Đội ngũ trí thức Khoa học Công nghệ chung tay đẩy lùi COVID-19

Google News

Ngày 14/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo “Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ với việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19”. TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA chủ trì Hội thảo.

Sản xuất thuốc đặc trị COVID-19
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã tàn phá mọi mặt của nền kinh tế như: lao động, việc làm, y tế, giáo dục, đặc biệt tác động đến nhóm yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, trẻ em nghèo, người di cư, lao động giản đơn... nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn đến các nguy cơ như suy thoái kinh tế, mất việc làm, giảm thu nhập kèm theo các hệ lụy như an sinh xã hội và bất bình đẳng xã hội.
Doi ngu tri thuc Khoa hoc Cong nghe chung tay day lui COVID-19
 TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA chủ trì Hội thảo.
“Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng, các nhà khoa học Việt Nam đã tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng KHCN, qua đó đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước các giải pháp phù hợp và hữu hiệu góp phần kiểm soát dịch bệnh” – TSKH Phan Xuân Dũng nói và cho biết, nhiều sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước đã và đang được thử nghiệm triển khai. Các nhà khoa học trong hệ thống VUSTA cũng đang tích cực tham gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phòng chống COVID-19: Viện Y dược Nano nghiên cứu chế tạo thuốc đặc trị nhằm bổ sung hoàn chỉnh trong phòng chống dịch; Viện công nghệ VinIT nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma; Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của đại dịch...
Nhằm khích lệ và huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN phòng chống dịch COVID-19, VUSTA tổ chức Hội thảo để lắng nghe các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ quá trình nghiên cứu, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, thông qua đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cùng Đảng, toàn dân thực hiện tốt mục tiêu kéo vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.
Doi ngu tri thuc Khoa hoc Cong nghe chung tay day lui COVID-19-Hinh-2
 GS.TS Nguyễn Văn Kính.
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã trình bày các ứng dụng KHKT trong dự phòng và điều trị COVID-19 tại Việt Nam như: Nghiên cứu về căn nguyên và test thử nghiệm, nuôi cấy, giải trình tự gen; Phát triển bộ test PCR, test nhanh phục vụ chẩn đoán (HVQY, NIHE, công ty Việt Á, Phù Sa, Thái dương…; Nghiên cứu các biện pháp dự phòng, ngăn chặn, phát hiện sớm (test trên diện rộng), truy vết, cách ly, dập dịch; Nghiên cứu sản xuất khẩu trang Nano, chất sát khuẩn, 5K; Nghiên cứu sản xuất vắc xin; Nghiên cứu phục vụ điều trị, xây dựng phác đồ điều trị, chế tạo máy thở, thử nghiệm thuốc trên lâm sàng, robot phục vụ điều trị, các kỹ thuật cao (ECMO), lọc máu Oxiris, thở máy, kháng thể đơn dòng…
“Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, virus luôn đột biến. Yêu cầu thực hiện chiến lược kép về phòng dịch và phát triển kinh tế. Vai trò của sản xuất và sử dụng vắc xin. Tác động lâu dài của dịch về phát triển kinh tế xã hội. Việc thực hiện nghiêm công thức 5K + vắc xin + thông tin là những khó khăn, thách thức trong thời gian tới” - GS.TS. Nguyễn Văn Kính nói và khuyến nghị cần bám sát tình hình dịch tễ để triển khai phòng chống dịch; Tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học và vai trò của các nhà khoa học trong phòng chống dịch COVID-19 và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống COVID-19.
GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa - Viện trưởng Viện Y Dược Nano cho rằng: “Để phòng chống bệnh do COVID-19, ngoài liệu pháp 5K, vắc xin thì rất cần có loại thuốc đặc trị. Đây không phải là liệu pháp tình thế mà là chiến lược lâu dài, có thể còn quan trọng hơn vắc xin, bởi COVID dễ biến thể, còn trở lại nhiều lần. Vắc xin liên tục phải dùng, hao người, tốn của, kinh phí nào chịu nổi, ngay cả ở các nước giàu có”.
