Kỳ 3: Hải chiến Chemulpo – danh dự lính Hải quân Nga
Trong buổi sáng ngày 9/2/1904, song song với việc tấn công Hải quân Nga ở cảng Lữ Thuận, quân Nhật cũng xúc tiến việc chuẩn bị đổ bộ lên Triều Tiên. Người Nhật dự định thiết lập đầu cầu đổ bộ ở cảng Chemulpo (ngày nay là Incheon, Hàn Quốc). Vùng biển này đã từng là đầu cầu để Nhật Bản đổ bộ vào Triều Tiên trong cuộc chiến Thanh - Nhật (1894-1895), và sau này là đầu cầu đổ bộ của quân Mỹ trong trận Nhân Xuyên nổi tiếng thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Nơi đây, Hạm đội Nhật Bản đã lập một chiến tích oai hùng khi đánh bại Hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh. Lần này, quân Nhật cũng giành thắng lợi trước người Nga. Chỉ khác một điều, đó là các thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã khiến người Nhật phải khâm phục vì lòng dũng cảm, xứng đáng với danh dự người lính hải quân của mình.
|
Tàu chiến lớn nhất Hải quân Nga tại Chemulpo - Tuần dương hạm Varyag.
|
Khi đó, chỉ huy Hải quân Nhật tại vịnh Chemulpo là Chuẩn Đô đốc Uryu Sotokichi. Ông có trong tay 6 tuần dương hạm, một số tàu phóng lôi và 2.500 lính bộ binh. Nhận thức được tầm quan trọng của cảng Chemulpo, người Nhật đã sử dụng một lực lượng lớn bảo vệ cho cuộc đổ bộ.
Trong khi đó, người Nga chỉ có hai tàu chiến ở đây gồm tuần dương hạm Varyag và pháo hạm Korietz. Trong đó, tuần dương hạm Varyag có lượng giãn nước 6.604 tấn, được trang bị 12 pháo 152mm, 12 pháo 76mm, 8 pháo 48mm, 2 pháo 38mm và 6 ống phóng ngư lôi 381mm.
Rõ ràng, lực lượng Nhật Bản chiếm thế thượng phong hoàn toàn trước tàu Nga. Nhưng vấn đề là các tàu Nga đang thả neo trong một cảng trung lập, xung quanh có nhiều tàu của các nước khác, như HMS Talbot của Anh, Pascal của Pháp và Elba của Italy. Pháo hạm USS Vicksburg của Mỹ cũng có mặt trong cảng, nhưng neo đậu ở xa vùng chiến sự.
|
Lính Nhật đổ bộ.
|
Đô đốc Uryu tự tin rằng nếu như quân Nga tiến ra biển, ông sẽ dễ dàng đánh bại họ. Nhưng còn việc tấn công tàu Nga khi nó đang ở giữa các tàu trung lập nước ngoài, tại một cảng trung lập là trái với luật pháp quốc tế.
Chuẩn Đô đốc Uryu quyết định, nếu người Nhật không thể tấn công tàu Nga, thì người Nga cũng không thể tấn công Nhật trong một cảng trung lập. Ông ra lệnh cho các tuần dương hạm Chiyoda, Takachiho, Asama cùng một số tàu phóng lôi hộ tống các tàu vận tải tiến hành đổ bộ 4 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 12, Lục quân Nhật Bản lên bờ.
Đồng thời, Uryu còn cẩn thận sử dụng 3 tuần dương hạm Naniwa, Nitaka và Akashi làm lực lượng dự bị. Ba tàu phóng lôi phục sẵn bên mạn phải chiếc Nitaka, sẵn sàng xông vào hạ thủ các tàu chiến Nga.
Mọi chuyện diễn ra đúng dự định, khi cả hai bên đều tôn trọng danh dự hải quân, tuân thủ luật pháp quốc tế: không tấn công nhau trong cảng trung lập, giữa các tàu trung lập nước ngoài.
Cuộc đổ bộ của Nhật Bản diễn ra suôn sẻ từ 18h ngày 8/2 đến 3h sáng hôm sau, 2 chiến hạm Nga tăng cường chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu nhưng không hề nổ súng. Sau đó các tàu Nhật rút đi, chỉ để lại tuần dương hạm Chiyoda lại trong cảng.
Song song với đó, Chuẩn Đô đốc Uryu cũng gửi thư cho quân Nga, yêu cầu phải đầu hàng và rời khỏi cảng. Các tàu trung lập cũng được yêu cầu di dời khỏi nơi neo đậu. Toàn văn bức thư gửi cho các tàu chiến trung lập như sau:
Vịnh Chemulpo, ngày 8/2/1904
Thưa các ngài!
