“Hồn ma” không cãi được... ADN

Google News

(Kiến Thức) - Nghi ngờ huyết thống thường là do sự không tin tưởng vào tình cảm thủy chung của vợ chồng, nhưng cũng không ít trường hợp chỉ vì... gọi hồn.

"Hồn" bảo "Nó không phải là người nội tộc. Phải đuổi đi ngay", vậy là phải tức tốc đi xét nghiệm ADN.

Không cần xét nghiệm, chỉ cần kết quả

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền cho biết: "Bằng giờ này năm ngoái có một người đàn ông khoảng 65 tuổi đến trung tâm và nhất định phải gặp tôi bằng được chỉ để xin một cái kết quả giám định. Ông giãi bày rằng đứa con rơi ông mang về là con của mình dù nó cũng không giống ông lắm. Còn  họ hàng thỉnh thoảng vẫn bảo ông "không khéo lại nuôi con tu hú". 

Chuyện lên tới đỉnh điểm khi gia đình họ tộc nhà ông đi gọi hồn để tìm hài cốt liệt sĩ người anh trai hy sinh trong chiến trường Khe Sanh năm xưa. "Hồn" nhập vào một đứa cháu. Sau khi "phán" xong nơi chôn cất của người anh, đứa cháu liền chỉ thẳng mặt đứa con riêng của ông mà quát: "Thằng này không phải nội tộc. Phải đuổi ngay". Lúc đấy ông choáng váng. Mặc dù ông vẫn chắc chắn niềm tin nó là giọt máu của mình nhưng họ hàng của ông, bốn năm chục người ngồi nghe "hồn" phán không chấp nhận nó là con cháu trong nhà. Chẳng còn cách nào khác ông đành phải tìm đến trung tâm xét nghiệm ADN.

Bà Nga đang thao tác máy phân tích ADN. 

Thế nhưng, lặn lội từ Lào Cai về Hà Nội, "mẫu" xét nghiệm mà ông mang theo không phải là 3 sợi tóc có chân hay móng tay của thằng con như yêu cầu cần có, mà chỉ là niềm tin chắc chắn của ông rằng nó là con ông. Ông không muốn làm xét nghiệm mà chỉ muốn xin kết quả khẳng định huyết thống. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm ADN, những người làm nghề chân chính không bao giờ đưa ra một kết quả "giả". Bị từ chối nhưng ông không nản. Gần chục ngày sau, người đàn ông đó lại quay lại với đầy đủ sổ hộ khẩu, giấy khai sinh nhất quyết chứng minh con mình là đúng và chỉ xin kết quả. Vẫn bị từ chối, ông đành về nhà lấy mẫu tóc để làm xét nghiệm. 

"Hồn" phán bậy

Trong suốt thời gian chờ đợi lòng ông nóng như lửa đốt, ngày nào ông cũng gọi điện đến trung tâm hỏi thăm. Đêm trước hôm trung tâm hẹn trả kết quả ông đã bắt tàu xuống Hà Nội, ngồi ngoài cửa từ sáng sớm, chờ đến giờ làm việc. Ông đã bật khóc nức nở khi cầm tờ kết quả trên tay, khẳng định niềm tin của mình là đúng.

Bảng mẫu phân tích ADN. 

Ông vừa khóc vừa kể, trước đây ông có đã một cậu con trai danh chính ngôn thuận, nhưng nó chơi bời, lêu lổng, uống rượu say rồi gặp tai nạn, nhờ trời thương nên mới có thằng cu "kiếm thêm" này. Nó ngoan ngoãn, học giỏi nên ông thương nó. Ông cũng chưa bao giờ nghi ngờ nó có phải con mình hay không. Có điều "hồn" phán thế, họ hàng nghi ngờ, cực chẳng đã ông mới phải làm xét nghiệm ADN. Mấy ngày qua dù vẫn tin thế nhưng ông cũng phần nào lo lắng, phấp phỏng, nhỡ ra... 

Lật giở lại những tài liệu được ghi chép rất tỉ mỉ, bà Nga cho biết, số trường hợp đi làm xét nghiệm vì gọi hồn hoặc mê tín di đoan rất nhiều, kể cả đối với việc tìm hài cốt liệt sĩ. Vẫn trường hợp của người đàn ông vừa kể trên, sau một thời gian, ông lại quay lại làm xét nghiệm anh em, giữa ông với một mảnh xương lấy từ ngôi mộ mà "hồn" đã chỉ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa ông với mẫu được xét nghiệm. Cầm kết quả trên tay, người đàn ông lẩm nhẩm: "Hồn chỉ được cái phán bậy".

So với xét nghiệm huyết thống giữa những người còn sống, việc giám định gen hài cốt liệt sĩ khó hơn nhiều do ADN bị phân hủy nặng. Trong cơ thể con người có 2 loại gen là gen trong nhân tế bào và gen ty thể là loại gen nằm ngoài nhân tế bào. Đối với người sống, việc xét nghiệm ADN sẽ thuận lợi hơn vì có thể tiến hành với gen trong nhân tế bào. Tuy nhiên, đối với người đã mất, gen trong nhân tế bào bị phân hủy rất nặng nên buộc các nhà khoa học phải tiến hành làm ADN ty thể. Hiện nay, việc giám định gen hài cốt được thực hiện khá nhanh (từ 7 - 10 ngày).

Đức Anh