Doi ngu tri thuc Khoa hoc Cong nghe chung tay day lui COVID-19-Hinh-3
 GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, phòng chống dịch COVID là trách nhiệm của tất cả mọi người. Các nhà khoa học, nhất là những nhà khoa học có kiến thức cao, sâu rộng, không kể đang làm việc trong biện chế của Nhà nước hay ở ngoài, đều có nghĩa vụ đóng góp trí tuệ của mình. Đồng thời Nhà nước cần quan tâm và giúp đỡ các điều kiện cần và đủ cho họ đóng góp thúc đẩy quá trình phòng chống dịch nhanh và bền vững.
“COVID-19 là đại dịch tàn khốc trong lịch sử loài người. Tuy nhiên ta cần bình tĩnh xem xét, nhìn nhận và phân tích kỹ. Không thờ ơ nhưng cũng không hoảng loạn. Không nên phức tạp hóa hiện tượng của tự nhiên. Quy luật của thiên nhiên cũng như quy luật của xã hội, cái gì đến nhanh sẽ đi nhanh. Dịch COVID-19 cũng không ngoại lệ. Điều chính yếu là ta chưa tìm ra gót chân ASIN của nó. Theo quan điểm của tôi, cái gì đến từ thiên nhiên thì để thiên nhiên giải quyết, trí tuệ của con người có vai trò thúc đẩy làm nhanh của quá trình. Loài Dơi mang virus này nhưng nó vẫn sống tốt, chắc rằng nó có thuốc giải từ thiên nhiên mà ta chưa biết. Tôi tin tưởng rằng với sự kết hợp hoàn chỉnh giữa 5K, thuốc đặc trị và vắc xin thì hết mưa trời lại nắng” - GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa nói tại hội thảo.
Làm chủ các công nghệ nền liên quan đến chế tạo vắc xin
Theo ý kiến của TS Đỗ Minh Sĩ – Giám đốc R&D, Công ty Nanogen Pharma đầu cầu tại TP.HCM cho biết, trên thế giới đang có 4 công nghệ sản xuất vắc xin COVID gồm: vắc xin bất hoạt, vắc xin  DNA và RNA, vắc xin virus và vắc xin tái tổ hợp. Nanogen chọn công nghệ protein tái tổ hợp vì chúng tôi đã làm chủ công nghệ này 10 năm. Ngoài ra, Nanogen sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học để hỗ trợ quá trình nghiên cứu.
TS Nguyễn Trung Nam – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ cho rằng, các nghiên cứu phát triển vắc xin cho các virus gây bệnh mới là thách thức lớn nhất cho các nhà nghiên cứu hiện nay do tính đột ngột xuất hiện của dịch bệnh. Vì thế, Viện Công nghệ sinh học đã làm chủ được công nghệ tạo các kháng nguyên quan trọng có thể kích thích đáp ứng miễn dịch có khả năng bảo hộ với bệnh. 
Các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học đã biểu hiện thành công dạng cấu trúc tự nhiên trimeric vùng gen S1, vùng gen tương tác thụ thể (RBD) của virus SARS CoV2 và đang nghiên cứu biểu hiện vắc xin vỏ virus (Virus-Like Particle hay VLP) và đánh giá khả năng kích thích tạo đáp ứng miễn dịch trên động vật thực nghiệm.
Doi ngu tri thuc Khoa hoc Cong nghe chung tay day lui COVID-19-Hinh-4
 Nhiều đại biểu trình bày ý kiến thông qua hệ thống trực tuyến.
