Việc xăm các họa tiết lên da (tattoo) từ lâu đã không còn xa lạ, đặc biệt là đối với người trẻ ở Việt Nam. Các hình xăm với đủ mọi hình hài, màu sắc, kích cỡ ngoài mục đích để thể hiện cá tính, còn là cách để ghi dấu, lưu lại những kỷ niệm ý nghĩa trên cơ thể.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận các họa tiết này với con mắt thiện cảm, bởi chúng có dấu ấn liên quan đến "giới anh chị", "giang hồ" trong quá khứ. Nhiều người chọn cách xăm hình lên cả vùng mặt, cổ, da đầu… - những nơi mọi người sẽ nhìn thấy ngay từ lần đầu gặp mặt, không thể bị che chắn bởi áo quần.
PV đã có những ngày tìm hiểu về cuộc sống của Trọng Nghĩa, Văn Thảo, Nghi Lâm, Đăng Khoa - 4 bạn trẻ xăm rất nhiều hình lên mặt, cổ ở TP.HCM.
|
Trọng Nghĩa, Văn Thảo, Nghi Lâm, Đăng Khoa - 4 bạn trẻ xăm rất nhiều hình lên mặt, cổ ở TP.HCM.
|
'Mày có phải là người ngoài hành tinh không?'
Đó là câu hỏi của một người lớn tuổi khi thấy cháu mình thay đổi diện mạo khác thường. Là con gái, lại sở hữu nhiều hình xăm trên mặt cùng phong cách tóc dreadlock (phong cách tết tóc lại kiểu dây thừng, xuất phát từ người châu Phi), không khó hiểu khi Dương Nghi Lâm (22 tuổi, quận Tân Bình) vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người thân trong gia đình.
Người phản ứng quyết liệt nhất là mẹ của Nghi Lâm. Bà không thể nào chấp nhận được việc con gái mình có nhiều họa tiết trên mặt, cổ và ra sức phản đối.
Không những vậy, trong bữa tiệc gia đình, một người bên họ ngoại của 9X còn hỏi cô gái rằng: "Mày có phải người ngoài hành tinh không?".
Trong khi đó, chỉ có cha của Nghi Lâm là chấp nhận việc này. Ông hiểu rằng con gái muốn theo đuổi ước mơ của mình nên hãy để cho con thực hiện.
Đối mặt với những lời miệt thị từ chính người thân trong gia đình, thời gian đầu, Nghi Lâm rất buồn.
"Nhưng rồi cũng phải tập cách chấp nhận, vì người ta không hiểu về hình xăm thì mình có nói gì họ cũng thế thôi", cô nói.
Từ Nha Trang (Khánh Hoà) đến Sài Gòn lập nghiệp, theo đuổi ước mơ hơn một năm nay, Nghi Lâm chỉ có một người thân duy nhất là chị ruột bên cạnh.
Hai chị em cứ thế bám víu, nương tựa vào nhau sống trong căn phòng trọ nhỏ ở quận Tân Bình. Và cũng kể từ khi con gái rời xa khỏi nhà, mẹ của 9X mới bắt đầu chấp nhận những hình xăm trên cơ thể con gái.
Kể về nỗi khó khăn, vất vả trên con đường mưu sinh nơi đất lạ, quê người với giọng nói run run, Nghi Lâm cho hay: "Mình chỉ biết phải cố gắng mỗi ngày để chứng minh cho ba mẹ thấy là mình làm đúng".
Để có tiền chi trả cho chỗ ở cũng như chi phí sinh hoạt hàng ngày, Nghi Lâm cùng lúc làm 3 công việc khác nhau: Xăm hình, làm tóc dreadlock và phụ bán cho một shop quần áo.
Vất vả là thế nhưng 9X chỉ biết phải cố gắng hơn nữa để theo đuổi ước mơ của mình.
Mời quý vị xem video: Cô gái 9X chia sẻ về cuộc sống và hình xăm trên mặt Bị mẹ phản đối, họ hàng coi như người ngoài hành tinh khi có hình xăm trên mặt, Dương Nghi Lâm phải phấn đấu, làm nhiều việc cùng lúc để theo đuổi ước mơ.
