Vòng đàm phán thương vụ Su-35 bắt đầu
Interfax dẫn nguồn tin quan chức công nghiệp quốc phòng Nga cho hay, đoàn đại biểu Trung Quốc đã tới Nga để tham gia cuộc đàm phán mua tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35. Ngoài ra, đoàn Trung Quốc sẽ tham dự buổi trình diễn tính năng Su-35 tại Kubinka (Moscow) được phía Nga tổ chức dành riêng cho nước này.
“Các chuyên gia Nga và Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tham vấn về vấn đề bán cho Không quân Trung Quốc các máy bay tiêm kích đa năng hiện đại Su-35. Hiện phái đoàn Trung Quốc đang ở Moscow để tìm hiểu tính năng kỹ thuật bay của máy bay, xem trình diễn và tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề mua máy bay”, vị quan chức này nói.
Ông này cho biết thêm, tham gia cuộc đàm phán về phía Nga có đại diện của Tập đoàn Rosoboronexport, Tập đoàn Máy bay Thống nhất và Tập đoàn Hàng không Sukhoi.
|
Trung Quốc "khao khát" tiêm kích Su-35. |
Trả lời câu hỏi của Interfax về việc sẽ có bao nhiêu máy bay tiêm kích Su-35 có thể được bán cho Trung Quốc, vị quan chức nói sẽ là một số khá lớn.
“Chúng tôi không bán đơn lẻ hoặc lô hàng nhỏ ra nước ngoài loại trang bị như tiêm kích Su-35”, ông này nói. Theo truyền thông nước ngoài không ít hơn 24 máy bay Su-35 sẽ được bán cho Trung Quốc.
Về phía Tập đoàn Rosoboronexport và Tập đoàn Sukhoi từ chối đưa ra bình luận về vấn đề đàm phán bán Su-35 cho Trung Quốc.
Trước đó, Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Vyacheslav Dzirkaln cho biết, thoả thuận liên chính phủ giữa hai nước về việc bán cho Trung Quốc máy bay tiêm kích đa năng Su-35 đã được ký kết tháng 1 năm nay.
Theo ông này, đây không phải là hợp đồng chuyển giao mà là hợp đồng bán sản phẩm, nghĩa là Trung Quốc sẽ nhận được các máy bay đã sẵn sàng cho khai thác sử dụng.
Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia sử dụng nhiều nhất dòng tiêm kích đa năng Sukhoi Su-27/30 của Nga. Trong nhiều năm, nước này đã mua tổng cộng 281 máy bay Su-27/30. Ngoài ra, Trung Quốc đã làm chủ được việc sản xuất máy bay tiêm kích J-11B, thực chất là sao chép công nghệ Su-27.
|
Muốn sở hữu Su-35, Trung Quốc bắt buộc mua lô hàng lớn. |
Tiêm kích thế 4 mang công nghệ thế hệ 5
Su-35 là loại tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ do Công ty Sukhoi (Nga) phát triển từ dòng tiêm kích huyền thoại Su-27. Tiêm kích đa năng Su-35 trong thiết kế chế tạo được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Su-35 được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy 117S (trong ảnh) có hệ thống thay đổi véc tơ lực đẩy đa chiều không đối xứng. Công nghệ tiên tiến này giúp Su-35 có khả năng “siêu cơ động” cả khi bay tốc độ thấp lẫn tốc độ cao. Thậm chí, nó được coi là có thể đem lại sức cơ động hơn cả tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.
Với 2 động cơ 117S, Su-35 đạt tốc độ tối đa 2.390km/h, tầm bay 3.600km, trần bay 18.000m. Động cơ này còn giúp phi công điều khiển máy bay ở mọi mặt phẳng, thao tác cơ động cực kỳ linh hoạt, phi công dễ “cắt đuôi” đối phương đang đeo bám hoặc rút ngắn khoảng cách tiếp cận đối phương để tiêu diệt.
Su-35 được trang bị hệ thống radar quét mạng pha điện tử cực mạnh Irbis-E có khả năng phát hiện, theo dõi đồng thời 30 mục tiêu trên không ở cự ly tối đa 400km, cung cấp kênh điều khiển dẫn tên lửa hạ 8 mục tiêu cùng lúc. Irbis-E có khả năng dẫn tên lửa đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 (như F-22).
Về hỏa lực, Su-35 được thiết kế với một pháo 30mm trong thân (dự trữ đạn 150 viên) và 12 giá treo trên cánh và thân mang tổng cộng 8 tấn vũ khí (gồm tên lửa đối không, đối đất, chống tàu, bom, rocket).
Theo đánh giá của các chuyên gia, Su- 35 có những tính năng kỹ thuật bay tốt hơn nhiều so với các máy bay tương tự có trong biên chế Không quân Nga. Và tổ hợp thiết bị lắp trên máy bay cho phép giải quyết phổ các nhiệm vụ rộng hơn do yêu cầu chiến kỹ thuật đặt ra.
Các tính năng tiềm tàng mà máy bay có được cho phép nó chiếm ưu thế so với tất cả các máy bay tiêm kích chiến thuật thế hệ 4 và 4+ của Mỹ và phương Tây gồm: Dassault Rafale (Pháp), và Eurofighter Typhoon và biến thể tiêm kích F- 15, F- 16, F- 18 của Mỹ. Thậm chí, Su-35 được đánh giá có thể đối địch với tiêm kích tàng hình F-35 và F-22A.
Liên hợp Sản xuất Hàng không mang tên Yu. A. Gagarin ở Komsomolsk nằm trong thành phần của Tập đoàn Sukhoi chịu trách nhiệm sản xuất hàng loạt Su- 35. Hiện nay máy bay tiêm kích này đang được thử nghiệm cấp quốc gia và đã thực hiện được khoảng 650 chuyến.
Theo dự đoán của các chuyên gia Nga, ngoài Trung Quốc trong tương lai Việt Nam, Indonesia có thể là khách hàng tiếp theo quan tâm tới việc mua tiêm kích đa năng Su-35.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Vũ