SS-23: tên lửa không dễ đánh chặn của Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Với tốc độ tiếp cận mục tiêu Mach 4, đầu đạn bay nhanh gấp 10 lần âm thanh giúp tên lửa Oka trở thành vũ khí cực khó đánh chặn.

Năm 1981, tình báo phương Tây phát hiện ra trong hệ thống vũ khí của quân đội Liên Xô có một sự bổ sung rất đáng chú ý - tổ hợp tên lửa đánh đất cấp chiến thuật - chiến dịch mới, được định danh là SS-23 Spider (tên Nga định danh là 9K714 Oka). Theo những tài liệu sau này được công bố, loại vũ khí mới này thực chất được phát triển từ khá lâu trước đó.
Theo đó, sau khi chương trình Rota (1965-1971) nhằm chế tạo tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến chỉ dừng lại ở bước thiết kế, các nhà quân sự Liên Xô luôn muốn thực hiện tiếp những công việc đang còn dang dở nhất là khi loại tên lửa đối đất chủ lực lúc bấy giờ là 9K72 Elbrus (NATO định danh là SS-1C Scub B) bắt đầu tỏ ra đã khá lỗi thời.
Thời điểm đó, Liên Xô đang tìm kiếm phương tiện răn đe, tấn công hiểm hơn so với tổ hợp tên lửa 9K72 Elbrus (NATO hay Mỹ thường gọi chủ yếu bằng cái tên Scud).
Trước tình hình này, ngày 19/3/1973, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã ra nghị định giao cho Văn phòng Thiết kế Máy (KBM) ở Kolomna, đứng đầu là giám đốc S.P.Nepobedimy phát triển một tổ hợp tên lửa chiến thuật mới dựa trên cơ sở những thành quả của chương trình Rota. Qua đó, chương trình phát triển tổ hợp tên lửa 9K714 Oka chính thức được khởi động.
Giai đoạn một của chương trình diễn ra rất bí mật và rất suôn sẻ. Công tác thử nghiệm cấp nhà nước được tiến hành trong những năm 1977-1979 tại Kapustin Yar, năm 1980 tổ hợp được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô chấp nhận đưa vào trang bị chính thức. Lữ đoàn tên lửa 189 nhận trang bị đầu tiên. Trong giai đoạn này, khoảng 26-31 tên lửa đã được sản xuất phục vụ cho thử nghiệm. Việc sản xuất hàng loạt được thực hiện tại cơ sở Chế tạo máy hạng nặng mang tên V.I.Lenin ở Petropavlovsk cách Moscow về phía đông 2.000km, nay thuộc Kazakhstan.
Các tính năng của tổ hợp tên lửa 9K714 Oka tất nhiên là không được công khai như bây giờ, nhưng qua nhiều nguồn dữ liệu thu thập được, các nhà phân tích quân sự Mỹ đã nhanh chóng “đánh hơi” thấy mùi nguy hiểm khôn lường từ loại vũ khí mới này. Chúng nhanh, chính xác và uy lực hơn tiền bối 9K72 Elbrus Scub B.
Cơ cấu tổ hợp 9K714 Oka
Tiếp tục được thiết kế theo nguyên tắc: “bắn-chuồn” nên toàn bộ tổ hợp Oka khá gọn nhẹ và được đặt trên các khung gầm bánh lốp: xe mang phóng tự hành SPU 9P71 (chứa đạn tên lửa 9M714); xe tiếp đạn TZM 9T230; xe hậu cần TM 9T240. Tên lửa được lưu trữ trong thùng 9YA249, đầu đạn được lưu trữ trong thùng 9YA251/252. Ngoài ra còn các máy kiểm tra, cẩu và thiết bị đào tạo. Toàn bộ tổ hợp chuyển từ trạng thái nghỉ sang sẵn sàng phóng chỉ trong 30 phút, bằng 1/3 thời gian cần thiết cho Scub B.
 Xe phóng 9P71 của tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật 9M714.
Bộ phận chiến đấu và cũng là phần trung tâm của tổ hợp là xe phóng mang tên lửa chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng chiến đấu chỉ trong 5 phút. Xe 9P71 vô cùng cơ động với động cơ diesel UTD-25/D-144 400 mã lực, có thể tăng tốc lên 65 km/h, dự trữ hành trình 700km, được thiết kế từ khung xe lội nước đổ bộ MAZ 6944 nên nó không gặp vấn đề với các chướng ngại vật là vùng ngập nước. Khả năng dã chiến cao cho phép 9P71 theo kịp được các đội hình thiết giáp, cơ giới khi hành quân. Bên cạnh đó với trọng lượng khá nhẹ khoảng 29 tấn (gồm cả tên lửa) và kích thước tiêu chuẩn giúp xe phóng này có thể nhanh chóng có mặt ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Thật vậy, chúng có thể được vận chuyển bằng cả đường biển, đường sắt hay nhờ các máy bay Il-76 hoặc An-22. Xe phóng có độ tự động hóa cao, tổ lái 3 người, tác chiến bất kể ngày đêm và trong các điều kiện khắc nghiệt nhất của chiến trường, kể cả khi có sự xuất hiện của vũ khí sinh hóa hạt nhân.
