925.000 thí sinh thi THPT quốc gia: Làm sao ngăn ngừa “coi chặt, coi lỏng”?

Google News

"Bên cạnh lực lượng thanh tra cơ động theo khu vực, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu tại mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt", Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng thông tin trước kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Ngay từ tháng 4 công tác thanh tra cho kỳ thi đã khởi động, với tinh thần phân tuyến thanh tra, kiểm tra rất rõ, không chồng chéo. Tại mỗi phòng thi  THPT quốc gia có 2 giám thị giám sát thí sinh; cứ 7 phòng thi có 1 cán bộ giám sát do Điểm trưởng phân công để giám sát giám thị và các hoạt động trong phạm vi được giao; mỗi Điểm thi có 2 cán bộ thanh tra giám sát từ Điểm trưởng trở xuống. Thanh tra Bộ thanh tra tất cả các hội đồng thi cả 3 khâu: chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi. Thanh tra Bộ có quyền thanh tra từ Chủ tịch hội đồng thi trở xuống.
Ông Nguyễn Huy Bằng: Quy chế thi áp dụng chung cho cả nước. Cũng như năm trước, năm nay Bộ cũng giao cho các trường đại học phối hợp với các sở tổ chức thi. Tại mỗi phòng thi đều có người của Sở, của trường đại học phối hợp.
Ông Nguyễn Huy Bằng. Ảnh: Thanh Hùng. 
Phóng viên: Kỳ thi do các địa phương tổ chức để xét tốt nghiệp, kết quả dùng để xét tuyển đại học. Do đó nhiều ý kiến lo ngại chuyện "coi lỏng", "coi chặt" hay "chấm lỏng", "chấm chặt" vì mục tiêu giúp con em địa phương mình tăng khả năng đỗ đại học. Thanh tra Bộ đã làm thế nào để ngăn ngừa hiện tượng này?
Quy chế ghi rất rõ, để đảm bảo chấm thi một cách khách quan, công bằng thì có rất nhiều động tác mà cứ làm đúng như thế là đạt được. Ví dụ trước khi chấm phải có hoạt động chấm chung 10 bài rồi thảo luận chung, công khai. Khi thanh tra đến mà điểm nào không có thảo luận chung thì chúng tôi sẽ “tuýt còi”. Thứ hai phải bảo đảm 2 vòng độc lập, để loại bỏ việc “chấm lỏng, chấm chặt”.
Coi thi thì thanh tra rất hạn chế vào phòng, trừ trường hợp đặc biệt phải lập biên bản. Nhưng chấm thi đã rọc phách nên thanh tra có thể vào kiểm tra túi chấm của cán bộ chấm 2 có thấy cán bộ chấm 1 có để lại dấu vết gì không thì biết ngay.
Quy chế đã có và chỉ cần làm đúng quy chế là có thể hạn chế tối đa được chuyện coi thi, chấm thi không nghiêm túc.
Để làm được việc đó thì các Sở đều phải có thanh tra khâu chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ cũng cử 2 cán bộ thanh tra cắm chốt tại mỗi hội đồng; 2 cán bộ này được trưng tập từ các trường đại học và đã được tập huấn cụ thể.
- Hằng năm vẫn có chuyện thí sinh ra khỏi phòng thi phản ánh các cán bộ coi thi vẫn nương nhẹ cho các thí sinh trao đổi về bài thi. Ông có tiếp nhận được thông tin này và cách khắc phục ra sao?
Giám thị nào làm như thế là sai quy chế, nếu phát hiện ra thì giám thị đó phải chịu trách nhiệm. Tôi không nghĩ đó là việc phổ biến mà nghĩ rằng với kỳ thi gần một triệu thí sinh, hàng chục nghìn người làm thi với khả năng, điều kiện khác nhau thì khó bảo đảm tuyệt đối được. Chúng ta sẽ tập trung làm sao để các giám thị, giám sát, điểm trưởng, chủ tịch hội đồng thi làm thật đúng nhiệm vụ được giao thì sẽ loại tối đa những việc đó.
Chống gian lận phải từ 2 phía
- Tại kỳ thi lớp 10 năm nay đã xảy ra hiện tượng lọt đề thi ra ngoài, diễn ra trong cả buổi sáng và chiều. Điều này một lần nữa đặt ra lo lắng về tính nghiêm túc ở các hội đồng thi. Ông có lường tới khả năng này ở kỳ thi THPT quốc gia tới? Làm sao để kiểm soát việc giám thị coi thi có làm chặt hay không nhiệm vụ của mình và để không tái diễn điều tương tự?
Sự việc vừa qua là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong kỳ thi này.
Như vậy, việc chống gian lận phải nhìn từ 2 phía. Thí sinh có thể gian lận và người làm thi cũng có thể gian lận. Trong Quy chế đã quy định rõ hình thức xử lý đối với giám thị, người tham gia công tác thi khác tại Điều 48 bên cạnh quy định xử lý thí sinh.
Chúng tôi cũng kiến nghị các sở GD-ĐT rà soát kỹ lực lượng giám thi và khi tập huấn có thể mời lực lượng công an. Nhưng không đặt vấn đề giao giám thị phải giải quyết tất cả mọi việc, cả về kỹ thuật. Bởi giám thị cũng không có khả năng nhận biết mọi thiết bị kỹ thuật; Giám thị chỉ cần làm đúng chức năng của mình, kịp thời phát hiện bất thường, để ý và tập trung quan sát thí sinh nghiêm túc là có thể phát hiện hành vi vi phạm. Khi có vấn đề về kỹ thuật thì mới phải làm việc với công an.
Vai trò của người làm thi, đặc biệt người trực diện với thí sinh là rất quan trọng. Phải hết sức tự giác, nghiêm túc, trách nhiệm và có những kỹ năng nhất định. Trong đó, kỹ năng quan trọng nhất vẫn là coi thi, phát đề, thu bài đúng, đứng đúng vị trí, quan sát kỹ khi có các hiện tượng bất thường để xử lý.
Ngay từ đầu vào, giám thị phải nghiêm túc thì sẽ đỡ hơn. Khi xảy ra hiện tượng bất thường thì bình tĩnh xử lý không làm ảnh hưởng đến thí sinh khác. Với cách ra đề hiện nay thì mỗi thí sinh sẽ có một đề thi khác nhau nên giả sử đề có lọt ra ngoài thì cũng không có nguy cơ loang rộng ra làm ảnh hưởng kỳ thi chung.
- Có ý kiến cho rằng để tránh các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, nên cho một cán bộ công an vào trong phòng thi hoặc giám sát. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ không nên chạy theo hướng đó. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp.
Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào trong các phòng thi, bởi tôi tin đại đa số các thầy cô trong ngành nghiêm túc, đủ sức làm việc đó. Có những hiện tượng đặc biệt, mang tính kỹ thuật cao, thì mới cần đến các lực lượng khác hỗ trợ, như lực lượng công an.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet