Cầu huyết mạch ở Hà Nội thành cầu 'tử thần'

Google News

Tại cầu Thanh Trì, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây chết người gia tăng, nhiều người gọi đây là cầu “tử thần” số 1 tại Hà Nội. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay và đã có nhiều cơ quan lên tiếng, nhưng đơn vị có trách nhiệm chậm đưa ra giải pháp, hướng xử lý có hiệu quả.

Cau huyet mach o Ha Noi thanh cau 'tu than'
Một vụ tai nạn gần đây trên cầu Thanh Trì) Từ 15/12/2018 đến 14/4/2020, số vụ TNGT nghiêm trọng tăng so với cùng thời gian này trước đó Ảnh: Trọng Đảng, Đồ họa: Quốc Anh 
Sáng 8/3, cầu Thanh Trì lại xảy ra ùn tắc tại làn ô tô. Trên hai đầu cầu, đều có dãy biển báo treo trên giá long môn cho phép ô tô được chạy tối đa 80 km/h, tuy nhiên bên dưới mặt cầu, ô tô con, xe tải, xe container… phải nối đuôi nhau với vận tốc “rùa bò”.
Trong khi đó tại làn xe hỗn hợp có mặt cắt rộng gần bằng làn ô tô lại thông thoáng, lác đác xe máy di chuyển. Thường xuyên có mặt trên cầu Thanh Trì để làm nhiệm vụ, trong đó có xử lý ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT), trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội phó Đội cảnh sát giao thông (CSGT) số 14 Phòng CSGT Hà Nội (PC08) cho biết, thực trạng xe đông và quá tải trên 2 làn ô tô cầu Thanh Trì đã xảy ra nhiều năm nay.
Trong khi đó, làn xe máy cũng có mặt cắt rộng nhưng có rất ít phương tiện di chuyển. Từ thực tế trên, ông Tuấn cho biết, Đội và các đơn vị có liên quan đã một số lần kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông, trong đó có thu hẹp dải phân cách mềm.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì đã có từ năm 2007. Theo ông Thanh, sở dĩ làn xe máy rộng gần bằng 2 làn xe cơ giới là do thời điểm đó xe máy, xe thô sơ. Sau 14 năm cầu Thanh Trì đi vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội chưa điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông là rất khó hiểu”.
Mất an toàn
Ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, với mục tiêu hoàn thiện đường vành đai 3 và tạo trục giao thông huyết mạch trên QL1 giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, năm 2007 cầu Thanh Trì đã được Bộ GTVT hoàn thành và bàn giao cho thành phố Hà Nội.
Đánh giá về phương án tổ chức giao thông khi cầu đi vào sử dụng, ông Bình cho biết, do lượng ô tô hiện nay tăng nên cần thu hẹp làn xe hỗn hợp lại để mở rộng làn ô tô. Cùng với đó, việc cho ô tô đi chung với xe máy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nghiêm trọng, do vậy cần tách làn ô tô ra khỏi làn xe máy.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn, điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT (C08), Bộ Công an cũng cho biết, trước bất cập và TNGT gia tăng trên cầu Thanh Trì, từ tháng 7/2020, C08 đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội nêu một số vấn về bất cập về giao thông.
Cụ thể, theo C08, tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/4/2020, tại cầu Thanh Trì đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 14 người; so với 2 năm trước đó tăng 5 vụ, tăng 5 người chết (tương đương 62%) và 4 người bị thương.
Cục C08 thông tin, hiện nay, lưu lượng phương tiện thực tế qua cầu lớn, khoảng 120 nghìn xe/ngày, so với phương án thiết kế là 15 nghìn lượt xe thì lưu lượng này đã tăng hơn 8 lần. “Việc tổ chức giao thông trên cầu mỗi chiều bố trí 2 làn dành cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h, 1 làn dành cho ô tô con và mô tô lưu thông hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h là chưa phù hợp”, văn bản của C08 viết.
Từ thực tế trên, lãnh đạo C08 đề nghị Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số nội dung cần thiết. Trong đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí thành 3 làn đường dành cho ô tô (hiện nay là 2 làn) và 1 làn đường dành cho xe máy; có dải phân cách mềm ở giữa làn đường xe máy và ô tô; Điều chỉnh quy định tốc độ tối đa cho ô tô từ 80km/h xuống 60km/h... để đảm bảo an toàn. Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, trong đó có phương án quy định giảm tốc độ chạy xe xuống dưới 80/km/h…
Theo PV Thời sự/Tiền phong