- Nhiều loài vật nuôi trong nhà hiện đang được các gia đình ưa chuộng như chim cảnh, chó cảnh, thậm chí nhiều người còn có thú chơi rắn, bọ cạp, bướm... với hình thức đẹp và lạ mắt. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì người tiếp xúc với những con vật này có thể bị mắc các bệnh lây nhiễm như viêm da, viêm não, nặng nhất có thể tử vong vì nọc độc.
[links()]
Điểm mặt các loài độc
Trong một lần đi Yên Tử, chị Bùi Khánh Ly (Khoái Nội, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) mua được một con rùa nhỏ. Sau khi cho trẻ con chơi một thời gian thì chị thả con rùa vào trong ao.
Khoảng 5 tháng sau thì ao nhà xuất hiện nhiều cá thể rùa khác, mà tôm cá trong ao lại ít đi. Tìm hiểu ra chị mới biết đó là rùa tai đỏ. Sau đó thì phải tát ao và bắt sạch những con rùa này.
Trường hợp khác, anh Nguyễn Thành Long (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) lại thích các loài rắn có hình thù đẹp. Mới đây, cả xóm nhà anh mất ăn mất ngủ vì con rắn hổ mang chúa trị giá hàng chục triệu đồng của nhà anh bị sổng mất.
Tuy chỉ là con rắn cảnh nhưng mức độ nguy hiểm của nó không ai lường được. Cuối cùng anh cũng tìm được con rắn quý giá này ở trong góc vườn nhà.
GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cảnh báo, trong tự nhiên có nhiều loài hình thức thì đẹp nhưng lại chất độc như trong nước tiểu, nước bọt, da...
|
Sự tồn tại của rùa tai đỏ sẽ đe dọa tính mạng nhiều loài khác. |
Theo ông Nguyễn Thiện Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chỉ riêng loài rắn, cũng đã có gần 200 loài rắn độc. Việt Nam là nơi cư ngụ của 53 loài rắn độc thuộc 69 giống, 8 họ.
Việc nuôi giữ rắn độc để làm cảnh có thể gây nguy hiểm với con người nhưng một số loài có màu sắc đẹp, có khả năng nuôi làm cảnh như rắn lá khô đầu hình V Sinomicrurus kellogi, rắn lá khô thường S. macclellandi, rắn lục đầu bạc Azemiops feae.
GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết: Có nhiều loài có hình thức đẹp, bắt mắt, nhưng thực chất lại rất độc.
Ngoài ra, một số loài không chứa độc tố nhưng lại gây dị ứng như một số loài bướm. Một số loài nhện có hình thức đẹp nhưng cũng rất độc.
Chó cảnh, chim cảnh... bình thường thì an toàn nhưng khả năng bị bọ chét tấn công là rất dễ. Các loại bọ chét này có thể gây bệnh ngoài da. Một số loại ve có trên chó, trâu, bò... còn có thể gây bệnh xuất huyết não.
Đẹp = Hủy hoại môi trường
GS Đặng Huy Huỳnh cũng cho biết, rùa tai đỏ được phát tán không kiểm soát từ việc mọi người mua về nuôi vì thấy hình thức của chúng đẹp. Tai đỏ, thân hình có các vệt màu xanh trông rất sặc sỡ.
Thế nhưng, sự tồn tại của chúng trong tự nhiên lại đe dọa tính mạng của nhiều loài động vật khác do khả năng phát triển mạnh, xâm lấn dẫn đến sự tồn tại độc tôn của loài trong vùng sinh thái đó.
Ngoài ra, vẻ đẹp của chúng vừa có thể hấp dẫn đồng loại lại vừa đánh lừa được kẻ thù. Bởi ẩn đằng sau vẻ đẹp ấy là những sợi lông chứa chất độc, gây hại cho cả con người và các loài thú ăn thịt.
Sâu bướm Sibine stimulea trông giống sên này có màu xanh chủ đạo, điểm một vòng tròn trắng chấm nâu tía ở giữa lưng trông tựa như cái yên. Gai và lông của loài này có thể khiến người tiếp xúc bị sưng tấy, buồn nôn và phát ban suốt nhiều ngày.
Loài này có thể bắt gặp ở các khu vườn, cánh đồng và trong rừng. Chúng ăn mọi thứ, từ thực vật vườn đến những loài cây lớn và cây bụi...
Khi chọn các loại động vật làm cảnh, nên tham khảo danh mục các loại động vật có nọc độc hoặc có khả năng gây độc để tham khảo.
Hơn nữa, phải cẩn thận khi tiếp xúc với các loại có nọc độc này vì ngoài khả năng gây dị ứng thì nó còn có khả năng làm chết người.
Hay cá biệt, có một số người chuyên "săn" chó sói rừng để nuôi trong nhà. Tuy nhiên, nước tiểu của chó sói có thể gây dị ứng, mẩn ngứa nếu tiếp xúc phải. Vì thế, phải vệ sinh thường xuyên cho các loại thú cảnh để tránh tình trạng mang bệnh từ những con vật dùng để cho đẹp.
"Cách tốt nhất là liên hệ với các chuyên gia để có được sự tư vấn tốt: Loài gì, nuôi như thế nào. Ví dụ như loài rắn, một số nơi vẫn thực hiện việc nuôi nhốt. Tuy nhiên, việc nhân nuôi phải đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật. Người dân bình thường không nên tự ý nuôi nhốt vì có thể vi phạm luật pháp về bảo tồn vừa gây nguy hiểm cho bản thân". |
GS.TS Vũ Quang Côn