Vũ khí không thể đánh chặn
Điểm đáng chú ý nhất là đạn tên lửa của tổ hợp được định danh 9M714. Là kết quả của một quá trình nghiên cứu thiết kế khá lâu nên loại đạn tên lửa này hội tụ nhiều công nghệ mới độc đáo thời bấy giờ của Liên Xô. Nó sử dụng kiểu thiết kế module chia tách 3 phần riêng biệt: đầu đạn, khoang thân và khoang động cơ.
Khoang động cơ chỉ có một tầng đẩy, dùng nhiên liệu rắn cho phép gia tốc nhanh chóng và dễ dàng bảo quản hơn Scud (nhiên liệu lỏng). Tầm bắn và độ chính xác của tên lửa R-400 (tên xuất khẩu của 9M714) cũng vượt trội so với giới hạn 300km của R-300 (Scub). Cái tên R-400 do Liên Xô đặt muốn nói rằng tầm bắn của loại tên lửa mới là 400km, nhưng các chuyên gia phương Tây đã phát hiện ra rằng khả năng thực sự của chúng là tầm bắn đạt tới 500 km và đã được thử nghiệm rõ ràng.
Hệ thống dẫn đường được Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia về Tự động hoá và Thuỷ lực (TsNIIAG) phát triển gồm một hệ dẫn quán tính và một đầu tìm tương quan quang - điện tử giai đoạn cuối giúp bán kính sai số chỉ khoảng 35-150m.
Đối với các hệ thống cải tiến 9K714U sau này, ở pha giữa quỹ đạo của tên lửa còn được hiệu chỉnh bằng các dữ liệu mục tiêu của mạng tình báo từ xa như các máy bay tác chiến điện tử.
Đạn tên lửa 9M714 đạt tầm bắn 400-500km, đầu đạn tiếp cận mục tiêu với vận tốc Mach 10.

Sau khi được phóng, tên lửa được cơ động gia tốc và lấy độ cao. Cao độ lớn nhất trong quỹ đạo có thể lên tới 120km, sau đó tên lửa gần như lao thẳng đứng 180 độ xuống mục tiêu. Quỹ đạo bay kiểu này giúp tận dụng tối đa gia tốc trọng trường để tạo vận tốc cực lớn, kết quả tên lửa có thể đạt vận tốc tối đa Mach 4 rồi bắn ra đầu đạn với vận tốc Mach 10. Tốc độ khủng khiếp mà chỉ có sai số nhỏ cho phép Oka có thể tấn công một số mục tiêu chuyển động.
Phần đầu đạn được thiết kế bởi I.Kupriyanov trang bị các cơ chế bảo vệ trước sự tấn công của hệ thống phòng không đối phương như các bẫy mồi, hệ thống gây nhiễu. Không những thế khoang đầu đạn có thể mang nhiều loại đạn khác nhau trong đó có đầu đạn hạt nhân, cung cấp những lựa chọn đa dạng khi tấn công các mục tiêu cụ thể cũng như mang lại sức mạnh răn đe lớn.
Các loại đầu đạn đều có đạn tên lửa tương ứng gồm:
- 9M174B: đầu đạn phân hạch 9N74B công suất 10-50 kiloton hoặc đầu đạn nhiệt hạch 9N63 200 kiloton, nặng 375kg, tầm bắn 500km.
- 9M714F: Đầu đạn nổ mảnh, trọng lượng 450kg, tầm bắn tối đa 450km.
- 9M174K: Đầu đạn chùm 9N74K, 3 tầng trọng lượng 716kg chứa 95 viên đạn con, mỗi viên nặng 3,84 kg, mỗi viên con lại chứa 0,64kg thuốc nổ và được thiết kế để văng ra 300 mảnh nhỏ 5g. Thử nghiệm cho thấy, nếu phát nổ ở độ cao 3.000m, diện tích sát thương từ 80.000 đến 100.000 m2.
Ngoài ra 9M714 còn có thể mang đầu đạn hóa học. Việc thay đầu đạn chỉ mất 15 phút. Tùy biến thể mà kích thước khác nhau, tuy nhiên ở mức xét ở mức trung bình, tên lửa có đường kính 0,97m, chiều dài 7,4 m, trọng lượng 4,5 tấn. tầm bắn 50-500 km.
 Ảnh minh họa triển khai tổ hợp 9K714 Oka.
Mỹ, NATO “lạnh gáy”
Không quá khi nói rằng, sự xuất hiện của tổ hợp tên lửa 9K714 Oka đã làm dậy sóng châu Âu. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh đang phân đôi “Lục địa già”, khối Warsaw vào đầu những năm 1970 thực tế chỉ có khả năng tấn công hạn chế bằng tên lửa vào những nước láng giềng đối địch trong khối NATO.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 1980, quân đội các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được khả năng có thể phá hủy vị trí trọng yếu của NATO một cách nhanh chóng và bất cứ lúc nào bằng các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn SS-21 và tầm trung SS-23. Kịch bản phủ đầu hoàn hảo này là không thể ngăn chặn nếu nó được thực hiện.
Mỹ và các đồng minh là rất hạn chế, đến đầu những năm 1990 phương Tây mới có hệ thống Patriot PAC-2, trong khi ngay cả PAC-3 bây giờ cũng bất lực trước những vật thể di chuyển trên 3.000m/s. Nếu chiến tranh nổ ra, NATO sẽ chỉ biết đứng nhìn những quả tên lửa có nhanh bằng 10 lần âm thanh lao xuống đầu họ. Đó là lý do tại sao Washington coi SS-23 Spider nguy hiểm chẳng khác gì những tên lửa mang tầm chiến lược.
Anh Trần