Đại úy Lê Thị Hiền giáng cấp trung úy sau đại náo sân bay... hợp lý?

Google News

(Kiến Thức) - Dự kiến nữ đại úy Lê Thị Hiền sẽ bị hạ cấp bậc hàm do hành vi lăng mạ, gây rối sân bay Tân Sơn Nhất. Có ý kiến cho rằng, mức kỷ luật trên là nhẹ, phải loại ra khỏi ngành, ý kiến khác lại cho rằng, mức kỷ luật cũng nhằm để cán bộ này nhìn nhận sai lầm, có cơ hội sửa đổi…

Thông tin mới nhất vụ nữ đại úy Lê Thị Hiền (cán bộ Đội CSGT-TT-CĐ thuộc công an quận Đống Đa, Hà Nội) lăng mạ nhân viên hàng không, gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận phẫn nộ. Phó giám đốc Công an Hà Nội - thiếu tướng Đào Thanh Hải cho biết, Công an thành phố đang làm các thủ tục giáng cấp Lê Thị Hiền từ đại úy xuống trung úy. Hiện, bà Hiền đã được điều động đến bộ phận không trực tiếp tiếp dân.
Dai uy Le Thi Hien giang cap trung uy sau dai nao san bay... hop ly?
 Hình ảnh nữ đại úy Lê Thị Hiền tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Mức xử lý kỷ luật giáng cấp đại úy Lê Thị Hiền mà CA Hà Nội thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều độc giả bày tỏ mức án trên vẫn là quá nhẹ đối với hành vi chửi bới "chợ búa", lăng mạ nhân viên hàng không, gây rối sân bay Tân Sơn Nhất, làm ảnh hưởng đến hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân trong mắt người dân.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, mức kỷ luật trên là phù hợp đủ để nữ công an Lê Thị Hiền nhìn nhận những sai lầm, có cơ hội để rèn luyện bản thân, sửa chữa những lỗi lầm.
Độc giả Nguyễn Văn Tường (quận Đồng Đa, Hà Nội) cho rằng, việc xem xét giáng cấp bậc hàm đối với nữ đại úy Lê Thị Hiền cho thấy, ngành công an không bao che cho sai phạm của nữ đại úy này. Tuy nhiên, mức kỷ luật trên vẫn còn quá nhẹ so với hành vi mà nữ cán bộ công an đã gây ra khi đại náo sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo anh Tường, cán bộ công an được tuyển chọn rất kỹ càng, quá trình học tập được rèn luyện, giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị, thực hiện nghiêm 6 lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật đối với Công an nhân dân.
Khi tiếp xúc với người dân, cán bộ công an thường gương mẫu, có thái độ lịch sự, thể hiện đạo đức, văn hóa và nhân cách của một cán bộ công an đã qua rèn luyện.
Tuy nhiên, những gì nữ cán bộ này thể hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất lại khiến người dân thất vọng trước cách hành xử của một cán bộ Công an nhân dân.
“Một nữ cán bộ công an nhân dân dù hành xử nơi công cộng cũng phải tuân theo quy định, phải giữ gìn hình ảnh, phải thể hiện đạo đức, bản lĩnh của người Công an nhân dân. Tại sao một nữ hành khách lại cho mình được quyền gửi thêm một kiện hàng khi làm thủ tục bay. Khi không được đáp ứng lại lớn tiếng, có lời lẽ thô bạo với nhân viên hàng không. Thậm chí, sau đó lại tiếp tục có hành vi to tiếng, chống người thi hành công vụ, tay đánh vào người nhân viên an ninh hàng không, gây mất an ninh trật tự công cộng”, anh Tường nói và cho biết, với cách hành xử vậy, thì kể có cả tước quân tịch, cho ra khỏi ngành công an cũng là hợp lý.
Đồng quan điểm với anh Tường, ông Trần Văn Hải, trú tại TP Hà Nội cho rằng, nếu theo những hình ảnh clip ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội, cách hành xử của đại úy Lê Thị Hiền cho thấy cán bộ này không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân.
“Tôi không hiểu vì sao ngành công an lại tồn tại một cán bộ như vậy? Làm sao với tính cách coi thường pháp luật, coi thường người dân như thế mà bà Hiền có thể được thăng hàm đến cấp đại úy? Cách ứng xử như một người vô học ở nơi được coi là văn minh ấy đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh uy tín, danh dự của lực lượng công an. Để xây dựng lên hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, bao nhiêu cán bộ chiến sĩ đã phải hi sinh thân mình để truy bắt tội phạm, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân. Nữ đại úy Hiền hành xử như vậy có cảm thấy có lỗi với những cán bộ chiến sĩ đó không? Có cảm thấy mình còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ, trong lực lượng công an hay không? Nếu nhận thấy điều đó thì có lẽ nữ đại úy đã tự động xin ra khỏi ngành chứ không đợi đến lúc kỷ luật”, ông Hải cho hay.
Video: Sẽ hạ cấp bậc nữ công an náo loạn sân bay 
Nguồn: VTC1
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan (người dân quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật hạ cấp bậc hàm từ đại úy xuống trung úy đối với bà Lê Thị Hiền là hợp lý.
Nữ đại úy hành xử sai trái là hành vi đáng lên án. Tuy nhiên, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Vụ việc xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng có lỗi của cả hai bên. Việc kỷ luật cũng nhằm giúp con người ta nhận ra sai lầm, cho con người ta cơ hội để rèn luyện sửa chữa những sai lầm ấy. Theo tôi, nữ cán bộ công an đã nhìn nhận ra cái sai của bản thân trong cách ứng xử vậy. Do vậy tôi đồng tình với mức kỷ luật đưa ra là giáng cấp 2 bậc hàm, điều chuyển sang bộ phận khác là hợp lý”, bà Lan cho hay.
Trước đó, chiều 11/8, tại sảnh A - ga đi quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bà Lê Thị Hiền (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) bế con đến làm thủ tục chuyến bay VN248, hành trình TP HCM - Hà Nội.
Khi làm thủ tục, bà Hiền gửi 4 kiện hành lý đủ tiêu chuẩn miễn cước, nhưng sau đó tiếp tục yêu cầu được ký gửi miễn cước thêm 1 kiện hành lý khác. Do quá cước nên nhân viên làm thủ tục không đồng ý yêu cầu này. Nữ hành khách sau đó thể hiện thái độ bức xúc, la lối, dùng ngôn ngữ thô tục khi bị từ chối miễn cước hành lý. Sau đó, bà Hiền được di chuyển đến khu vực an ninh soi chiếu.
Lúc này, do vô ý làm mất thẻ lên máy bay và phải quay lại quầy thủ tục, bà Hiền tiếp tục lớn tiếng quát tháo, mạt sát nhân viên tại đây. Lo ngại đến vấn đề an ninh, an toàn của chuyến bay, đại diện hãng hàng không tại sân bay quyết định “cắt chuyến”, từ chối vận chuyển bà Hiền trên chuyến bay VN248 đi Hà Nội.
Trước cách hành xử thiếu văn hóa, gây mất trật tự của bà Hiền, đồn Công an Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đối với nữ hành khách. Tuy nhiên, mức phạt này bị cho là quá nhẹ. Cục Hàng không Việt Nam sau đó ra lệnh cấm bay trong thời hạn 12 tháng đối với bà Hiền.

Tâm Đức