Shafaq: “đứa con khó đẻ” của công nghiệp quân sự Iran

Google News

(Kiến Thức) - Dù mất hơn 10 năm, nhưng Iran vẫn chưa thể cho mẫu máy bay huấn luyện đa năng Shafaq do nước này tự phát triển cất cánh lên bầu trời.

Tạp chí Jane's Defence Weekly cho biết, mặc dù chương trình phát triển mẫu máy bay huấn luyện – chiến đấu hạng nhẹ Shafaq của Iran đã được công bố từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ nguyên mẫu nào được thử nghiệm. Ngoài trừ các mô hình được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm hàng không quốc tế Kish 2006 được tổ chức tại Iran.
Từ năm 2001, Iran đã bắt đầu lên kế hoạch phát triển một mẫu máy bay huấn luyện nội địa, tuy nhiên mọi thứ vào thời điểm đó chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng. Sau đó, tại triển lãm hàng không quốc tế Kish, Iran đã ra mắt mô hình máy bay huấn luyện chiến đấu Shafaq - đó có là một trong nỗ lực bước đầu hiện thực hóa chương trình đầy tham vọng. Theo một số nguồn tin, Shafaq do Đại học Malek-Ashtar trực tiếp nghiên cứu.
 Mô hình của mẫu máy bay huấn luyện đa năng Shafaq được Iran trưng bày tại các kỳ triển lãm hàng không quốc tế thường niên Kish.
Nhưng lại có nguồn tin cho rằng, mẫu máy bay huấn luyện Shafaq của Iran được phát triển dưới sự giúp đỡ từ hãng hàng không Mikoyan và các công ty thuộc ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga.
Trước đó, các quan chức thuộc trường đại học Malek-Ashtar phát biểu tại Kish 2005 cho biết rằng, Iran đang bắt đầu phát triển một mẫu máy bay huấn luyện đa năng mới do nước tự thiết kế. Tuy nhiên một thời gian dài sau đó Iran vẫn chưa thể cho ra mắt nguyên mẫu đầu tiên của loại máy bay này. Và chúng chủ yếu xuất hiện tại các triển lãm thường niên dưới dạng mô hình.
Tới triển lãm Kish 2014 diễn ra từ ngày 18-21/11, Iran đã lần đầu tiên công bố các bức ảnh chụp một mẫu máy bay huấn luyện đa năng có hình dáng gần như tương tự như của mô hình thiết kế của mẫu máy bay huấn luyện đa năng Shafaq.
Nhưng theo Jane’s thì, nguyên mẫu trên đã được chuyển khỏi đại học Malek-Ashtar và được bàn giao cho Trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ Iran (AIO).
AIO giải thích rằng, sau khi đã hoàn thành giai đoạn thiết kế hầu hết các mẫu máy bay mới của Iran đều sẽ được chuyển đến các đơn vị sản xuất để hoàn thiện trước khi được phê duyệt.
 Hình ảnh được cho nguyên mẫu đầu tiên của Shafaq.
Theo AIO, Malek-Ashtar chỉ chịu trách nhiệm cho quá trình thiết kế và phát triển, nhưng quá trình chế tạo sẽ do các đơn vị công nghiệp hàng không thuộc AIO tiến hành. Bên cạnh đó chương trình phát triển máy bay huấn luyện Shafaq đã được Iran đổi tên thành Borhan và nó được phát triển trên thiết gốc của Shafaq.
Nguyên nhân của sự thay đổi trên được AIO tiết lộ là có liên quan đến việc thiết kế trưởng của chương trình trên đã qua đời, và mẫu thiết kế hiện tại còn được gọi bằng cái tên khác là Integral. AIO cũng thừa nhận rằng, các chuyên gia hàng không người Nga đã tham gia vào quá trình phát triển của Borhan, nhưng chỉ giới hạn ở phần kiểm tra và điều chỉnh thiết kế hình dáng khí động học.
Nổi bật nhất trong việc thay đổi thiết kế của Borhan chính là ở phần đuôi máy bay, với thiết kế cánh đuôi đơn so với cánh đôi như trước đây. Ngoài ra cánh của Borhan cũng được sửa đổi để đảm bảo khả năng bay linh hoạt hơn trên không, nó cũng được trang bị hệ thống ghế phóng khẩn cấp Zvezda K-36D và rất có thể sẽ bao gồm cả các động cơ phản lực NPO Klimov RD-33 đều do Nga chế tạo.
Iran vẫn chưa thể thống nhất việc trang bị cho Borhan một hay hai động cơ, mặc dù mẫu máy bay này được chế tạo bởi các vật liệu tổng hợp có trọng lượng khá nhẹ. Nhưng tổng trọng lượng của Borhan lại lớn hơn nhiều so với các mẫu máy bay cùng loại của Phương Tây, khi mà trọng lượng của hệ thống động cơ và ghế phóng đã chiếm đáng kể trọng lượng của nó.
 Mẫu máy bay huấn luyện đa năng Borhan được Iran giới thiệu tại triển lãm hàng không quốc tế Kish 2014.
Phân tích của Jane’s
Mặc dù đã đạt được một số bước tiến đáng kể, nhưng AIO vẫn chưa thể cho ra mắt nguyên mẫu đầu tiên của Borhan và hình ảnh được công bố tại Kish 2014 có thể chỉ là một mô hình tiêu chuẩn của mẫu máy bay này. Iran còn khá nhiều việc phải làm để có thể đưa mẫu máy bay huấn luyện đa năng Borhan của mình lên trên bầu trời.
Mặt khác, kích thước và thiết kế của Borhan khá giống hai mẫu máy bay huấn luyện đa năng Yak-130 của Nga và M-346 của Alenia Aermacchi. Cả hai mẫu máy trên đều khá thành công trên thị trường hàng không quốc tế, nhưng với thiết kế đầy tính rủi ro của Borhan thì tỉ lệ thành công của nó vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Do đó Borhan chắc chắn khó có khả năng sẽ được trang bị cho lực lượng Không quân Iran, chình vì thế mà chính phủ Iran đã cho phép hình ảnh của nó xuất hiện tại triển lãm hàng không Kish.
Tuấn Đặng