Thông tin được ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết trong buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 29/11. Theo ông Nhật, ngoài việc lắp đặt wifi miễn phí, Tổng Công ty cũng sẽ lắp đặt hệ thống đèn LED điện tử trên 41 tuyến với 650 xe để cung cấp thông tin tiện ích cho khách hàng, trong đó thông báo lộ trình, điểm dừng...
|
100% xe buýt tại Hà Nội được lắp wifi miễn phí trong quý II/2017
|
Tổng Công ty cũng sẽ nghiên cứu lắp đặt hệ thống điều hành thông minh trên xe buýt với chức năng điều hành trực tuyến giữa lái xe và Trung tâm điều hành, giúp lái xe buýt nắm bắt được vị trí các xe buýt khác trên tuyến, tình trạng giao thông để điều chỉnh giãn cách chạy xe phù hợp, đảm bảo dịch vụ và góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Lượng khách đi xe buýt giảm
Theo báo cáo của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng vận chuyển là 270 triệu lượt hành khách, đạt 88% kế hoạch và bằng 90% so với cùng kỳ. Ước tính, năm 2016, Tổng sản lượng vận chuyển 328 triệu lượt hành khách, đạt 87,3% kế hoạch, bằng 90% so với cùng kỳ.
Như vậy, riêng tổng sản lượng vận chuyển của năm 2016 đã bị giảm so với năm 2016. Còn theo báo cáo chung của Sở Giao thông Vận tải thì dự kiến sản lượng vận chuyển các tuyến buýt trợ giá đạt 395,7 triệu lượt khách, giảm 8% so với cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, tính đến tháng 11/2016, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô gồm 97 tuyến, trong đó có 73 tuyến buýt có trợ giá; 11 tuyến buýt không trợ giá; 9 tuyến buýt kế cận; 4 tuyến thí điểm.
Để thu hút người dân sử dụng phương tiện xe buýt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội dự kiến sẽ nâng cấp, cải tạo và đầu tư thêm hơn 300 nhà chờ trong giai đoạn 2017 và năm 2018 là 525 nhà chờ mới; Giờ cao điểm tăng tần xuất để tránh tình trạng quá đông, ngột ngạt, tăng chất lượng.
Cần tạo môi trường an toàn cho người dân tiếp cận xe buýt
Thông tin tại buổi giao ban, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong năm 2016, nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như Huyện Quốc Oai, Xuân Mai, Khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng. Dự kiến trong tháng 12/2016, tiếp tục đưa vào vận hành 4 tuyến mới đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 101 tuyến.
"Sở đang phấn đấu để người dân ở bất kỳ đâu, chỉ cần đi bộ khoảng 300-500m sẽ đi được xe buýt. Về mảng ngoại thành, chúng tôi đang định hướng mở rộng, đến năm 2020 thêm 60 tuyến" - ông Quang nói.
Đặc biệt, ông Quang cho rằng, để thu hút người dân đi xe buýt, điều quan trọng là phải tạo một môi trường an toàn. "Một là an toàn của hành khách tiếp cận đến xe buýt, hiện nay rất phức tạp vì phải đi bộ, nhưng có chỗ để đi bộ không? Vỉa hè cần phải “trả lại tên cho em” để hành khách đi bộ đến chỗ đi xe buýt. Thứ hai là an toàn cho hành khách khi tiếp cận tại vị trí lên xuống xe buýt. Thứ ba là an toàn cho hành khách đi trên xe." - ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, để làm được việc này cần phải huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị chứ riêng sở Giao thông hay Công an, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng không làm được.
"Hiện nay trong con mắt người dân lâu ngày không đi xe buýt nên không hình dung xe buýt đã thay đổi. Chúng tôi cũng đang phấn đấu để xe buýt thân thiện hơn từ hình thức (đã chuyển màu xanh mát mẻ), cho tới phù hiệu... Chắc chắn, xe buýt không đổi mới, nâng cao chất lượng thì sẽ không lấy được khách." - ông Quang nói.
Trả lời câu hỏi của VnMedia về chất lượng bên trong xe buýt, ông Quang cho rằng, quan điểm cũ là xe buýt chỉ lấy thị phần đi lại của người thu nhập thấp, nhưng hiện nay, xe buýt muốn phát triển phải thay đổi chất lượng, đáp ứng những người đi lại thường xuyên. "Phải lấy lại thị phần của những hành khách này, tổ chức mở rộng loại hình vận hành phương tiện, kể cả xe buýt cho cán bộ, xe buýt cho công nhân, khách du lịch...," - Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải nêu quan điểm.
Cũng theo Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải thì chất lượng xe buýt còn phụ thuộc vào dịch vụ của người lái và nhân viên trên xe khi vận hành.
"Hiện nay, trên 1400 xe buýt vận hành trên đường, chuyện 1-2 đồng chí có thái độ, hành vi không đúng thì chúng tôi vẫn phải xử lý, nhưng nhìn chung đã chuyển biến, thân thiện, văn minh văn hoá. Chúng tôi cũng phấn đấu để thời gia đi lại hợp lý, nếu không làm được điều này thì người sẽ quay lưng lại với xe buýt" - ông Quang nói thêm.
Về hạ tầng cho xe buýt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở "đề xuất mạnh với Thành phố, không thể không ưu tiên trong vận hành, trong quản lý nhà nước, chứ nếu coi xe buýt như một ô tô bình thường, hay coi như là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông thì không được. Đây là điều khó nhất và cách làm thì chúng tôi đang tính toán. Nguyên nhân lớn nhất người ta không muốn đi xe buýt là vấn đề thời gian, bằng mọi cách phải ưu tiên cho xe buýt" - ông Quang nhấn mạnh.
Theo Tuệ Khanh/VnMedia