Lịch sử phát triển
Dự án nghiên cứu chế tạo pháo tự hành XM2001 Crusader được lên kế hoạch vào năm 1990, nhằm mục đích thay thế hệ thống pháo tự hành M109 Paladin được sản xuất từ những năm 1960.
XM2001 được kỳ vọng sẽ trở thành một hệ thống vũ khí tấn công gián tiếp, hỗ trợ hỏa lực tiên tiến và cơ động cao cho đến khi nó bị hủy bỏ vào năm 2002.
|
Pháo tự hành XM2001 Crusader. |
Dự án phát triển XM2001 được Bộ Quốc Phòng Mỹ phê duyệt trong năm 1995 với nhà đầu tư chính là United Defense cùng 2 nhà thầu phụ General Dynamics Land Systems và Honeywell.
Tham gia quá trình nghiên cứu còn có Alliant Techsystems, Applied Dynamics, Architecture Technologies, Ascent Logic, The Boeing Corporation... cùng 10 đối tác khác.
Dự án không chỉ phát triển pháo tự hành mà còn phát triển xe tiếp đạn dựa trên khung gầm và công nghệ của XM2001.
Xe tiếp đạn có tên RSV - ReSupply Vehicle (sau này đổi thành XM2002) đã hoàn thành vào năm 1999 và pháo tự hành XM2001 hoàn thành vào năm 2000. Đến năm 2002, XM2001 đã bắn tổng cộng 4.000 quả đạn pháo trong các cuộc thử nghiệm.
Tuy nhiên với trọng lượng gần gấp đôi M109 Paladin cũng như khả năng cơ động kém, độ chính xác của vũ khí không cao và giá thành đắt đỏ khiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld ra lệnh hủy bỏ dự án 11 tỷ USD này vào tháng 5/2002.
|
Xe tiếp đạn XM2002. |
Đặc điểm của pháo tự hành XM2001 Crusader
XM2001 Crusader là một hệ thống pháo tự hành hoàn toàn tự động, được áp dụng những công nghệ mới nhất lúc bấy giờ. Kíp chiến đấu chỉ có 3 người và khi bảo trì cũng vậy, công việc nạp đạn từ xe tiếp đạn vào trong xe mang pháo cũng chỉ cần 3 người này.
Trung tâm chỉ huy của Crusader được trang bị hệ thống chiến thuật trên khoang, bao gồm cả hỗ trợ ra quyết định, hệ thống định vị vị trí và dẫn đường cao cấp cùng với một hệ thống IFF tự động.
Crusader gửi và nhận các thông tin chiến trường trong thời gian thực thông qua hệ thống dữ liệu chiến thuật pháo chiến trường tiên tiến (Advanced Field Artillery Tactical Data System/ AFATDS) và nó có thể giao tiếp trực tiếp với những phương tiện chiến đấu khác.
Các mạng truyền dữ liệu kỹ thuật số an toàn liên kết các hệ thống pháo, xe tiếp tế và phần còn lại của chiến trường để cung cấp nhận thức tình huống theo thời gian thực.
|
XM2001 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. |
Vũ khí chính trên XM2001 Crusader là pháo 155 mm/56 caliber XM297E2 với bộ phận đánh lửa bằng laser và giá đỡ pháo XM200.
Nòng pháo được lắp các tấm làm mát (Integral Midwall Cooled/IMC) nhằm giảm bộc lộ hồng ngoại và duy trì khả năng bắn lâu dài cũng như tăng tuổi thọ cho nòng.
Giá đỡ pháo XM200 dùng cơ chế giật lùi kiểu Schneider, bao gồm 2 xi lanh hãm giật và 2 xi lanh thu hồi kiểu module.
|
Cận cảnh pháo 155 mm/56 caliber XM297E2 trên XM2001 Crusader. |
Bệ khoá nòng dạng trượt ngang tự động cùng với thiết bị đánh lửa bằng laser giúp tốc độ bắn cao và an toàn hơn cho kíp chiến đấu khi bắn trong thời gian dài.
XM2001 Crusader tận dụng lợi thế của ngòi nổ đa lựa chọn (Multi-Option Fuze for Artillery/ MOFA).
Loại ngòi nổ này tương thích với các loại đạn pháo 105 mm đến 155 mm, nó có 4 chức năng cài đặt cho đạn pháo: nổ tiệm cận, hẹn giờ, điểm nổ và nổ chậm. Ngòi MOFA có thể cài đặt bằng tay hoặc bằng cảm biến.
XM2001 Crusader có tốc độ bắn 10 - 12 phát/phút, trong một cuộc thử nghiệm, Crusader đã bắn 15 phát trong 1 phút 43 giây, so với M109A6 Paladin phải mất 9 phút 52 giây để bắn số lượng đạn tương tự.
XM2001 Crusader có khả năng bắn tới 8 phát đạn đồng thời vào một mục tiêu (Multiple Rounds Simultaneous Impact/ MRSI). Một hệ thống XM2001 có thể mang 50 quả đạn bên trong, với 2 ngăn chứa 25 viên đạn mỗi bên.
Các loại đạn của XM2001 bao gồm đạn nổ mạnh, đạn photpho trắng, đạn khói, đạn mang đạn con (Dual-Purpose Improved Conventional Munition/ DPICM), đạn phát sáng, đạn cảm biến diệt tăng (Sense And Destroy Armor/ SADARM) cũng như đạn thông minh.
|
Hình mô phỏng sơ đồ bên trong của XM2001 Crusader. |
Đặc điểm xe tiếp đạn XM2002
Xe tiếp đạn XM2002 mang 100 quả đạn pháo để tiếp đạn cho XM2001 Crusader, tốc độ nạp là 50 viên trong khoảng 12 phút.
XM2002 có thể tiếp đạn cho XM2001 khi kíp chiến đấu vẫn còn bên trong xe nhằm đảm bảo tính sẵn sàng cao cho các nhiệm vụ liên tục, giảm thời gian tiếp tế và tăng khả năng sống sót cho kíp chiến đấu.
Xe tiếp đạn XM2002 không những nạp đạn pháo cho XM2001 mà còn nạp liều phóng, tiếp tế nhiên liệu, nước…
|
Xe tiếp đạn XM2002. |
XM2001 và XM2002 sử dụng chung khung gầm và động cơ turbine khí Honeywell/ General Electric LV100-5 cùng với bộ truyền động của Allison. Bộ truyền động cho phép tự động lập kế hoạch tốc độ động cơ và tỷ số truyền cho việc tiết kiệm nhiên liệu.
Hệ thống lái bằng dây (Drive-by-Wire) giúp xe đạt tốc độ tối đa trên đường nhựa là 67 km/h và 39 km/h trên đường gồ ghề. Động cơ này nhỏ hơn, nhẹ hơn, tăng tốc nhanh hơn, ít ồn và hạn chế khí thải so với động cơ turbine khí của xe tăng M1 Abrams.
Theo Theo Trí Thức Trẻ