Tôi xin trân trọng thông báo với các ngài rằng chiến tranh giữa Đế quốc Nga và Đế quốc Nhật Bản đã bùng nổ. Và chúng tôi sẽ buộc phải tấn công các chiến hạm của chính phủ Nga tại Chemulpo bằng tất cả lực lượng thuộc quyền chỉ huy của tôi, nếu như các ngài từ chối yêu cầu của chúng tôi là rời khỏi vịnh Chemulpo trước giữa trưa ngày 9/2/1904.
Tôi trân trọng đề nghị các ngài không can thiệp vào các hoạt động quân sự của chúng tôi ở trong cảng, để không ảnh hưởng đến tàu của các ngài.
Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ không diễn ra trước 4h chiều ngày 9/2/1904, để các ngài có đủ thời gian thực hiện những yêu cầu trên.
Nếu có bất kì tàu vận tải hay tàu buôn mang quốc tịch của các ngài trong có mặt trong vịnh Chemulpo, tôi yêu cầu ngài truyền đạt cho họ thông báo trên.
Tôi rất vinh dự được phục vụ các ngài.
Chuẩn đô đốc S.Uryu
Các tàu chiến trung lập nước ngoài (trừ pháo hạm USS Vicksburg của Mỹ) đã hội ý chớp nhoáng, sau đó thuyền trưởng Denis Bagly của tàu HMS Talbot đã lên tuần dương hạm Naniwa, trao thư từ chối di dời nơi neo đậu của các tàu nước ngoài, với lí do đây là cảng trung lập. Đây là sự ủng hộ của họ để đáp lại lòng dũng cảm của các thủy thủ Nga.
Bỏ qua những lời khuyên nên đầu hàng của các thuyền trưởng nước ngoài, hai chiến hạm Nga vẫn quyết tâm mở đường máu phá vòng vây của quân Nhật. Đây là hành động quyết tử, nhằm bảo toàn danh dự người lính hải quân trước kẻ địch đông hơn nhiều lần.
|
Từ trái qua phải ảnh: Tuần dương hạm Varyag và pháo hạm Konietz hùng dũng tiến ra nghênh chiến.
|
Đúng 11h trưa, hai chiến hạm Nga nổ máy, hùng dũng tiến ra khơi. Tất cả các thủy thủ tàu của Anh, Italy tràn lên boong, reo hò. Không ít người xúc động trước cảnh này, họ vẫy khăn chào vĩnh biệt hai con tàu với những thủy thủ Nga dũng cảm. Bất ngờ, từ chiếc Elba vang lên quốc ca Nga. Giai điệu hùng tráng của quốc ca như tiếp thêm sức mạnh cho các thủy thủ lao vào cuộc chiến không cân sức.
Tuần dương hạm Varyag dẫn đầu, cách phía sau 200m là pháo hạm Konietz. 11h25 phút, báo động chiến đấu toàn tàu Varyag, tất cả hạm tàu Nhật đã kéo tới. Dẫn đầu là các tuần dương hạm, theo sau là các tàu phóng lôi. Sau 20 phút rượt đuổi, tuần dương hạm Asama khai hỏa pháo 203mm. Hai phút sau, Varyag nổ súng đáp trả.
Hai chiến hạm anh hùng của Nga mờ mịt trong khói lửa. Phòng hải đồ trúng đạn đầu tiên, khiến nhiêu quân nhân hi sinh. Ụ pháo 152mm tiếp tục trúng đạn, nhiều người hi sinh nhưng các binh sĩ Nga vẫn không rời vị trí chiến đấu. Tiếp tục 2 ụ pháo 152mm, 2 ụ pháo 76mm, 2 ụ pháo 48mm lần lượt bốc cháy dữ dội. Những đám cháy liên tiếp bốc lên trên tàu Varyag và phải rất khó khăn mới có thể dập tắt.
|
Pháo hạm Konietz bốc cháy dữ dội và chìm xuống biển.
|
Đến 12h5 phút, khi đang cơ động gần đảo Yo-dol-mi, khoang lái bị trúng pháo. Thuyền trưởng Rudnev của tàu Varyag bị mảnh đạn văng vào đầu. Động cơ bị hỏng và 10 phút sau mới phục hồi lại được.
Khoảng cách ngày càng gần, và các chiến hạm Nga trúng đạn ngày càng nhiều. Đạn phá tan tành hầm tàu. Cuối cùng, không thể chịu nổi hỏa lực của quân Nhật, hai con tàu rút về cảng Chemulpo. Đến chiều tối, lần lượt các chiến hạm Nga đều tự đánh chìm để không rơi vào tay địch.
Trong số 580 thủy thủ Nga, có 33 người hi sính, 97 người bị thương. Số người bị thương nặng đều được cấp cứu tại bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Chemulpo. Những người khác được các tàu chiến trung lập đưa về nước, và được coi như những người hùng.
Lương Minh