Đồng ý tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận

Google News

Chiều 30/11, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chiều 30/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016.
Dong y tai khoi dong dien hat nhan Ninh Thuan
Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Cùng đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó có luật Năng lượng nguyên tử.
Trước đó, sau khi T.Ư Đảng thống nhất tái khởi động chương trình điện hạt nhân Việt Nam và tiếp tục dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trên 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: Vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
Mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước.
Bốn mục tiêu cụ thể gồm: Cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, đa dạng hóa năng lượng sơ cấp, bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Xây dựng và đưa các nhà máy điện hạt nhân vào khai thác vận hành an toàn, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất rủi ro về môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân, từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia.
Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân; kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát an ninh, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện hạt nhân; xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân và phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Xây dựng chương trình phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các giai đoạn phát triển điện hạt nhân.
Mai Loan