Bốc thăm xác minh tài sản cán bộ, tập trung nhóm có cơ hội tham nhũng

Google News

"Việc bốc thăm sẽ nâng cao tính trung thực, tự giác của cán bộ. Người kê khai dù cẩn thận hay muốn giấu giếm thì vẫn có trường hợp xác minh tài sản cán bộ ngẫu nhiên", ông Đinh Văn Minh chia sẻ.

Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (đang được Bộ Tư pháp thẩm định) lần này bổ sung một giải pháp mới là bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản cán bộ. Nếu quy định được đồng thuận, đây sẽ là lần đầu tiên áp dụng hình thức này trong xác minh tài sản, thu nhập cán bộ.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, chia sẻ rõ hơn với Zing.
Xác minh ngẫu nhiên theo tỷ lệ tăng dần
- Lần đầu tiên việc bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản cán bộ được đưa ra. Vậy đâu là cơ sở để Thanh tra Chính phủ đề nghị bổ sung giải pháp này, thưa ông?
- Việc này đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trong kiểm soát tài sản, thu nhập và xác minh tài sản có nhiều hình thức, bốc thăm chỉ là một trong những hình thức bổ sung.
Thông thường, khi thấy có căn cứ về việc cán bộ kê khai không trung thực, hoặc có tố cáo, có dấu hiệu bất minh về tài sản hay do yêu cầu của công tác cán bộ, việc xác minh tài sản là đương nhiên.
Boc tham xac minh tai san can bo, tap trung nhom co co hoi tham nhung
 Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: msc.gov.vn.
Ngoài ra lần này Thanh tra Chính phủ bổ sung hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để bảo đảm, nâng cao tính trung thực tự giác của người kê khai. Tức là cán bộ kê khai dù cẩn thận hay muốn giấu giếm sẽ vẫn có trường hợp ngẫu nhiên phải xác minh.
Giống như CSGT làm việc, ngoài dừng xe, kiểm tra những người vi phạm thì với người không vi phạm gì, họ vẫn có thể tiến hành kiểm tra giấy tờ, bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản cán bộ tương tự như vậy.
Đây là hình thức bổ sung thêm để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kê khai tài sản, khiến cán bộ phải trung thực, vì giải pháp này đặt công chức và người kê khai vào tình thế bất kỳ lúc nào cũng có thể thuộc diện phải xác minh.
Luật PCTN đã quy định hàng năm, ngoài việc xác minh những trường hợp có dấu hiệu thì vẫn có thể xác minh ngẫu nhiên với một tỷ lệ nhất định là để bảo đảm kê khai trung thực. Còn xác minh được nhiều hay ít thì phụ thuộc vào điều kiện, năng lực của bộ máy được giao nhiệm vụ này.
Nhưng xu hướng là sẽ xác minh theo tỷ lệ tăng dần. Như ở Hàn Quốc đã thực hiện việc này từ lâu. Mỗi năm xác minh ngẫu nhiên 10-20% thì trong khoảng một nhiệm kỳ 5 năm, tất cả cán bộ đều được xác minh tài sản, thu nhập.
- Nhiều ý kiến cho rằng bốc thăm ngẫu nhiên giống như quay xổ số. Xin ông giải thích rõ hơn về cách thức tổ chức bốc thăm và thành phần tham gia giám sát để đảm bảo tính khách quan?
- Mọi người liên tưởng nó giống xổ số cũng đúng.
Bốc thăm ngẫu nhiên - nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng đó lại là chuyện bình thường bởi tất cả các hình thức lựa chọn ngẫu nhiên đều bốc thăm. Ví dụ các giải bóng đá lớn của thế giới hay hoạt động ở cả Liên Hợp Quốc cũng có bốc thăm.
Vấn đề là tổ chức nó thế nào để bảo đảm tính khách quan, tính chính xác và công khai, minh bạch. Đó là câu chuyện mà Chính phủ phải thực hiện.
Dự thảo nghị định đưa ra thành giám sát có thể có mặt trận tổ quốc và một số tổ chức, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc này.
Còn việc tổ chức sẽ có những giải pháp, công cụ về CNTT để đảm bảo tính khách quan, ngẫu nhiên, giống như đi bấm nút lấy biển số xe.
Không có chuyện một cán bộ “dính” nhiều lần xác minh
