Đền Chợ Củi nộp ngân sách hơn 14 tỷ, “cơ sở khác đi đâu?“

Google News

Việc đền Chợ Củi nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng tiền công đức khiến không ít người đặt câu hỏi: Vậy các cơ sở khác thì sao? Tiền công đức đi đâu? Trách nhiệm thuộc về ai?

"Đền Chợ Củi nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng tiền công đức rất đáng hoan nghênh"

Chiều 29/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, đền Chợ Củi đã nộp vào ngân sách hơn 14 tỷ đồng tiền công đức. Số tiền này được nộp vào ngân sách qua tài khoản của Ban quản lý tại Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Xuân để chi cho việc đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích và một phần sử dụng chi thường xuyên cho hoạt động của di tích theo dự toán ngân sách đã được phê duyệt đảm bảo tại đền Chợ Củi.

Den Cho Cui nop ngan sach hon 14 ty, “co so khac di dau?“

Đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: PV.

Ngay sau khi thông tin được chia sẻ, nhiều độc giả, chuyên gia đã rất hoan nghênh cơ sở này trong việc chủ động nộp ngân sách tiền công đức. Bên cạnh đó, không ít người đặt câu hỏi: Vậy cơ sở khác chắc cũng thu được như vậy hoặc hơn thế nhưng sao không nộp? Vậy tiền công đức ấy đi đâu? Trách nhiệm của ai?

Chia sẻ với PV Dân Việt, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian thẳng thắn cho hay, tiền công đức của các nơi thu được rất lớn nhưng có nơi Ban quản lý di tích hoặc các ban hành lễ giấu đi, có giấu hiệu bớt xén. Điển hình, không ít vụ việc được báo chí, cơ quan chức năng phanh phui thời gian vừa qua.

Den Cho Cui nop ngan sach hon 14 ty, “co so khac di dau?“-Hinh-2

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian. Ảnh: NVCC

Cụ thể, mới đây nhất đầu năm 2024, Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã lập hồ sơ xử lý hành chính đối với B.V.T. về hành vi trộm cắp tài sản tại đền Ông Hoàng Mười, với số tiền 2,5 triệu đồng.

Khoảng 11h ngày 25/2, ông B.V.T. (SN 1979, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) khi gom tiền tại gian nhà Trung điện đền Ông Hoàng Mười, đã lấy trộm hơn 1 triệu đồng bỏ vào vỏ hộp bánh, sau đó mang về cất giấu trong phòng bảo vệ. Trong ca trực hôm 25/2, 6 người thuộc ban quản lý, tổ tác nghiệp và tổ bảo vệ tiến hành gom tiền công đức ở đền Ông Hoàng Mười để bỏ vào két, và để xảy ra việc mang tiền cất vào phòng bảo vệ.

Để làm rõ vụ việc, UBND huyện Hưng Nguyên đã lập đoàn xác minh, tạm đình chỉ 2 người liên quan, đồng thời lắp camera giám sát tại nơi đặt thùng niêm phong nguồn tiền công đức để đảm bảo công tác quản lý.

Den Cho Cui nop ngan sach hon 14 ty, “co so khac di dau?“-Hinh-3

Ông T. lấy tiền công đức ở đền Ông Hoàng Mười bỏ trong hộp bánh. Ảnh chụp lại màn hình.

Cách đó 10 năm, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Ông Hoàng M cũng từng bị phát hiện thường xuyên cho người chở tiền công đức đi thuê người ngoài đếm. Sau đó, các cơ quan chức năng của huyện Hưng Nguyên đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh lại Ban quản lý đền, bảo vệ nguồn thu từ tiền công đức hàng năm.

Ví dụ, Ban quản lý di tích đền Bảo Hà cách đây hơn 10 năm thu được rất ít nhưng sau khi lập ban quản lý mang tính đơn vị sự nghiệp công thì số thu rất lớn. Lúc đầu khoảng 2 tỷ nhưng đến bây giờ 45 tỷ, lớn hơn cả xí nghiệp xuất nhập khẩu khu vực. Ở các nơi khác cũng vậy như đền Đông Cuông (Yên Bái) trước chỉ thu được 1-2 tỷ nhưng giờ thu được hàng chục tỷ đồng/năm sau khi củng cố lại ban quản lý.

"Tôi rất hoan nghênh việc đền Chợ Củi nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng tiền công đức, nộp như vậy rất hay. Và cũng tự đặt ra câu hỏi vậy cơ sở khác chắc họ cũng thu được như vậy hoặc hơn thế nhưng sao không nộp? Vậy tiền công đức ấy đi đâu? Trách nhiệm của ai? Hãy trả lời người dân vấn đề này", ông Sơn nhấn mạnh.

Den Cho Cui nop ngan sach hon 14 ty, “co so khac di dau?“-Hinh-4

Đền Chợ Củi Hà Tĩnh, du khách đang dâng hương cầu lộc, cầu may. Ảnh: PV.

