Container tông 21 người: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận quan tâm vụ container đâm hàng loạt xe máy đợi đèn đỏ tại Long An khiến 21 người thương vong, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

Vụ tai nạn kinh hoàng tại Long An khiến 21 người thương vong (trong đó có đến 3 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện, 17 người bị thương ) xảy ra khi chiếc xe container lao thẳng vào nhóm người dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đang khiến dư luận phẫn nộ. Bởi nguyên nhân vụ tai nạn có đến 90% nguyên nhân do lỗi của người điều khiển phương tiện container. Trong khi đó, lái xe Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) dương tính với heroin và có nồng độ cồn rất cao.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, tạm giam hình sự đối với Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) để điều tra hành vi trên.
Dư luận đặt ra câu hỏi, với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cùng với việc sử dụng ma túy, rượu bia dẫn đến hậu quả vụ tai nạn giao thông thảm khốc, lái xe Hiếu sẽ bị xử lý ra sao?
Container tong 21 nguoi: Ai chiu trach nhiem boi thuong?
 Hiện trường vụ tai nạn.
Gây tai nạn khi trong người có ma túy có là tình tiết tăng nặng?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, sau khi theo dõi clip trên mạng, sau một đêm, bản thân luật sư vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì đang xảy ra về vụ tai nạn giao thông này.
Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, tạm giam hình sự đối với Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) để điều tra hành vi trên là rất cần thiết để điều tra làm rõ trách nhiệm của lái xe.
Qua đó, sẽ làm rõ việc tài xế xe container gây tai nạn trước khi điều khiển phương tiện làm gì, ở đâu, có giấy phép lái xe hay không để sớm công bố nguyên nhân vụ việc; kiểm tra gấp doanh nghiệp vận tải để xem xét quá trình kinh doanh có chấp hành theo đúng pháp luật hay không? Giám định phương tiện cũng cần phải được làm rõ.
Theo quy định của pháp luật, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc tài xế Phạm Thành Hiếu dương tính với chất ma tuý, theo điều 13 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy theo điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Tuy nhiên, hậu quả của vụ tai nạn khiến 4 người chết, 17 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Trong đó, có nhiều người bị thương nặng và làm hư hỏng 21 xe máy. Theo quy định tại điểm a, b khoản 3 điều 260 Bộ luật hình sự hiện hành thì hậu quả làm chết 03 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Luật sư Đặng Xuân Cường – Công ty TAT Law firm cho biết, vụ tai nạn khiến 4 người tử vong tại chỗ, 17 người nhập viện khiến cho nỗi kinh hoàng được nâng lên một cấp độ mới. Thực trạng tai nạn giao thông trên cả nước trong thời gian gần đây gây ra một sự bất an lớn cho toàn xã hội chúng ta.
“Hành vi trên của tài xế Hiếu đã có dấu hiệu rất rõ ràng của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)”, Luật sư Cường cho biết.
Nói về tình tiết sử dụng chất ma túy khi điều khiển xe containe có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tài xế không? Luật sư Cường cho rằng, trường hợp tài xế Hiếu được xác định phạm tội như đã phân tích trên thì tình tiết tài xế này đã sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông sẽ được xác định là tình tiết định khung hình phạt chứ không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi lẽ: tình tiết này đã được nhà làm luật dự liệu và xác định ngay trong điều 260 Bộ luật hình sự để xác định khung hình phạt cho người vi phạm.
Ai chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, về bồi thường thiệt do tính mạng bị xâm phạm thì theo quy định tại điều 591 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này (thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm áp dụng cho những người bị thương); Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định ví dụ như những người này ngoài bị xâm phạm tính mạng thì còn bị xâm phạm về tài sản do đó phải đền bù cho họ theo điều 589 Bộ luật dân sự.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó nếu tài xế đang làm việc cho Cty TNHH Thạnh Đức thì theo quy định tại điều 600 Bộ luật dân sự cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra cụ thể: Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, căn cứ Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, “chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên xe hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
“Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, mà chủ xe mới là người chiếm hữu, sử dụng. Do đó, chủ xe là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.
Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường”, Luật sư Thơm nhận định.
Hải Ninh