Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: “KH&CN đang thay đổi người làm báo”

Google News

“Báo chí đang trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, KH&CN phát triển nhanh chóng làm thay đổi mọi hoạt động báo chí và hành vi người làm báo, mỗi tờ báo phải xây dựng được thương hiệu riêng, trường phái riêng, cách lôi cuốn người đọc riêng thì mới có chỗ đứng”- Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nói.

Chiều 5/10, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cùng Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao đã có buổi trò chuyện, giao lưu với lãnh đạo, cán bộ các phòng, ban, phóng viên, BTV Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Buổi giao lưu, trò chuyện diễn ra tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Việt Nam (số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) với sự chủ trì Ts. Chử Văn Lâm – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam và ông Nguyễn Quốc Uy – Hội đồng Biên tập. Nội dung buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.
Chu tich VUSTA Phan Xuan Dung: “KH&CN dang thay doi nguoi lam bao”
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho rằng “KH&CN đang thay đổi người làm báo”.
Phát biểu tại buổi trò chuyện, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) bày tỏ sự vui mừng thay mặt cho Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam tham dự gặp mặt với các doanh nhân, các nhà báo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Tạp chí Kinh tế nhân dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2021.
TSKH Phan Xuân Dũng khẳng định: “Nền báo chí đang trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển vô cùng nhanh chóng, đang làm thay đổi mọi hoạt động và hành vi cuộc sống con người, trong đó có cả người làm báo, công việc của báo chí. Đối với báo chí và truyền thông cũng có những thuận lợi và thách thức vô cùng lớn lao.
Bằng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thì việc cập nhật thông tin, phân tích thông tin sẽ nhanh gấp hàng nghìn lần so với thủ công. Nếu không có đổi mới mạnh mẽ từ cách tiếp cận, tư duy đến phương thức hoạt động thì người làm báo sẽ đứng trước nguy cơ dần “mất việc”.
Ngày nay đi cùng báo chí là các mạng thông tin với rất nhiều thông tin đa dạng, đa chiều, đúng có, biến tấu có, câu khách, thậm chí còn sai sự thật. Do đó, không có tính chuẩn xác sẽ mất niềm tin đối với bạn đọc và hết chỗ đứng trong xã hội. Đối với các tờ báo, chúng ta phải nhanh nhạy đổi mới, phải có tính chính xác cao, phải có tính đặc thù riêng của từng tờ báo thì mới có lượng bạn đọc riêng của mình. Nghĩa là mỗi tờ báo phải xây dựng được thương hiệu riêng, trường phái riêng, cách lôi cuốn người đọc riêng thì mới có chỗ đứng đối với bạn đọc”.
Chu tich VUSTA Phan Xuan Dung: “KH&CN dang thay doi nguoi lam bao”-Hinh-2
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cùng Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao đã có buổi trò chuyện, giao lưu với lãnh đạo, cán bộ các phòng, ban, phóng viên, BTV Tạp chí Kinh tế Việt Nam. 
TSKH Phan Xuân Dũng cho rằng, Tạp chí Kinh tế chắc chắn cũng phải thay đổi, đổi mới cho phù hợp với thời đại KH&CN mới đang tiến nhanh chưa từng thấy như vũ bão. Phải nhanh nhạy hơn, cập nhật công nghệ mới nhanh hơn, phát huy được thế mạnh, thương hiệu của mình; phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN trong Liên hiệp Hội Việt Nam để có những thông tin khoa học, thông tin kinh tế chính xác, phong phú, hấp dẫn hơn.
