Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Đỉnh cao danh vọng đến “xộ khám”

Google News

(Kiến Thức) - Nhìn lại sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Chung từ đỉnh cao danh vọng đến “tạm xộ khám” có thể thấy rõ “công” và “tội”. Có công đã và sẽ được ghi nhận nhưng có tội sẽ phải trả giá bằng những bản án tương xứng với hành vi gây ra.

Thông tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” không khiến người dân ngạc nhiên nhưng không ít người tiếc nuối. Bởi nhìn vào sự nghiệp của ông Chung có thể thấy đã nhiều lần đạt đến đỉnh cao danh vọng nhưng có những sai lầm mà ông Chung đã và đang phải trả giá khi “xộ khám”.
Trong quá trình công tác, ông Chung đã để lại nhiều dấu ấn khi trưởng thành từ lực lượng công an nhân dân, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi và là một trong những người trẻ nhất ngành công an được phong quân hàm Thiếu tướng khi mới 46 tuổi vào năm 2013.
Chu tich Ha Noi Nguyen Duc Chung: Dinh cao danh vong den “xo kham”
 Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Báo Giao thông.
Thời điểm giữ cương vị Giám đốc Công an TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã từng trực tiếp tham gia và chỉ đạo phá nhiều vụ án. Người dân thủ đô chắc sẽ không thể quên được vụ bắt giữ con tin tại quận Thanh Xuân vào năm 2014 mà ông Chung là người đã thuyết phục thành công đối tượng khống chế, đảm bảo an toàn cho con tin hay như vụ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khám phá thành công vụ án giả danh y bác sỹ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào năm 2011.
Ở cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung được coi là người lãnh đạo quyết liệt, thẳng thắn đưa ra nhiều biện pháp như tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh đạo đức công vụ, ý thức, cũng như văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh loại trừ tình trạng sách nhiễu lạm quyền, cửa quyền, tham nhũng, sự vô cảm của cán bộ trước những vấn đề bức thiết của đời sống dân sinh. Thực tế Hà Nội đã TP Hà Nội đã chuyển đổi vị trí công tác của 714 cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa tham nhũng…
Hiếm lãnh đạo nào thẳng thắn chỉ ra những vấn đề vốn nhạy cảm như ông Chung như việc thẳng thắn nêu tình trạng “ hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau” hay “Người có học hàm, am hiểu pháp luật, được giáo dục, lại tham ô tham nhũng mà thoát được án tử hình thì có điều gì đó không công bằng ở đây”.
Đến thời điểm này có lẽ người dân Hà Nội cũng chưa thể quên được hình ảnh ông Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại cùng người dân xã Đồng Tâm khi vụ việc tại đây nóng đỉnh điểm khiến người dân thôn Hoành đã phải thả những chiến sĩ, cán bộ mà họ giữ người trái phép hay một ông Chung trên tuyến đầu chống dịch với nhiều biện pháp đúng đắn đẩy lùi COVID-19 ở thủ đô dù có nhiều ổ dịch phức tạp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ai có thể hiểu nổi một con người từng đạt được nhiều đỉnh cao danh vọng, từng tạo nhiều dấu ấn ở bất kỳ cương vị công tác nào lại có thể vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố hình sự, bị bắt giam? Hơn nữa không chỉ một vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, ông Chung còn đang bị điều tra liên quan hai vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.
Dù động cơ, mục đích của hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là gì cũng như việc ông Chung có liên quan đến các vụ án khác, việc ông Nguyễn Đức Chung phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật là không cần bàn cãi.
Như luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp mới đây đã đưa ra ý kiến dưới góc độ pháp luật, ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù nếu hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức theo quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của ông Chung trong vụ án này và các vụ án có liên quan. Nếu đủ căn cứ khởi tố tiếp về tội danh gì thì sẽ khởi tố thêm về tội danh đó để thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội mà tòa án có bản án kết tội thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Trong trường hợp các tội danh hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Trong trường hợp các tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt tù cao nhất là tổng hợp của các hình phạt tù nhưng không quá 30 năm.
Qua vụ việc trên cho thấy, việc xử lý nghiêm sai phạm của ông Chung một lần nữa chứng tỏ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh chống tham nhũng, chứng tỏ quá trình đấu tranh với tội phạm về tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể những hành vi sai phạm dù là ai thì cũng bẻ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Nói như Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, dù ông Chung có là người đứng đầu chính quyền thủ đô, Ủy viên Trung ương hay từng là người của Bộ Công an đưa về làm Giám đốc Công an TP Hà Nội, dù có là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Nhưng sai phạm sẽ bị xử lý không có vùng cấm dù là ai như Tổng Bí thư đã nói rất cụ thể, nhất là đối với hành vi tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi vun vén cho bản thân, gia đình, bao che cho tội phạm, người nhà làm ăn phi pháp.
Nhìn quá trình công tác của ông Nguyễn Đức Chung từ đỉnh cao danh vọng đến “xộ khám” có thể thấy rõ “công” và “tội” của lãnh đạo Hà Nội này. Có công đã được ghi nhận nhưng có tội sẽ phải trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật. Đây cũng là tấm gương để nhiều cán bộ khác không đi vào vết xe đổ để họ sau này không dám, không muốn, không ham và không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Khám xét nhà ông Nguyễn Đức Chung:
 
Tâm Đức