Những giải pháp chưa có trong tiền lệ
Ngày 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận tại các tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh.
|
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại tổ sáng 6/1. Ảnh: Mai Loan. |
Phát biểu tại tổ, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 30 thực sự là sáng kiến pháp luật và thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch.
Nghị quyết 30 cũng tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Nhằm kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 12 để hướng dẫn Nghị quyết 30, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
"Qua báo cáo của Chính phủ, chúng tôi nhận thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực triển khai Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có trong tiền lệ”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.
Đánh giá báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 30 rất công phu và giàu thông tin, tuy nhiên, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần có những số liệu cụ thể hơn nữa.
Cụ thể, về vấn đề áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù đáp ứng điều kiện thực tế phòng chống dịch, Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có 7 nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vắc xin cho chiến lược tiêm chủng quốc gia.
Việc này đã giải quyết được những vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch.
Cần có quy định cụ thể về việc mua sắm phòng chống dịch
Tuy nhiên, theo bà Hà, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành ban hành những Nghị quyết liên quan đến việc mua vắc xin nhưng mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương, chưa ban hành được những văn bản để giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch ở địa phương.
"Tại các địa phương khi mua sắm chúng tôi vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật Đấu thầu, chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn Nghị quyết 30 của Quốc hội", lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nói.
Bà Hà cho hay, trong báo cáo của Chính phủ cũng nhận định một số khó khăn, bất cập trong công tác mua sắm là chưa ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để giải quyết những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng số lượng trang thiết bị, vật tư rất lớn.
Nhiều địa phương đã phải huy động, trưng dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của khu vực tư nhân hoặc phải rút ngắn thủ tục, thời gian một số nội dung mua sắm, tạm ứng vay, mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp. Trong điều kiện thời gian gấp rút, tính từng ngày, từng giờ nên chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tức là rất nhiều địa phương đã phải linh hoạt, quyết liệt để đảm bảo công tác chuyên môn phòng chống dịch nên có hiện tượng trưng thu, trưng mua hoặc vay mượn kit test xét nghiệm hoặc trang thiết bị huy động lực lượng tư nhân.
Tuy nhiên, sau khi vay mượn như vậy, hướng dẫn thực hiện như thế nào thì hiện trong văn bản của Chính phủ cũng như Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để địa phương giải quyết được những khó khăn mà đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và mua sắm.
Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết những khó khăn này.
“Cho đến nay, vẫn chưa có quy định về việc mua sắm trong thời điểm phòng chống dịch, huy động về giá, trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Đấy là những khó khăn, vướng mắc rất lớn của địa phương thực hiện phòng chống dịch.
Vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, đặc biệt là những tài sản được tài trợ trong công tác phòng chống dịch rất cấp bách, rất nhiều nhà tài trợ đã tài trợ cho Hà Nội máy móc, trang thiết bị, kit test", bà Hà cho hay.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện đối với hai biện pháp liên quan công tác phòng, chống dịch trong khuôn khổ của Nghị quyết 30 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế, có những trường hợp đến bây giờ vẫn chưa thanh toán tiền hỗ trợ phòng chống dịch.
“Vừa rồi, đoàn QH đi giám sát ở Sơn Tây, có trường hợp mà đến bây giờ vẫn không biết là có được thanh toán hay không”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, cần phải xác định rõ việc này là do thiếu quy định hay do quá trình thực hiện để có giải pháp phù hợp. Tại dự thảo nghị quyết trình Quốc hội chỉ nêu kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp, để bảo đảm việc thanh toán, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian đơn thuần như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ. Thay vào đó, cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể, để chấm dứt tình trạng này.
Mời quý độc giả xem video Tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ cảm xúc đầu tiên bên hành lang Quốc hội.
Mai Loan