Để cải thiện khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch chống lại các mối đe dọa thường trực và liên tục của các chủng vi rút mới, hạt nano đã và đang mang lại một trong những giải pháp đột phá cho công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới - nanovaccine. Việc ứng dụng công nghệ nano trong phát triển vắc xin dựa trên cơ sở khoa học là hầu hết các mần bệnh có kích cỡ nano giúp vắc xin nano được hệ thống miễn dịch nhận diện và xử lý hiệu quả. Kháng nguyên protein sau khi gắn lên trên hạt nano sẽ bền hơn, ổn định hơn cả in vitro lẫn in vivo. Viện Công nghệ sinh học đã rất thành công về khả năng dùng hạt nano kim cương (NDs) làm chất mang kháng nguyên vỏ virus H7N9 tái tổ hợp. Đánh giá hoạt tính kháng nguyên của protein trước và sau gắn hạt NDs cho thấy gắn hạt NDs làm tăng khả năng ngưng kết hồng cầu gà lên hơn 500 lần. Khi tiêm miễn dịch vào chuột thí nghiệm, NDs cho thấy hiệu quả của nó trong việc làm tăng cường lượng kháng thể kháng HA/H7N9 sinh ra gấp gần 8 lần so với không sử dụng hạt. Như vậy, NDs là vật liệu nano giúp cải thiện mạnh mẽ tính kháng nguyên và khả năng đáp ứng miễn dịch đối với protein kháng nguyên tái tổ hợp....
Khẳng định trình độ của đội ngũ trí thức Việt Nam
Kết luận tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, đội ngũ trí thức Việt Nam đánh giá rất cao sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương đã hành động rất quyết liệt, khoa học, trở thành biểu mẫu, hình ảnh tốt trong bạn bè quốc tế. Việt Nam là một trong những quốc gia vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Doi ngu tri thuc Khoa hoc Cong nghe chung tay day lui COVID-19-Hinh-5
 Chủ tịch VUSTA phát biểu kết luận tại Hội thảo.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, đội ngũ trí thức KHCN ngay những ngày đầu tiên có dịch, chưa phải là đại dịch đã bắt tay vào nghiên cứu các sản phẩm KHCN phòng chống dịch, bộ Kít xét nghiệm nhanh là một ví dụ cụ thể. Việt Nam là 1 trong những quốc gia có bộ xét nghiệm đầu tiên và chúng ta còn cung cấp cho bạn bè thế giới.
Dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới, trở thành đại dịch, đội ngũ trí thức Việt Nam theo Đảng, Nhà nước đã ra sức nghiên cứu các loại vắc xin, thử nghiệm các loại vắc xin, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp khác nhau, phương pháp chữa bệnh khách nhau, các thiết bị công nghệ phòng chống dịch bệnh, bảo vệ bác sỹ như: máy tự động đưa thuốc, chăm sóc bệnh nhân, buồng khử khuẩn, xe chở bệnh nhân mắc COVID-19... kể cả phương pháp 5K đơn giản mà hiệu quả. Đặc biệt, Nanovax, thuốc đặc trị chữa COVID, công nghệ Plasma , công nghệ laser và các giải pháp an sinh xã hội.
Đội ngũ trí thức Việt Nam khẳng định là những người có trình độ cao, không thua kém các nước tiêu biểu trong khu vực và thế giới, lại mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, thương người như thể thương thân. Do đó, sản phẩm của trí thức Việt Nam làm ra đạt tiêu chuẩn cao, không hề thua kém các nước” – Chủ tịch VUSTA nói và cho biết, các đại biểu tham dự Hội thảo đều có kiến nghị các cấp, ngành tin tưởng vào đội ngũ trí thức KHCN nước nhà, cho phép được sử dụng sản phẩm của họ và sản xuất lớn, trước tiên là dùng cho người Việt Nam và tiến tới cho bạn bè thế giới. Điều đó không chỉ đẩy lùi đại dịch mà là giải pháp phát triển KHCN nước nhà. Các đại biểu cũng đề nghị VUSTA có báo cáo với Đảng, Nhà nước về kết quả của Hội thảo. VUSTA sẽ cố gắng làm việc này ở mức tốt nhất, thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất kiến nghị của các đại biểu, các nhà khoa học.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Sớm ban hành quy chế quản lý quỹ vắc xin

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Hiểu Lam