“Vai trò của các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong đó có Tạp chí Kinh tế Việt Nam, trong chiến lược mà Liên hiệp Hội Việt Nam đặt ra Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ngày 15/9/2021 có sự tham dự và chỉ đạo của Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, là cần phải chủ động, tích cực hơn nữa để góp phần phát triển KH&CN lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại; tạo động lực mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, làm cho KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng; vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19” – Chủ tịch VUSTA nói.
Chủ tịch VUSTA vui mừng biết rằng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực hướng vào nền kinh tế số, với mục tiêu mong muốn hình thành một cổng thông tin, trung tâm thông tin để tất cả những ai quan tâm đến nền kinh tế số Việt Nam sẽ phải tìm đến đọc.
Nhận thức sâu sắc sứ mệnh của tờ báo gắn với đổi mới và hội nhập, trên cơ sở được Đảng và nhà nước giao phó trên mặt trận thông tin, truyền thông, 30 năm qua, đội ngũ lãnh đạo, phóng viên biên tập viên của Tạp chí đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc sứ mệnh với Đảng, Nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu thông tin của độc giả trong nước và quốc tế.
Một tổ hợp báo chí với nhiều ấn phẩm, gồm cả báo in, báo điện tử, ngôn ngữ đa dạng: tiếng Việt, tiếng Anh, Ban biên tập của Tạp chí đã sản xuất và truyền tải hàng ngày một lượng thông tin lớn tới độc giả. Không dừng lại ở xuất bản thông tin báo chí, Tạp chí còn khởi xướng và duy trì tổ chức nhiều sự kiện tương tác, hội tụ và chia sẻ giữa các bên liên quan như Diễn đàn, Hội thảo, xây dựng thành những cộng đồng doanh nghiệp theo ngành, theo khu vực kinh tế, để nắm bắt thông tin, truyền thông có trọng tâm, trọng điểm và sát thực với thực tiễn và nhu cầu của độc giả.
Chu tich VUSTA Phan Xuan Dung: “KH&CN dang thay doi nguoi lam bao”-Hinh-3
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng vui mừng với sự phát triển của hệ thống báo chí của VUSTA nói chung và Tạp chí Kinh tế Việt Nam nói riêng. 
Chủ tịch VUSTA kỳ vọng: “Tôi rất mong mỗi ấn phẩm báo chí của Hội kinh tế nói riêng, của Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung phải có một bản sắc riêng. Để khi cần xác nhận một thông tin nào đó, đúng hay sai, khi cần giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, người đọc sẽ đều tìm đến tờ báo của mình, số báo riêng của mình, mục riêng của mình yêu thích và quan tâm, đó chính là bản sắc riêng không ai có, đó là thương hiệu riêng, là tài sản riêng của cơ quan báo chí.
Tôi có một kỳ vọng nữa là Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống các nhà khoa học rất đông đảo, tâm huyết, say mê nghiên cứu, say mê truyền bá kiến thức cho mọi người. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cả nước hiện có khoảng 6,6 triệu tri thức, riêng Liên hiệp Hội Việt Nam có 2,2 triệu tri thức, chiếm 32,5%. Đây là nguồn tài nguyên vô giá. Phải làm sao để chính đội ngũ trí thức cũng là nhà báo, tham gia viết báo để đưa tri thức đến với độc giả. Những tin, bài này là rất có giá trị và cũng làm tăng giá trị, thương hiệu của báo, tạp chí.
Nước ta đang phát triển thành phố thông minh như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Mức độ ứng dụng tiến bộ KH&CN của mỗi thành phố là khác nhau, vậy những thông tin về kinh tế, về đầu tư, thị trường, về hoạt động của các doanh nghiệp v.v. được phản ánh trên báo chí, trên Tạp chí Kinh tế sẽ rất có giá trị cho người dân, cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và rất cần thiết cho bạn đọc trong và ngoài nước.
Việt Nam đang phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa nước ta trở thành một nước phát triển vào năm 2045 thì báo chí phải luôn đồng hành của các ngành, các cấp, các cơ quan thực hiện tốt sứ mệnh là báo chí cách mạng Việt Nam, các thông tin, sự kiện phản ánh trung thực, vì sự nghiệp của đất nước, của dân tộc”.
PV