Loại bỏ khuôn mặt “dị nhân” sau 8 giờ phẫu thuật

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã phẫu thuật 4 lần nhưng khối u máu khổng lồ của anh Lương Huy H. (26 tuổi) ở Thái Bình vẫn xâm lấn toàn bộ nửa khuôn mặt.

Chuyên gia nước ngoài cũng sợ không mổ
ThS Đỗ Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, anh H. được chuyển từ một bệnh viện lớn sang Bệnh viện Việt Đức từ năm 2011 vì khối u quá lớn. Khối u không chỉ choán hết phần má, rìa tai bên mặt trái mà còn choán hết cả mũi, mồm và một phần mắt, bắt đầu lan sang má phải. Đặc biệt, đây là khối u bị dị dạng mạch máu, thông động tĩnh mạch khiến các mạch máu to như ngón tay chạy ngoằn ngoèo khắp mặt, rất dễ vỡ và tử vong. 
Theo ThS. Đỗ Ngọc Linh, u máu dạng dị dạng động tĩnh mạch là một dạng bất thường bẩm sinh của mạch máu được hình thành từ trong quá trình phát triển phôi, bao gồm nhiều luồng thông trực tiếp giữa hệ thống động mạch và hệ tĩnh mạch, không qua hệ mao mạch nên dẫn đến mất khả năng trao đổi chất ở những mô xung quanh ổ dị dạng, còn gọi lại hiện tượng cướp máu. 
Khi tổn thương dị dạng động tĩnh mạch tiến triển theo sự lớn lên của cơ thể, sẽ dẫn đến thiểu dưỡng, loạn dưỡng mô biểu hiện lâm sàng là các triệu chứng đau, biến dạng, loét - hoại tử và chảy máu ở vùng u. 
Tốc độ dòng máu tại vị trí đó rất lớn, bệnh nhân cảm nhận được và khi đặt tay lên khối u sẽ thấy nóng hơn các vùng da khác do lưu lượng máu đến đấy nhiều hơn. Thực tế đã có trường hợp, với khối u nhỏ nhưng bị thông động tĩnh mạch khi gần đến BV bị vỡ, bệnh nhân đã tử vong vì không cầm máu kịp. 
Bệnh nhân Lương Huy H. với khối u khổng lồ trước và...
4 kíp mổ và 2 lít máu cứu bệnh nhân
TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, ThS. Đỗ Ngọc Linh cho hay, các bác sĩ của bệnh viện đã phải phối hợp 4 chuyên khoa khác nhau hội chẩn để có kết quả điều trị cao nhất. 
Trước khi mổ 48 giờ, bệnh nhân được tiến hành chụp mạch và nút mạch để giảm nguy cơ chảy máu trong mổ. Các bác sĩ hàm mặt phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u, lấy toàn bộ khối u ở phần má, mũi, bóc tách khối u vùng rìa mang tai bảo tồn thần kinh mặt. 
Ngay lập tức sau khi cắt bỏ khối u, kíp phẫu thuật tạo hình đã tiến hành phẫu thuật che phủ luôn khuyết hổng lớn trên mặt bằng vạt da cơ lưng to có cuống mạch liền từ vùng lưng cùng lên. Việc che phủ này rất khó khăn vì diện tích hổng lớn, vạt da phải kéo từ lưng, qua đầu để nối. Các bác sĩ gây mê hồi sức đã phải theo dõi sát tình trạng toàn thân, mạch, huyết áp của bệnh nhân để bồi phục kịp thời lại lượng máu đã mất...
 ... sau khi mổ.  
ThS. Đỗ Ngọc Linh nhấn mạnh, dù rất cố gắng nhưng các bác sĩ cũng chỉ lấy được khoảng 90% khối u, nếu lấy hết cả môi, mũi và trán thì không ghép hết cả mặt ngay được sẽ tạo ra cho bệnh nhân một lỗ hổng lớn, gây xấu khuôn mặt. Hơn nữa, dù đã được tắc mạch trước nhưng trong quá trình mổ máu vẫn phun nhiều, các bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh tắc mạch trực tiếp trong khi mổ đã giảm được rất nhiều song bệnh nhân vẫn phải truyền 2 lít máu. 
Sau mổ 1 tuần, bệnh nhân đã tự ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, vạt da che phủ vùng mặt sống tới 95%. Hiện nay, sau gần 3 tháng, khối u đã liền sẹo, siêu âm không còn nhánh các mạch máu lớn nữa, bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ. 
Thúy Nga