Theo ông Sơn, trước đây đền Ông Hoàng Mười để tự do mọi người làm, thu rất ít, sau lập Ban công ích cũng thu hàng chục tỷ. Tiền công đức là nguồn thu rất lớn của cả xã hội, là tiền của dân đóng góp, người vi phạm là Ban quản lý chia cho nhau.

"Vì thế trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải quản lý việc này. Không quản lý được tiền công đức thì không thể quản lý được các di tích. Ta phải xác định rõ đây là tiền của dân, phải thực hiện tăng cường quản lý, đừng coi nhẹ việc này", ông Sơn đánh giá.

Chuyên gia hiến kế giải pháp quản lý tiền công đức

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian nhận thấy các giải pháp đưa ra còn đơn giản. Ông cho rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu ra văn bản xác định: "Đây là tiền thuế của dân, là dịch vụ của dân phải chi tiêu, quản lý đúng chứ không phải tiền chùa".

"Tôi đi rất nhiều nơi, có người "nhảy" được vào làm ban quản lý, khấn thì không biết khấn, làm thầy thì không biết làm thầy nhưng quản lý tiền rất nhanh rồi chia nhau. Ta phải hoạch định đây là trọng điểm, là vấn đề quan trọng để quản lý", ông nêu quan điểm.

Từ vấn đề trên, ông Sơn đưa ra một số giải pháp: "Thứ nhất, phải thể chế hoá bằng văn bản, sửa lại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cho chặt chẽ. Về mặt tổ chức nên xây dựng mô hình như mô hình tự quản của người dân, người dân tự quản nhưng phải báo nguồn tiền cho cơ quan Nhà nước biết, chi vào việc gì. Thứ hai, Nhà nước, tức Ban văn hoá xã hội, Ban quản lý đền chùa phải phối hợp trong quản lý.

Thứ 3, đây là đơn vị sự nghiệp bảo tồn, phát huy di tích, du lịch, ban quản lý là đơn vị sự nghiệp có thu nên để họ thu. Phải tuyên truyền cho người dân, cán bộ hiểu rõ đây là tiền của dân, đừng coi nhẹ việc này".

Den Cho Cui nop ngan sach hon 14 ty, “co so khac di dau?“-Hinh-5

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đền chùa, di tích lịch sử, di tích tôn giáo có tính thiêng số lượng tăng hơn rất nhiều. Có lẽ Nhà nước, Quốc hội phải nghiên cứu để xử lý vấn đề này.

"Về mặt quản lý Nhà nước tất cả những gì diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý, trong đó có cả tiền công đức. Lâu nay, việc này để cho các cơ sở thờ tự, tổ chức tôn giáo thu, có lẽ không minh bạch, thậm chí có nhiều người lợi dụng. Nhiều nơi mọc chùa tự phát, đình, chùa, nơi thờ tự để quá nhiều bàn công đức, quản lý thu chi lâu nay dư luận nói không minh bạch", ông Đức nói. 

Ông Đức đề xuất Nhà nước phải có cơ chế quản lý việc này. Quản lý không phải nhất nhất thu vào ngân sách mà quản lý sao cho minh bạch, không làm ảnh hưởng hoạt động công đức cho tôn giáo. Nếu chính đáng, đúng đắn thì để cho cơ quan tôn giáo dùng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất…, để tổ chức lễ hội.

"Nếu Nhà nước cho rằng công đức cho vào công quỹ thì phải thu hồi triệt để, có chế độ chi cho cơ sở thờ tự đó tỉ lệ bao nhiêu %. Thậm chí cơ sở thờ tự do Nhà nước quản lý có thể Nhà nước bỏ ngân sách ra sửa chữa. Tôi cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nên có ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, quyền quyết định tối cao thì Quốc hội phải ra Quyết định, Nghị quyết hay pháp lệnh nào đó về vấn đề này", ông Đức nói thêm.

Theo đó, từ ngày 15/1, sau khi tiếp nhận quản lý khu nội tự, hòm công đức đền Chợ Củi từ gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý, Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã tập trung chỉnh trang cơ sở hạ tầng, đổi mới các hoạt động đón tiếp du khách, siết chặt quản lý kinh doanh, dịch vụ, chú trọng vấn đề môi trường, an ninh, trật tự nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân và du khách thập phương...

Từ đầu năm đến nay, đền Chợ Củi đã đón hơn 60.000 lượt du khách, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tiền công đức thu nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng từ đóng góp trực tiếp ghi vào sổ công đức, bỏ vào hòm công đức và quét mã QR code…

Ban quản lý đã thành lập tổ nội tự, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ vệ sinh và tổ tiếp nhận, kiểm đếm công đức để quản lý hiệu quả số tiền. Các tổ có nhiệm vụ riêng, có trách nhiệm giám sát, quản lý tiền công đức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả.

Theo Gia Khiêm/Dân Việt