Đại biểu Quốc hội: Cắt lương hưu vĩnh viễn, xoá danh xưng cán bộ vi phạm

Google News

Đại biểu Quốc hội đề xuất cần phải xử lý mạnh tay với cán bộ vi phạm kỷ luật, thậm chí xem xét cắt lương hưu vĩnh viễn, xoá danh xưng như nguyên Bộ trưởng.

Sáng 24/10, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại hội trường.
Liên quan đến vấn đề "xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Dai bieu Quoc hoi: Cat luong huu vinh vien, xoa danh xung can bo vi pham
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định.
Trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.
Về việc này, có đại biểu đề nghị cần chi tiết hơn nữa hình thức kỷ luật với các cán bộ sai phạm.
Cụ thể, hình thức kỷ luật giảm hoặc cắt lương hưu vĩnh viễn cần kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, chức danh, danh hiệu, huân huy chương, các danh xưng như là nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết thêm, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm 1/7/2020 vẫn có thể bị xử lý theo quy định của Luật này nếu còn thời hiệu.
Đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng; đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì thời hạn này sẽ kéo dài đến 24 tháng.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật với lý do, trong thời gian tới khi thực hiện chế độ tiền lương mới gắn với việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thì việc áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (có thể bị giáng chức xuống một hoặc nhiều bậc theo đó bị hạ lương) càng mang tính răn đe cao.
Theo Duy Thành - Song Hy/ VTC