'Hình xăm không xấu, quan trọng là người xăm nó thế nào'
Quyết định xăm hình lên vùng đầu, cổ của Nguyễn Trọng Nghĩa (28 tuổi) xuất phát đơn giản vì niềm yêu thích nghệ thuật tattoo. Những ngày mới bước vào Sài Gòn lập nghiệp cũng là lúc chàng trai Biên Hòa (Đồng Nai) bén duyên với nghề xăm.
"Lúc mới xăm hình lên đầu, cổ, mẹ mình nhìn thấy khóc rất nhiều, còn ba thì từ mặt cả tháng trời", 9X nhớ lại.
Chọn họa tiết trên cơ thể theo phong cách kinh dị, với các khuôn mặt ma quỷ, rùng rợn, Nghĩa có thể khiến cho những người mới lần đầu gặp mặt cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, một khi đã quen, tiếp xúc, người ta mới nhận ra Nghĩa cũng là chàng trai bình thường và khá hiền lành.
"Từ ngày có hình xăm trên mặt, đi đến đâu người ta cũng nhìn mình. Có lần bước vào quán ăn, người ta thấy mình là buông đũa hết. Họ xì xào với nhau, thậm chí có người còn nói lớn lên cho mình nghe", 9X kể.
Ban đầu, chàng trai còn thấy khó chịu với những lời xì xầm, đánh giá này. Tuy nhiên, dần dần, anh phải học cách làm quen, để ngoài tai những lời bàn tán của mọi người.
"Hình xăm không xấu, quan trọng là người sở hữu hình xăm có làm cho nó xấu đi hay không", Nghĩa kết luận.
Hiện tại, Trọng Nghĩa không còn theo nghề xăm mà chuyển sang làm tóc cho một hệ thống cắt tóc nổi tiếng ở Sài Gòn.
Theo chia sẻ của Nghĩa, những hình xăm trên người hiện tại còn giúp anh không ít trong công việc. Khách đến cắt tóc thường chọn những người có nhiều hình xăm như anh vì "cảm thấy tin tưởng".
Với việc tự nuôi sống bản thân bằng công việc lương thiện, cùng lối sống tốt, gia đình Nghĩa giờ không còn có những thành kiến với hình xăm của anh. Họ đã dần chấp nhận và xem đây như sở thích chính đáng của con mình.
Trọng Nghĩa chia sẻ về ý nghĩa của hình xăm trên mặt Lựa chọn xăm nhiều hình lên vùng đầu, cổ, Trọng Nghĩa vấp phải sự phản đối từ gia đình. Nhưng bằng ý chí, chàng trai vẫn vươn lên và có cuộc sống ổn định.
"Đam mê xăm hình bắt nguồn từ phong cách Chicano"
Đối với Nguyễn Văn Thảo (29 tuổi, quận Gò Vấp), việc quyết định xăm hình lên mặt, cổ bắt nguồn từ sự yêu thích phong cách Chicano - nền văn hoá xuất phát từ Mexico, thể hiện qua phong cách ăn mặc phóng khoáng và bộc lộ cá tính của mỗi người.
Cách đây 4 năm, qua sự giới thiệu của bạn bè, Thảo vô tình biết được văn hoá này và bắt đầu theo đuổi bằng cách sở hữu những hình xăm đặc trưng của Chicano lên vùng cổ, đầu.
Giống như Trọng Nghĩa, thời gian đầu, khi mới xăm lên mặt, Thảo cũng vấp phải sự phản đối từ người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Đỉnh điểm, 9X đời đầu bị mẹ từ mặt 6-7 tháng vì các họa tiết này.
Tuy nhiên, qua thời gian, bằng cách không ngừng thuyết phục và tiếp tục sống tốt, cha mẹ Văn Thảo cũng dần chấp nhận sở thích của con trai.
"Mình tin là mình đang làm đúng, mình không trộm cướp hay làm hại ai cả. Ai cũng có lập trường và hướng đi của riêng mình", Thảo chia sẻ.
Hiện tại, xăm hình mang đến cho Thảo công việc ổn định. Mỗi ngày, anh cũng đi làm 8 tiếng như bất kỳ nhân viên văn phòng nào.
Thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của Thảo chính là từ khi anh lập gia đình và có con. Kể từ thời điểm ấy, suy nghĩ và cách tư duy của Thảo cũng "biến hóa" theo, thể hiện qua những hình xăm mới nhất.
Đó là những hình xăm về tên con gái - Mia, hay giờ sinh của con - 1h35, hoặc chữ "Familia" - tiếng Latin nghĩa là "gia đình". Ngoài ra, loạt hình xăm khác của Thảo là về những người anh em, những người luôn sát cánh cùng anh trong lúc khó khăn, vất vả.
Công việc là thợ xăm đòi hỏi Văn Thảo phải thường xuyên làm ngoài giờ, có khi đêm khuya, phụ thuộc vào thời gian của khách hàng. Tuy nhiên, mỗi khi xong việc, gia đình nhỏ với người vợ và con gái bé bỏng luôn là điểm tựa vững chắc để anh tìm về.
Nguyễn Văn Thảo xăm nhiều hình theo văn hoá Chicano lên mặt, đầu, cổ. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, anh bắt đầu xăm hình về con gái, thể hiện tình yêu gia đình.
"Xăm để tưởng nhớ bà ngoại"
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Phạm Tấn Đăng Khoa (25 tuổi, Biên Hoà, Đồng Nai) được bà ngoại nuôi nấng lớn khôn và dành cho rất nhiều tình cảm.
Vì thế, sự ra đi mãi mãi của bà ngoại khiến Khoa gặp cú sốc lớn về tinh thần. 9X quyết định xăm nhiều hình xăm lên mặt để tưởng nhớ về người bà quá cố.
Điển hình là họa tiết về ngày sinh của bà, tên viết tắt của bà được Khoa xăm lên vùng trán. Ngoài ra, 9X còn xăm thêm hình hai giọt nước mắt ở cạnh khoé mắt, một dành cho bà và một dành cho mẹ.
Lớn lên, Đăng Khoa cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá Chicano từ những người anh em và ngày càng có nhiều hình xăm hơn về phong cách này. 9X cũng gặp phải không ít khó khăn khi bị dì ruột từ mặt.
Phản ứng lại, Đăng Khoa chỉ biết nói với dì rằng: "Con lớn rồi, con có thể tự quyết định những việc của con, nhưng con muốn dì hiểu rằng không phải ai xăm mình cũng là người xấu".
Kể từ thời điểm đó, Đăng Khoa phải chiến đấu với cuộc sống mưu sinh ở đất Sài Gòn, không nhà, không người thân và chỉ có anh em, bạn hữu là những người thân cận với anh nhất.
Là thợ cắt tóc trong hệ thống tóc có tiếng ở Sài Gòn, nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi, Đăng Khoa từng nhiều lần được sếp cử đi công tác ở nước ngoài vì có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.
Cũng chính trong một lần đi công tác ấy, anh đã quen được bạn gái của mình hiện tại ngay ở sân bay. Hình xăm nụ hôn của bạn gái trên má 9X là cách để chàng trai khắc ghi tình yêu của mình.
|
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Đăng Khoa được bà nuôi nấng và quyết định xăm hình tưởng nhớ khi bà mất. Ngoài ra, văn hoá Chicano cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của 9X. |
|
.
|
Hiện tại, cuộc sống của chàng trai khá ổn định, tự mình nuôi sống bản thân với công việc làm tóc và dự định ngày càng hoàn thiện nghề này hơn.
Tuy nhiên, trong lòng Khoa vẫn cảm giác một sự bất công, rằng: "Tại sao khi bạn sở hữu quá nhiều hình xăm và khi gặp những người ngoài đường thì người ta chỉ có một mặc định duy nhất bạn là người xấu, chuyên phá làng, phá xóm?"
Theo Zing