"Chưa một đồng ngân sách nào vào túi tôi cả", TS Phạm Ngọc Lãng, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao viễn thông, tin học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ với phóng viên.
Nói đồ chơi là không tôn trọng chúng tôi
Ngày 3/5/2013, nhóm nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học đã chính thức bay thử nghiệm 3 mẫu trong tổng số 5 mẫu máy bay không người lái đã sản xuất. Đây là những chiếc máy bay không người lái đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Chúng tôi làm từ năm 2008, đến cuối năm 2010 thì việc nghiên cứu này trở thành đề tài khoa học cấp nhà nước với kinh phí là 12 tỷ đồng. Ở Việt Nam có thể cũng có một số nhóm đã làm máy bay không người lái (UAV) nhưng đây là lần đầu tiên được công bố chính thức kết quả thử nghiệm thành công.
Điểm khác biệt lớn nhất của những chiếc máy bay không người lái này so với sản phẩm khác là gì?
Đó là sản phẩm được tạo nên từ nghiên cứu cơ bản, thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy bay. Chúng tôi đã chế tạo máy bay từ nguyên vật liệu, linh kiện rời rạc, cơ bản như vi mạch (IC), điện trở, tụ điện, con quay, sợi thủy tinh, keo tổng hợp... chỉ phải mua động cơ, cánh quạt, camera, máy ảnh từ nước ngoài.
So với mẫu máy bay không người lái của các nước thì sao?
Chúng tôi tự tin nhưng không dám so sánh với các nước có nên công nghiệp phát triển đã đi quá xa mình thì chúng tôi không thể bằng được. Nó là máy bay của người Việt tự nghiên cứu chế tạo, nó đủ thông minh để phục vụ cho một số mục đích nghiên cứu khoa học mà Việt Nam đang rất cần.
Nghe nói đến việc Việt Nam tự sản xuất được máy bay không người lái, nhiều người háo hức lắm. Nhưng cũng nhiều người thấy thất vọng khi nhìn những mẫu máy bay trình diễn thử nghiệm. Trông nó không khác nhiều với máy bay đồ chơi. Ông nghĩ gì về điều này?
Sao lại nói là đồ chơi được. Một chiếc máy bay chúng tôi tự nghiên cứu, thiết kế, rồi chế tạo ra nó, tự lập trình cho nó, dậy nó có đủ trí khôn bay xa hàng trăm cây số, thậm chí xa hơn. Thực thi xong mệnh lệnh lại tự biết đường về, lại còn biết tránh được ra đa của đối phương mà sống để trở về, thì sao lại nói là đồ chơi. Cứ nói thế thì còn ai muốn sáng tạo nữa!
|
TS Phạm Ngọc Lãng, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao viễn thông,
tin học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. |
Nhận tiền nhà nước khó lắm!
Giả sử nhiều người không tin, vẫn nghĩ những chiếc máy bay đó chỉ giống như đồ chơi. Ông sẽ nói gì?
Nếu bạn coi đó là trò chơi thì hãy làm đi. Làm ra một mô hình bay đồ chơi đã khó thì làm ra đồ thật còn khó biết nhường nào.
Nhưng họ sẽ nói họ không phải là nhà khoa học và nhà nước không cho họ tiền để làm?
Không phải nhà khoa học thì bạn hãy học đi, chưa muộn! Còn đề tài nhà nước đều rõ ràng công khai đấy chứ. Ai trình được đề tài khả thi là nhà nước cấp tiền nghiên cứu. Để có được đề tài đó chúng tôi phải bảo vệ, thông qua nhiều hội đồng khoa học. Ngay trong chính những hội đồng đó, cũng đã có người quen thân bỏ phiếu trống.
Ông có trách họ?
Tôi không trách họ được đâu. Cũng có cả người thân còn bảo tôi làm những điều này là không tưởng. Họ nói thế vì có thể họ lo cho tôi tự làm khổ mình. Nhưng tôi nghĩ đã làm khoa học thì phải chấp nhận thách thức. Có thể không thành, có thể sẽ thất bại, cũng là bình thường, nhưng phải làm mới biết, thế giới họ cũng vậy thôi.
Nhưng trong trường hợp này, tiêu tiền của nhà nước mà không thành, sẽ khó khiến dư luận đồng tình?
Tôi tự tin và biết chắc nhóm chúng tôi sẽ hoàn thành. Đề tài phải làm trong 3 năm nhưng chỉ hơn một năm chúng tôi đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đã và đang cố gắng làm xa hơn những điều mà đề tài mong đợi.
