Thái Lan liệu có nên mua chiến hạm Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Thái Lan từng "khốn khổ" với tàu chiến giá rẻ của Trung Quốc nhưng họ vẫn không rút ra bài học kinh nghiệm nào mà tiếp tục có ý mua thêm.

Theo China Daily, chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban để tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc mua 3 khinh hạm thế hệ mới nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân nước này.

Trước đó, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt việc mua 2 chiến hạm thế hệ mới với ngân sách 1 tỷ USD. Ban đầu, Hàn Quốc và Đức được cho là 2 ứng viên nặng ký với hợp đồng này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chào hàng Thái Lan các khinh hạm Type 054T Giang Khải II với giá cả phải chăng và một số điều kiện hấp dẫn đi kèm.

Đương nhiên, trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn, thì một mức giá rẻ nhưng được tàu chiến “ngon” là lựa chọn tối ưu đối với Bangkok.

Khinh hạm hiện đại nhất

Type 054A là khinh hạm tên lửa đa năng thế hệ mới được phát triển từ loại Type 054 Giang Khải với nhiều cải tiến trong thiết kế phần thân và được tích hợp hệ thống vũ khí – điện tử tiên tiến.

Type 054A có lượng giãn nước 4.500 tấn (toàn tải), dài 134,1m, thủy thủ đoàn 165 người. Phần thân tàu được thiết kế đặc biệt nhằm làm giảm diện tích phản xạ sóng radar, hệ thống vũ khí cũng được bố trí một cách “kín đáo” để tăng khả năng tàng hình cho con tàu.
Khinh hạm hiện đại nhất Trung Quốc Type 054A Giang Khải II.

Type 054A thiết kế chủ yếu đảm nhận vai trò phòng không nên hệ thống vũ khí đối không của con tàu khá mạnh. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm trung HQ-16 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tối đa tới 50km. Theo một số nguồn tin, đạn tên lửa HQ-16 có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu bay thấp hơn 10m so với mặt nước biển.

Đạn tên lửa HQ-16 được đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (32 ống) bố trí ngay phía sau tháp pháo 76mm. Cách bố trí này cũng nhằm làm tăng khả năng tàng hình cho con tàu, đồng thời việc phóng tên lửa theo phương thẳng đứng cũng có ưu điểm nhất định. Tên lửa có khả năng bao quát mục tiêu 360 độ, phản ứng nhanh trong khi nếu dùng bệ phóng thì sẽ mất thời gian quay về hướng mục tiêu bay tới.

Ngoài hệ thống HQ-16, Type 054A còn có sự góp mặt của 2 tổ hợp pháo cao tốc Type 730. Tổ hợp này gồm: một pháo 7 nòng cỡ 30mm (tốc độ bắn 5.800 viên/phút, tầm bắn 3.000m); radar điều khiển hỏa lực TR47C; tổ hợp ngắm quang – điện. Type 730 được thiết kế chuyên đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu đối phương, tất nhiên nó có thể tiêu diệt máy bay.

Dù được thiết kế ưu tiên cho khả năng phòng không, nhưng sức mạnh tấn công mặt biển của Type 054A Giang Khải II rất đáng gờm với tổ hợp tên lửa hành trình YJ-83. Trên tàu được bố trí 2 bệ phóng YJ-83 (mỗi bệ 4 đạn) được lắp chéo nhau ở giữa thân tàu.

Đạn tên lửa YJ-83 có khả năng mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 165kg, tầm bắn tối đa 255km. YJ-83 được đánh giá một loại tên lửa chống tàu nguy hiểm, khó đánh chặn khi mà pha cuối chỉ bay cách mặt nước 5m, tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh.
Type 054A Giang Khải II phóng tên lửa đối không HQ-16.

Trên tàu còn được trang bị tháp pháo PJ26 cỡ 76mm được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu tầm gần, cỡ nhỏ hoặc pháo kích yểm trợ quân đổ bộ đường biển. PJ26 được cho là có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không nhờ tốc độ bắn cao.

Tuy có hỏa lực phòng không và chống hạm mạnh mẽ nhưng Type 054A Giang Khải II “tỏ ra yếu ớt” trong tác chiến chống tàu ngầm. Trên tàu chỉ được trang bị 2 cụm giàn phóng rocket săn ngầm Type 87 cỡ 240mm chỉ có tầm bắn 1.200m và 2 cụm máy phóng ngư lôi tự dẫn Yu-7 cỡ 324mm (tầm bắn hơn 7km).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là biến thể xuất khẩu bao giờ cũng “thấp” hơn (trang bị điện tử, hỏa lực) so với biến thể sử dụng trong nước. Vì vậy những thông số kỹ thuật trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Ngoài ra, biến thể Type 054T có thể có những đổi khác không những về mặt trang bị mà còn chất lượng con tàu. Vì với giá rẻ người ta không thể yêu cầu những tính năng cao cấp hay chất lượng tốt cho một con tàu. Ví dụ điển hình nhất mà chính là Hải quân Thái Lan đã từng là nạn nhân “đau đớn” vì tham hàng giá rẻ Trung Quốc.

“Tiền nào của ấy”

Đầu những năm 1990, Thái Lan đã ký hợp đồng với Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc mua 4 khinh hạm Type 053T lớp Giang Hồ với giá 67 triệu USD/chiếc.

Nếu so với giá trị hợp đồng mua tàu chiến phương Tây là 268 triệu USD/chiếc thì đương nhiên cái giá 67 triệu USD làm các nhà lãnh đạo Thái Lan “lóa mắt, gật đầu ngay lập tức”.

Nhưng, tới khi tiếp nhận tàu thì Hải quân Thái Lan thực sự thất vọng vì chất lượng tệ hại của Type 053T Giang Hồ. Theo đó, toàn bộ hệ thống dây điện bên trong không có lớp bảo vệ, hệ thống kiểm soát thiệt hại chiến đấu rất hạn chế, hệ thống cứu hỏa không hiệu quả, thân tàu có vết nứt rạn. Những lỗi này làm Thái Lan phải mất rất nhiều thời gian sửa chữa trước khi đưa vào hoạt động.
Khinh hạm Type 053T Giang Hồ từng làm Thái Lan "khốn khổ".

Không những thế, Type 053T Giang Hồ được thiết kế với hệ thống hỏa lực kém cỏi. Mặc dù vũ khí chống tàu mặt nước được trang bị các tên lửa hành trình YJ-82 khá tốt. Nhưng hệ thống phòng không chỉ gồm 4 pháo 37mm 2 nòng (thao tác bằng tay, không tự động) mà không có tên lửa đối không. Hỏa lực chống ngầm chỉ gồm các giàn phóng rocket có tầm bắn ngắn khó có thể đối phó hiệu quả với tàu ngầm.

Vì lẽ đó, gần đây Thái Lan đã phải tốn thêm tiền để nâng cấp hiện đại hóa các tàu Type 053T Giang Hồ trên tất cả các mặt (hệ thống điện tử, vũ khí). Rõ ràng, nếu chính quyền Thái Lan không tham của rẻ thì họ đã không tốn thêm hàng chục triệu USD để sữa chữa các tàu trong nhiều năm.

Nhưng với những thông tin của cuộc đàm phán mua Type 054T, dường như chính quyền Thái Lan vẫn rút ra được bài học kinh nghiệm nào sau thương vụ Type 053T.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê