Các nước Đông Á mua bao nhiêu vũ khí năm 2013?

Google News

(Kiến Thức) - Nhập khẩu vũ khí của khu vực Đông Á đã tăng hơn 25% trong năm 2013, trong đó dẫn đầu là Ấn Độ với mức tăng hơn 1,8 tỷ USD. 

Theo một báo cáo quốc tế thì ngân sách dành cho nhập khẩu vũ khí trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã tăng mạnh trong năm ngoái. Trong khi đó bản báo cáo Cán cân thương mại hàng năm của Tạp chí Jane’s Defence Weekly cũng chỉ ra rằng, nhập khẩu vũ khí ở khu vực Đông Á đã tăng 25% từ 9,8 tỷ USD (năm 2012) lên con số 12,2 tỷ USD trong năm 2013.
Bản báo cáo của Jane’s còn cho biết thêm, các khu vực còn lại của châu Á cũng có mức tăng tương tự từ 7,8 tỷ USD trong năm 2012 lên 8,8 tỷ USD trong năm 2013. Việc có mức tăng đáng kể như vậy chủ yếu xuất phát từ Ấn Độ khi nước này đã chi hơn 1,8 tỷ USD cho việc nhập khẩu vũ khí chủ yếu là từ Mỹ, trong đó cũng bao gồm cả hợp đồng mua máy bay chống ngầm P-8 Poseidon của Tập đoàn Boeing.
Ấn Độ đã mua 8 chiếc P-8I Neptune với tổng giá trị 2,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường nhập khẩu vũ khí thì một số nước khác trong khu vực lại giảm bớt việc nhập khẩu vũ khí trong đó có Pakistan. Nước này đã giảm 200 triệu USD từ con số 1,5 tỷ USD trong năm 2012 xuống còn 1,3 tỷ USD vào năm 2013. Trong đó, khoảng 25% trong 1,3 tỷ USD là hợp đồng mua sắm các máy bay chiến đấu JF-17 Pakistan hợp tác với Trung Quốc.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy rằng, Trung Quốc là nước chiếm 54% thị phần nhập khẩu vũ khí của Pakistan trong giai đoạn từ năm 2009-2013. Bắc Kinh cũng chiếm hơn 82% thị trường nhập khẩu vũ khí của Bangladesh trong năm 2012, theo Jane’s, ước tính Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 350 triệu USD vũ khí từ Trung Quốc.
 Bangladesh gần đây đã quyết định mua 2 tàu ngầm Type 035 của Trung Quốc với tổng giá trị hơn 200 triệu USD.
Thị trường vũ khí Đông Bắc Á cũng có sự thay đổi khi Trung Quốc vượt mặt Hàn Quốc trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất ở khu vực này trong năm 2013, sau khi Hàn Quốc cắt 500 triệu USD cho việc nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài so với năm 2012. Ngân sách dành cho nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng gần 800 triệu USD trong năm 2013 và con số đó còn cao hơn nhiều so với Hàn Quốc vào năm 2012.
Các nước Đông Nam Á cũng gia tăng nhập khẩu một số lượng lớn vũ khí đáng kể trong năm 2013. Nhập khẩu vũ khí của Indonesia đã tăng gấp ba lần từ 600 triệu USD năm 2012 lên 1,8 tỷ USD trong năm 2013. Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam cũng tăng gấp ba lần trong bốn năm qua, từ 300 triệu USD trong năm 2009 lên 900 triệu USD vào năm ngoái.
 Năm 2009, Việt Nam đã ký thỏa thuận mua 6 tàu ngầm Kilo với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.
Về quốc gia cung cấp, Nga là một trong những nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho các nước Đông Á. Theo Jane’s giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga ở khu vực này đã tăng gần 1 tỷ USD trong năm 2013, từ 2,5 tỷ USD vào năm 2012 lên 3,4 tỷ USD trong năm 2013. Phần lớn trong số đó xuất phát từ các hợp đồng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước cung cấp vũ khí chính cho thị trường Đông Á với doanh thu từ vũ khí mà nước này có được là hơn 4 tỷ USD trong năm 2013, mặc dù theo ước tính con con số này đã có chiều hướng giảm so với năm 2012.
Trà Khánh