Bất chấp biển cấm, người dân chen nhau ném tiền vào giếng cổ Đền Hùng

Google News

Bất chấp việc Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng đã cắm biển cấm, trong ngày 21.4 (tức ngày 6.3 âm lịch) – ngày đầu khai hội, hàng trăm người dân vẫn “hồn nhiên” ném tiền vào giếng cổ Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).

Giếng Rồng trên Đền Hùng được gắn liền với với truyền thuyết sau khi tổ mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai đã dùng nước giếng này tắm cho các con.
 Giếng Rồng là nơi luôn thu hút lượng lớn du khách mỗi khi có dịp về Đền Hùng. Ảnh Ngô Hùng

Năm 2002, các nhà khoa học tiến hành khai quật tại khu vực giếng cổ Đền Hùng đã phát hiện trong lòng giếng cổ có những dấu tích văn hóa của các thời kỳ Lý – Trần – Lê – Nguyễn.

Không biết nghe từ đâu, nhưng khi đến giếng cổ, nhiều du khách đã ném tiền lẻ xuống giếng cổ với mong muốn có sức khỏe, bình an, sự nghiệp, thậm chí là xin con cái.

Việc “xả” tiền vô tội vạ đã vô tình khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cảnh quan khu di tích trở nên lộn xộn, nhếch nhác, gây ra hình ảnh phản cảm ở chốn linh thiêng mặc dù đã có biển cấm.

 

 Dù đã có biển cấm, người dân vẫn vô tư ném tiền xuống giếng cổ, gây phản cảm ở chốn linh thiêng.

“Dù đã có biển khuyến cáo, cũng như có nhân viên nhắc nhở, nhưng tình trạng người dân, du khách ném tiền lẻ vẫn diễn ra khi nhân viên không để ý. Đặc biệt vào những ngày nghỉ, ngày lễ, lượng người đến với Đền Hùng đông, tình trạng ném tiền lẻ xuống giếng càng nhiều. Trước tình trạng này, để giữ gìn vẻ tôn nghiêm, linh thiêng và tránh gây ra hình ảnh phản cảm, ngay từ đầu năm Mậu Tuất 2018, Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng đã tăng cường nhân viên nhắc nhở, dựng hòm công đức cạnh giếng để ai có tấm lòng xây dựng Đền Hùng bỏ tiền vào đó, không ném bừa bãi”, ông Nguyễn Duy Anh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Duy Anh mong muốn người dân, du khách khi đến Đền Hùng cần chấp hành nghiêm những nội quy, quy định của nhà nước và Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng để chuyến hành hương về cội nguồn có ý nghĩa trọn vẹn, được vui vẻ, thanh thản cũng như giữ gìn hình ảnh về vùng Đất Tổ văn minh, sạch đẹp.

“Tôi nghĩ việc xử lý hành vi ném tiền xuống giếng cổ và các di tích lịch sử khác là cần thiết. Về với cội nguồn, chốn linh thiêng, mọi người cũng nên giữ tác phong nghiêm túc, hành xử có văn minh, lịch sự thì lòng thành của mình mới được ghi nhận, cũng như làm gương cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo”, chị Trần Thanh Tú quê Phú Thọ bày tỏ.

 Bỏ tiền vào hòm công đức cạnh giếng cổ là hành động văn minh, lịch sự, tỏ lòng thành kính, cũng như làm tấm gương tốt cho con cháu. Ảnh Ngô Hùng
Thiết nghĩ, về với cội nguồn, về với đất Tổ là việc làm đúng đắn, nên làm để tưởng nhớ cội nguồn và tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước nên mọi người cần có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường để cuộc hành hương được đủ đầy ý nghĩa.
Theo Ngô Hùng/Danviet