Điều gì khiến ông tự tin vậy? Rõ ràng đến nay thì lĩnh vực chế tạo máy bay ở Việt Nam vẫn rất mới lạ?
Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu các nhà khoa học giỏi. Có lẽ một phần họ thiếu sự động viên nào đó của xã hội, thường chê bai quá nhiều, chê bai tùy tiện, động viên thì quá ít và thêm nữa cũng một phần vì thiếu kinh phí, khó khăn về tài chính nên họ chưa phát huy được.
Khó khăn này trong đề tài nghiên cứu của ông là gì?
Ví dụ, biết là những linh kiện máy bay không người lái, thiết bị không dễ mua, vẫn chịu cấm vận công nghệ cao mà cứ bắt buộc phải đấu thầu rộng rãi thì đây là một khó khăn, khó dễ cho các nhà khoa học.
Việc giải ngân 12 tỷ đồng của đề tài thì sao?
Các thủ tục để được nhận một đồng vốn ngân sách cực kỳ khó khăn. Giờ này tôi mới nhận được 600 triệu đồng để tổ chức cho các hội thảo khoa học và chuẩn bị tài liệu.
Nếu không làm được, tôi sẽ trả tiền và xin lỗi
Có ý kiến cho rằng ông đang tiêu tiền ngân sách một cách vô ích khi làm ra những mẫu máy bay mà ở các nước phát triển, sản phẩm như thế này nhiều nhan nhản, một sinh viên cũng làm được?
Tôi thấy buồn với điều đó. Cho đến giờ này thì Nhà nước chưa cho tôi một đồng nào bởi các quy trình thanh toán giải ngân quá phức tạp. Cho tiền đấy nhưng phải qua rất nhiều khâu phức tạp, với biết bao những quy định phức tạp. Tiền đến tay tôi chưa có. Có làm cơ bản thành công tôi mới xin nhận tiền, không thành công tôi xin trả lại tiền Nhà nước và xin lỗi. Tôi cam kết như vậy.
Nhưng người ta chỉ đánh giá đúng khi người ta hiểu, hoặc ít ra nhìn thấy rõ ràng quy mô hoành tráng và tính năng hữu ích của sản phẩm nghiên cứu của ông?
Hãy nhìn kỹ, nhìn thấu đáo thì sẽ hiểu chúng tôi.
Cũng có người bảo ông Lãng và nhóm nghiên cứu nên biết mình ở đâu và năng lực thế nào?
Những điều chúng tôi đang làm là một lĩnh vực khoa học công nghệ vô cùng khó khăn, phức tạp. Nếu tôi không thành công, tôi sẽ chính thức xin lỗi công chúng. Nhưng ngược lại, nếu tôi thành công, tôi cũng mong muốn nhận được lời xin lỗi của những ai có những bình luận trái chiều.
Vậy ông kỳ vọng gì vào sản phẩm của mình?
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thụ hưởng quá nhiều thành quả trí tuệ của nhân loại, vậy thì bản thân mỗi người hãy làm ra một cái gì đó có ích, có ý nghĩa đi chứ. Đừng nên chỉ ngồi đó và phán xét. Đã nhiều nhà khoa học đến lúc chết cũng đâu có được công nhận kết quả nghiên cứu của mình.
Cần phải có rất nhiều tiền để làm được điều "có ích" đó?
Tiền cũng cần nhưng không phải là số một đâu. Cái quan trọng là khả năng và ý chí của người làm khoa học và quan tâm của các cấp quản lý.
Xin cảm ơn ông, chúc ông thành công!
- Năm 2008 có người đồng nghiệp cảnh báo tôi: Anh hãy nhớ rằng việc đơn giản nhất là gấp chiếc máy bay giấy. Gấp đúng, nó sẽ bay lên. Gấp sai, nó sẽ lao xuống đất. Huống hồ là cả một chiếc máy bay lớn, cần đến những công nghệ bậc nhất thế giới. Đây là lĩnh vực quá mạo hiểm, đừng có tham gia.
- Sản phẩm của đề tài đã tạo ra được 5 loại UAV có các thông số kỹ thuật và tính năng khác nhau, trong đó loại lớn nhất có bán kính hoạt động 100km, trần bay là 3.000m, tốc độ lớn nhất là 180km/h, thời gian hoạt động trên không 6h, loại nhỏ nhất tải trọng chỉ 1kg, có thể mang được máy ảnh hoặc camera, tiếng ồn rất thấp, có khả năng bay đêm trong thành phố. Tất cả đều được điều khiển bay tự động trên hệ bản đồ số Việt Nam.
|
Tô Hội (Thực hiện)