Bộ GD&ĐT nói gì về thủ khoa trường công an là thí sinh Hòa Bình, Sơn La?

Google News

“Chúng ta cũng không thể đánh đồng tất cả thí sinh điểm cao ở hai tỉnh này đều liên quan đến gian lận thi cử. Nếu thế sẽ vô tình làm tổn thương những thí sinh học thật, thi thật”, ông Mai Văn Trinh cho hay.

Bo GD&DT noi gi ve thu khoa truong cong an la thi sinh Hoa Binh, Son La?
 Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (ảnh: Lao Động).
Vụ việc gian lận trong chấm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La chưa lắng xuống thì một lần nữa dư luận lại tiếp tục đặt ra những nghi vấn khi thủ khoa các trường công an, quân đội là thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La. Nhất là khi cho đến giờ, dữ liệu bài thi gốc ở Sơn La vẫn chưa thể khôi phục.
Chia sẻ về những vấn đề xung quanh vụ việc này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, thông tin về việc thủ khoa các trường công an, quân đội đều đến từ Hòa Bình, Sơn La là một thực tế và trước mắt chúng ta chấp nhận điều đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đánh đồng tất cả thí sinh điểm cao ở hai tỉnh này đều liên quan đến gian lận thi cử. Nếu thế sẽ vô tình làm tổn thương những thí sinh học thật, thi thật.
Tại thời điểm này, Bộ Công an cùng Bộ GD&ĐT đang nỗ lực cao nhất để xác minh cũng như sớm đưa ra kết luận cuối cùng và có giải pháp phù hợp đối với thí sinh sai phạm.
Có người đặt ra câu hỏi “khi đang xét tuyển mà sai phạm chưa được làm rõ, học sinh khác có mất cơ hội vào đại học không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Về mặt lý thuyết nó vẫn xảy ra. Nhưng chúng ta phải khẳng định rằng là mỗi năm như vậy có khoảng 460.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học.
Số những thí sinh bằng những tiêu cực, sai phạm này mà tăng vụt lên so với con số tổng chung là không nhiều. Về mặt lý thuyết vẫn có một tỷ lệ nào đấy gọi là mất chỗ nhưng thực tiễn là không nhiều.
Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học nếu các trường muốn rà soát lại đầu vào đối với những thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường cũng cần phải siết chặt đào tạo, sàng lọc chuẩn xác, để đến lúc nào đó tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng, học sinh không cần phải gian lận.
Theo Hoàng Thanh/Infonet