Lý Hằng là một chàng trai người dân tộc Khmer sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ mất đi tình yêu thương của cha mẹ, nương tựa gia đình người dì cũng trong cảnh 'thiếu trước, hụt sau'.
Chính vì vậy, trong Lý Hằng luôn nung nấu một ngọn lửa khát vọng vượt khó vươn lên, thay đổi cuộc sống.
Lý Hằng - chàng trai người Khmer với tinh thần học tập, vươn lên trong cuộc sống
Tuổi thơ vắng tình thương cha mẹ
Lý Hằng sinh năm 1992, cứ mỗi lần nhắc đến tuổi thơ đầy sóng gió của mình, anh chàng 31 tuổi này vẫn không kìm được xúc động.
Theo lời Hằng kể, khi anh vừa chào đời mới được 3 tháng tuổi, ba mẹ đã không may gặp tai nạn mất sớm. Ở cái tuổi được mẹ chở che, ba cưng chiều, trong một khắc, mọi thứ đều về 'số 0'.
Một cậu bé 3 tháng tuổi có thể tự làm được những gì? Đừng nói là ăn, uống,... cả gương mặt ba mẹ mình ra sao cậu đều không biết. Mọi ký ức về cha mẹ đều được nhắc lại qua những tấm hình.
Hằng kể, sau khi ba mẹ chẳng may qua đời, anh được người dì là bà Danh Thị Phượng (ngụ Thạnh Trị, Sóc Trăng) cưu mang. Tại đây, anh được người dì thương yêu, lo cho từng cái ăn, cái mặc. Tuy vậy, gia đình của dì cũng khó khăn, nuôi thêm một đứa nhỏ chẳng khác nào tự tạo thêm gánh nặng. Lúc nào gia đình cũng luôn trong cảnh 'thiếu trước, hụt sau'.
Hoàn cảnh đặc biệt càng khiến Lý Hằng ý thức hơn trong việc phấn đấu, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiểu được những vất vả, khổ cực của gia đình nên từ nhỏ Hằng đã có tính tự lập, mặc dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn chật vật lẫn tinh thần nhưng anh vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập, tạo nguồn động viên to lớn cho người dì của mình.
Trong suốt những năm học phổ thông Hằng được thành tích tốt, thầy cô giáo quan tâm ưu ái và bạn bè giúp đỡ. Hằng cũng đã ấp ủ rất nhiều ước mơ hoài bão.
Ước mơ là vậy, nhưng đã có lần anh chàng nghĩ đến việc bỏ học. Bỏ học không phải vì chán chường hay bỏ bê con chữ, mà anh định bỏ học chỉ vì 'nhà mình còn nghèo', sợ không lo nỗi.
Qua rất nhiều lần động viên của thầy cô, bạn bè, đặc biệt là người dì của mình. Hằng đã quyết định kiên trì học tập để thay đổi cuộc đời, thi đỗ vào trường Đại học Cần Thơ, theo học ngành sư phạm giáo viên.
Suốt 4 năm đại học, vì không muốn gia đình phải lo lắng về tài chính, Hằng dành thời gian vừa làm thêm để có thêm tiền mua sách vở, tài liệu,... phục vụ cho việc học tập, vừa trải nghiệm giúp anh cho học hỏi kinh nghiệm.
Lý Hằng chia sẻ: 'Tôi tốt nghiệp đại học vào năm 2019. Tôi rất vui và cảm ơn tất cả mọi người đã ở bên cạnh và động viên. Tôi thành tâm cảm ơn người dì, cũng là người mẹ thứ hai của tôi, đã luôn an ủi, động viên chăm sóc và lo suốt thời gian qua, ơn nghĩa đó cả đời này tôi không sao trả hết'.
Nhắc đến những chặng đường mà mình đã trải qua, Lý Hằng không giấu được xúc động. Nhìn lại cuộc sống có đau thương, nhưng cũng thật diệu kỳ.
Cột mốc đáng nhớ của Lý Hằng và gia đình khi anh tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 2019.
Tình yêu với cội nguồn dân tộc
Là một người con của dân tộc Khmer, Lý Hằng luôn có một tình yêu sâu sắc và tinh thần trách nhiệm đối với việc gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình.
Văn hóa truyền thống người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, vốn có từ lâu đời và là nền văn minh phát triển từ khá sớm. Những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đã có nhiều đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tạo nên một bức tranh tổng thể của sự phong phú, đặc sắc và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những phong tục và lễ hội của người Khmer Nam bộ luôn muôn màu muôn vẻ: lễ Mica Buchia (còn gọi lễ Đức Phật), lễ Chol Chnam Thmay, lễ Phật Đản, lễ Chôvosa (còn gọi Nhập Hạ), lễ Sene Dol Ta (Cúng ông bà), lễ Kathina (dâng bông), lễ Ooc Om Bok đua ghe ngo (cúng trăng tạ ơn đất trời), các điệu múa Rom Vông (Lăm Thôn), Saravan, Lăm Leo, Rom Kbắch,... mỗi một ngày lễ hay một động tác múa đều mang một ý nghĩa tinh thần của dân tộc Khmer.
Thông qua trang cá nhân, Lý Hằng mong muốn góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của người Khmer.
Lý Hằng chia sẻ: 'Bản thân tôi là người Khmer nên từ nhỏ tình yêu văn hóa dân tộc đã thấm sâu trong con người tôi. Tôi luôn tự nhủ sẽ góp phần nho nhỏ từ tình yêu văn hóa ấy.
Từ thuở nhỏ, nhìn thấy các anh chị biểu diễn nghệ thuật Khmer, tôi rất thích. Tôi còn hay tập theo những động tác múa, hát. Và cái mong ước ấy dần thành hiện thực khi nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa văn nghệ. Tạo điều kiện cho những người yêu văn hóa như tôi được tham gia, biểu diễn những động tác múa, những bài hát đặc trưng của dân tộc mình'.
Bên cạnh những hoạt động tại trường, Lý Hằng cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi biểu diễn ở Sóc Trăng và các tỉnh khác tổ chức để quảng bá văn hóa Khmer khắp nơi như: Hội diễn văn nghệ Tiếng hát Dân tộc, Hội thi Tiếng hát Khmer, Liên hoan dàn nhạc Ngũ âm Sóc Trăng lần 1,…
Ngoài ra mỗi dịp lễ chùa, Hằng cùng các bạn cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ cho người dân thưởng thức.
Với những nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập và tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc sâu sắc, hiện tại Hằng cũng là cầu nối để kết nối với các bạn yêu văn hóa Khmer lại với nhau. Nhằm mong muốn bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa của Khmer đúng đắn và được biết đến rộng rãi hơn.
PV