- Nếu bốc thăm ngẫu nhiên thì rất có thể có cán bộ phải xác minh vài lần, lại có cán bộ không phải xác minh lần nào. Thanh tra Chính phủ tính toán thế nào về trường hợp này?
- Gọi là ngẫu nhiên nhưng không phải ngẫu nhiên hoàn toàn. Vì nếu ngẫu nhiên hoàn toàn có thể có tình trạng “dồn ứ” vào một số cán bộ. Vì thế dự thảo nghị định cũng quy định trong số những người thuộc diện bốc thăm ngẫu nhiên dứt khoát phải có một người là lãnh đạo, tức là ngẫu nhiên trong số những người cụ thể.
Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định cũng phải tính đến cân đối vùng miền, rồi trong một tỉnh cũng phải đủ thành phần cán bộ về nội chính, về kinh tế, văn hóa, xã hội. Hay trong một cơ quan cũng phải có cả lãnh đạo và nhân viên.
Ngẫu nhiên ở đây là có kế hoạch, có tính toán, làm sao để tương đối phủ đều.
Việc này nhằm mục đích là khi cán bộ bị đặt dưới sự kiểm soát bất kỳ nào đó thì đương nhiên họ phải đề cao tính tự giác, trung thực.
Trước kia, phải có những điều kiện nhất định mới được xác minh tài sản cán bộ, nên họ chỉ cần kê khai làm sao cho “ngon lành”, giấu giếm đủ mọi thứ, giống như khi ra đường luôn chấp hành đủ mọi thứ để không bị kiểm tra, nhưng bây giờ đã khác. Kể cả không có dấu hiệu bất thường gì cũng có thể bị kiểm tra.
Mọi người thắc mắc nếu bốc thăm nguy cơ xác minh rơi nhiều lần vào 1 người thì sao, nhưng chúng tôi tính toán nếu cán bộ này thuộc diện xác minh năm nay thì năm sau sẽ được loại ra, không thuộc diện bốc thăm ngẫu nhiên nữa.
Boc tham xac minh tai san can bo, tap trung nhom co co hoi tham nhung-Hinh-2
 Biệt phủ của một giám đốc sở ở Yên Bái từng gây xôn xao dư luận về việc kê khai tài sản, thu nhập. Ảnh: Hoàng Hà.
- Nếu bốc thăm ngẫu nhiên hoặc sử dụng phần mềm thì có việc tác động, can thiệp để được đưa ra khỏi diện xác minh không, thưa ông?
- Cái ấy có thể sẽ không tránh được, nhưng ta phải có cách loại trừ bằng các công cụ như công nghệ thông tin.
Tôi nghĩ có người làm ra cách bảo vệ thì sẽ có người làm bậy, tìm cách lách, không thể ngăn hết được chuyện đó. Thậm chí khi kiểm soát càng chặt thì người ta càng có nhiều cách tinh vi, nó là chuyện đương nhiên.
Chúng ta cố gắng tối đa bằng cách dùng nhiều biện pháp công khai, minh bạch, công bằng kết hợp các cơ chế kiểm soát chéo thôi, chứ bảo tuyệt đối thì không ai dám khẳng định.
Tập trung nhóm cán bộ có nguy cơ tham nhũng
- Lượng cán bộ, công chức của Việt Nam thuộc diện kê khai tài sản rất lớn, bốc thăm ngẫu nhiên làm dàn trải sẽ rất khó đạt hiệu quả. Thanh tra Chính phủ tính giải pháp hiệu quả hơn như thế nào?
- Trước kia chỉ xác minh tài sản cán bộ khi có những điều kiện nhất định, nhưng bây giờ không cần có căn cứ gì cũng xác minh ngẫu nhiên nên chắc chắn số lượng không phải ít.
Hiện có 2 loại kê khai là kê khai 1 lần (với tất cả cán bộ, công chức) và kê khai hàng năm (với cán bộ từ giám đốc sở trở lên, người quản lý tài sản công, tài chính công…).
Vì số lượng lớn nên tôi cho rằng nên xác minh với người kê khai hàng năm thôi. Tức là làm tập trung vào các đối tượng có nguy cơ tham nhũng, cơ hội tham nhũng. Nguyên tắc của lĩnh vực này là phải gương mẫu theo hướng “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, “kiểm soát trong bộ máy rồi mới đến ngoài xã hội”, ông nào càng cao thì càng phải gương mẫu, càng phải chịu sự kiểm soát nhiều.
Với năng lực của mình thì chúng ta thì không thể làm dàn trải được, phải tập trung vào những người có vị trí, có chức vụ có thể có nhiều cơ hội, hành vi tham nhũng. Làm có trọng tâm, trọng điểm thì sẽ hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Hoài Thu/Zing