Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện dùng đất nền làm "mồi nhử" lừa đảo

Google News

(Kiến Thức) - Tính đến hết ngày 24/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Hơn 900 nạn nhân tố giác Alibaba lừa đảo
Thông tin mới nhất liên quan vụ địa ốc Alibaba lừa đảo, ngày 24/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (trước đó Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 04 tháng đối với Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba để phục vụ công tác điều tra). Tất cả các quyết định và lệnh nêu trên đều được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Liên quan vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết ngày 24/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Dia oc Alibaba Nguyen Thai Luyen dung dat nen lam
 Nguyễn Thái Luyện trong buổi làm việc với cơ quan công an.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, quá trình điều tra được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và có đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Nguyễn Thái Luyện với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên và tự vẽ ra 40 “dự án” không có thật tại một số tỉnh phía Nam gồm: Đồng Nai: 29 “dự án”; Bà Rịa – Vũng Tàu: 09 “dự án” và Bình Thuận: 02 “dự án”, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng.
Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng thu được 2.500 tỷ đồng.
Qua điều tra xác định các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử).
Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh xác định tất cả các “dự án” do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như các đối tượng quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).
Số phận những khách hàng bỏ tiền mua bất động sản của Alibaba ra sao?
Hiện dư luận quan tâm, số phận pháp lý của những khách hàng đã bỏ tiền ra mua bất động sản của công ty này sẽ được giải quyết ra sao? Làm thế nào để đòi lại được tiền, thì người đứng đầu công ty bị bắt thì ai sẽ có trách nhiệm trả tiền cho những người bị hại?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với một số đối tượng đứng đầu của Công ty Alibaba về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối liên quan đến việc lập các dự án ma để phân lô bán nền cho nhiều người chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
“Những vấn đề này sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật. Chắc chắn rằng bất cứ người nào đã nộp tiền cho công ty này đều có mong muốn, nguyện vọng được đòi lại tiền tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội nhận lại số tiền mà mình đã nộp. Sẽ có người có cơ hội lấy lại được tiền, có những người thì cơ hội lấy lại tiền sẽ không cao, thậm chí nguy cơ mất tiền. Việc lấy được tiền hay không phụ thuộc vào địa vị pháp lý, bản chất của từng giao dịch, từng vai trò, vị trí trong các thủ tục tố tụng”, Luật sư Cường cho biết.
Theo Luật sư Cường, những người nộp tiền, giao tiền cho cá nhân hoặc cho công ty để ốc Alibaba được gọi là Khách hàng hoặc cái tên mỹ miều là những Nhà đầu tư BĐS. Những người đã đưa tiền, nộp tiền vào công ty này để tham gia các giao dịch về bất động sản thường ở dạng hợp đồng đặt cọc, góp vốn, mua bán căn hộ, nhận chuyển quyền sử dụng đất, hợp tác đầu tư...
Với mỗi giao dịch, mức độ hiểu biết, nhận thức của từng khách hàng và với những thông tin, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo của công ty này đưa ra thì những khách hàng của công ty này có thể sẽ phân thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm những người bị lừa đảo, bị các đối tượng của công ty Alibaba đưa ra thông tin gian dối, dùng thủ đoạn gian dối (nhằm chiếm đoạt tài sản) nên người này đã nhẹ dạ, cả tin, tưởng rằng dự án là có thật, tưởng giao dịch là hợp pháp nên đã nộp tiền vào công ty hoặc đưa tiền cho các đối tượng này. Sau khi nhận được tiền thì các đối tượng này đã chiếm đoạt, không có ý định trả lại tiền cho khách hàng.
“Nhóm khách hàng này sẽ được xác định là những người bị hại trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người bị hại này sẽ tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại, được quyền đưa ra các yêu cầu, đề nghị, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có quyền yêu cầu những đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại”, Luật sư Cường cho biết.
Trong trường hợp các đối tượng lừa đảo không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì Người bị hại trong vụ án hình sự có quyền yêu cầu tòa án niêm phong, kế bên, phong tỏa tài khoản và tuyên án buộc các bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với người bị hại là trả lại tiền và bồi thường những thiệt hại (nếu có). Trong trường hợp vụ án kết thúc tòa án tuyên các đối tượng phạm tội phải chịu hình phạt và bồi thường thiệt hại dân sự cho nạn nhân, khi đó nếu các đối tượng cố tình không bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì những người bị hại này có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của những đối tượng phạm tội để thu hồi tài sản.
Nhóm người này có cơ hội lấy lại tài sản cao hơn vì họ có quyền trong hoạt động tố tụng hình sự và có thể tác động đến mức hình phạt, cơ hội đặt xá giảm án đối với các đối tượng lừa đảo và có thể yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của các đối tượng lừa đảo, yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội mà có...
Nhóm thứ hai gồm những người không được xác định là bị hại trong vụ án hình sự do họ không trình báo sự việc với cơ quan công an hoặc sự việc họ đưa tiền cho các đối tượng này không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, không có yêu tố gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
Những người này có thể là những người đã biết rõ các dự án bất động sản của công ty này là chưa được phép huy động vốn, không có thật nhưng vì ham lợi nhuận, ham lại suất nên đã bỏ tiền ra đầu tư và chấp nhận rủi ro trong các giao dịch này. Những giao dịch này không có yêu tố gian dối, hai bên đều biết rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố tình thực hiện hành vi vi phạm, thực hiện các giao dịch bất động sản vi phạm điều cấm của pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu.
Với những trường hợp này thì sẽ không được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự, sẽ không được vận dụng các quy định của bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan để buộc đối tượng lừa đảo phải trả lại tài sản.
Những người này nếu không được các đối tượng trên tự nguyện trả lại tài sản thì phải khởi kiện bằng một vụ án dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch để buộc các đối tượng này phải trả lại tài sản. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện rất phức tạp và mất nhiều thời gian, rất khó có cơ chế đảm bảo để bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc như bản án hình sự. Khi tham gia vụ án dân sự thì những người này được xác định là nguyên đơn trong vụ án dân sự và yếu tố tác động, ảnh hưởng đến số phận pháp lý của công ty này, những đối tượng của công ty sẽ không cao nên cơ hội dòi tiền sẽ không cao.
Hiện nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang tiến hành hoạt động điều tra bởi vậy nếu khách hàng nào đã nộp tiền cho cá nhân và công ty này thấy rằng mình đã bị các đối tượng đưa ra thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì cần có đơn trình báo cho cơ quan công an và đề nghị tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại, khi đó cơ hội đòi lại tiền sẽ cao hơn.
"Còn đối với những người nhận thấy mình không phải là người bị hại, không bị các đối tượng đưa ra thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, việc nộp tiền, tài sản cho công ty này là hoàn toàn tự nguyện, biết rõ các giao dịch này là vô hiệu nhưng vì ham lợi nên vẫn tham gia thì có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch nhằm lấy lại tài sản", Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Cơ quan điều tra đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất; các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ với Cục C03 (Phòng 15) – Bộ Công an, địa chỉ: 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (Phòng PC03), địa chỉ: số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Công an quận, huyện nơi cư trú nộp đơn tố giác tội phạm và cung cấp thông tin liên quan để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Người dân tuyệt đối không tiếp tục giao dịch mua bán đất nền tại các dự án của Công ty Alibaba để tránh bị lừa đảo. Đồng thời kêu gọi các cá nhân là nhân viên của Công ty Alibaba hoặc có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho Cơ quan điều tra, mọi hành vi che dấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tiền, tài sản… sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 


Hải Ninh