Dùng chất tẩy vệ sinh làm nước mắm, công an vào cuộc: “Án” nào đúng chuẩn?

Google News

(Kiến Thức) - Việc 3 doanh nghiệp sử dụng hóa chất Soda Na2CO3 là hóa chất công nghiệp không có trong danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để sản xuất nước mắm bán thành phẩm là vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm.

Liên quan đến vụ 3 công ty sử dụng hóa chất sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm vừa được Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện, phía Thanh tra Bộ cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Cụ thể, theo danh sách 3 công ty sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm không đúng quy định mà ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cung cấp gồm Công ty TNHH MTV Điều Hương (Địa chỉ: Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (Địa chỉ: Số 47 Trần Phú, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (Địa chỉ: Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).
Dung chat tay ve sinh lam nuoc mam, cong an vao cuoc: “An” nao dung chuan?
Mẫu nước mắm được thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện sử dụng soda công nghiệp và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất. 
Trước đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT xử phạt Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát với tổng số tiền xử phạt là 266 triệu đồng về các hành vi sản xuất, kinh doanh nước mắm bán thành phẩm nhưng cống rãnh thoát nước bị ứ đọng, không được che kín; Kho chứa nguyên liệu phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và nơi sản xuất không có cửa lưới ngăn chặn côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, sử dụng hóa chất Soda Ash Light Na2CO3 là hóa chất công nghiệp không có trong Danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để sản xuất nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà).
Thanh tra Bộ NN&PTNT xử phạt Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp 235 triệu đồng về các hành vi sản xuất, kinh doanh nước mắm nhưng khu ủ chượp chiết nước mắm có lỗ hổng, không có lưới che chắn côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, sử dụng hóa chất Soda Ash Light Na2CO3.
Đồng thời xử phạt Công ty TNHH MTV Điều Hương 275 triệu đồng về các hành vi: Sản xuất, kinh doanh nước mắm bán thành phẩm nhưng không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất Soda Ash Light Na2CO3.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, những hành vi của các doanh nghiệp trên là vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm (vi phạm điều cấm của luật).
Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Theo quy định của pháp luật, không phải loại chất nào cũng có thể được sử dụng vào sản xuất thực phẩm.
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về những hành vi bị cấm gồm: Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Dung chat tay ve sinh lam nuoc mam, cong an vao cuoc: “An” nao dung chuan?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Hành vi sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3) là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm của các đơn vị nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm (vi phạm điều cấm của luật).
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối với các hành vi vi phạm nêu trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đó, các đơn vị sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP) về hành vi sử dụng Soda công nghiệp – sử dụng chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
Ngoài ra các công ty, cơ sở sản xuất vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 3 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này”.
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm.
Bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng về hành vi Sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
“Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết. Đồng thời cho rằng những hành vi vi phạm khác cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Biến nước tẩy rửa bồn vệ sinh thành nước mắm:

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức