chậm thời gian cấp cứu, song nếu có sẵn các bài thuốc cổ truyền thì vẫn nên dùng và ngay sau đó phải đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt.
Minh Hoàng