Đường Nhuệ lộng hành... hỏi trách nhiệm của ai?

Google News

(Kiến Thức) - Dù trong suốt thời gian dài, nhóm đối tượng Đường Nhuệ có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng mới đây mới bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Vậy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Công an Thái Bình có trách nhiệm thế nào?

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) và các đồng phạm để điều tra vụ “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 30/3 tại Công ty TNHH Đường Dương.
Bởi ngoài hành vi phạm tội trên, trong suốt thời gian dài, nhóm đối tượng do Nguyễn Xuân Đường cầm đầu đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đáng chú ý, nhiều vụ việc có dấu hiệu hành vi phạm tội liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương đã từng bị báo chí phanh phui như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng cùng nhiều dấu hiệu vi phạm hoạt động đấu giá đất đai.
Duong Nhue long hanh... hoi trach nhiem cua ai?
 Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương.
Dư luận rất hoan nghênh việc Thượng tá Nguyễn Thanh Trường dù mới nhận chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình trong thời gian không lâu nhưng đã kịp thời chỉ đạo triệt phá băng nhóm tội phạm Đường Nhuệ, mở rộng điều tra vụ án một cách khách quan, công tâm, đúng pháp luật.
Đồng thời, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Bình và nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình. Bởi người đứng đầu cơ quan tổ chức ở địa phương, của ngành công an địa phương phải chịu trách nhiệm khi để tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động theo hình thức xã hội đen lộng hành trong suốt thời gian dài mà không bị phanh phui xử lý một cách triệt để dù nhiều vụ việc đã xảy ra và được dư luận từng phản ánh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam có đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự, có nhiều lĩnh vực pháp luật, là công cụ pháp lý quan trọng để đấu tranh với các loại tội phạm. Ngoài ra lực lượng cảnh sát rất hùng hậu, với phương tiện kĩ thuật hiện đại, kinh nghiệm dày dạn trong đấu tranh phòng chống tội phạm nên không có chuyện lực lượng phòng chống tội phạm ở Việt Nam lại chịu thua các đối tượng phạm tội ở bất cứ nhóm, loại tội phạm nào.
Thực tế, ngay cả thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ mới giành chính quyền, chính quyền còn non trẻ, các thế lực thù địch rất mạnh, thù trong, giặc ngoài mà lực lượng phòng chống tội phạm của chúng ta cũng vẫn khống chế, kiểm soát được tình hình.
Với thời bình, xã hội phát triển, hệ thống pháp luật hoàn thiện, lực lượng phòng chống tội phạm ngày càng tinh nhuệ, dân trí được nâng lên thì không có lý do gì những băng ổ nhóm tội phạm lại có thể hoành hành nhiều năm một cách ngang ngược ở những địa phương khiến người dân phải khiếp sợ trong suốt thời gian dài.
Bởi vậy, nếu địa phương nào mà có những băng nhóm tội phạm hoạt động ngang nhiên, công khai, nổi cộm, gây nhức nhối trong xã hội, chỉ có thể là sự yếu kém của lãnh đạo chính quyền hoặc có sự dung túng, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Luật sư Cường cho rằng, việc xử lý những băng nhóm tội phạm mà phía sau có sự bao che, dung túng của người có chức vụ quyền hạn hoặc những nhóm tội phạm hoạt động nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm, có tiềm lực về kinh tế thì sẽ gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc triệt phá, khống chế những đối tượng này.
Những vụ án băng ổ nhóm lớn bị triệt phá trong thời gian gần đây cho thấy, mỗi vụ án lớn như vậy lại có những cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay, dung túng cho các đối tượng làm loạn... Bởi vậy, khi mỗi địa phương triệt phá được những băng ổ nhóm tội phạm cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan đối với lĩnh vực an ninh trật tự, và các lĩnh vực mà các đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm tội như kinh doanh, đấu giá, bất động sản...
Về nguyên tắc là khi giải quyết một vụ án hình sự phải xác minh làm rõ tất cả các vấn đề có liên quan, làm rõ tất cả các hành vi phạm tội và làm rõ tất cả những đối tượng có liên quan đến tội phạm theo nguyên tắc không sót người không lọt tội.
Do đó, khi tội phạm có tổ chức là những băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen bị triệt phá phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng phải chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Tại sao lại để xảy ra những trường hợp đối tượng ngang nhiên lộng hành, thách thức pháp luật? Tại sao lại để những vụ việc khiếu kiện, tố cáo không được giải quyết một cách triệt để? Nguyên nhân, điều kiện nào khiến các đối tượng có thể thực hiện được hành vi phạm tội?
>>> Mời độc giả xem thêm video Lộ diện ổ nhóm bảo kê dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình:

Nguồn VTV 24.

“Khi các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà được cảnh báo, xử lý kịp thời, nghiêm minh thì các đối tượng sẽ được giáo dục, bị răn đe và không có những hành vi vi phạm tiếp theo, không dám làm càn, làm bậy. Còn nếu các đối tượng đánh người mà không ai làm gì được, cưỡng đoạt tài sản nhưng không ai dám tố cáo... thao túng thủ tục đấu giá đất, cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê ngang nhiên, doạ giết người, đánh người nhiều lần mà không ai dám làm gì thì sự việc đã là quá đà, mất kiểm soát, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và người dân sẽ sống trong lo sợ...”, Luật sư Cường cho biết.
Vì vậy, theo Luật sư Cường, trên địa bàn nào mà xảy ra các băng ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê, sẵn sàng đánh người mà không ai dám tố cáo hoặc tố cáo cũng không được giải quyết... cần phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật.
Khi lực lượng chức năng mạnh mẽ, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ không còn đất để cho các nhóm đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen lộng hành.
Cùng với công cuộc cải cách tư pháp hiện nay nhiều chính sách pháp luật có những thay đổi, chính sách xét xử đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm có chức vụ, những băng ổ nhóm tội phạm (tội phạm có tổ chức) là rất nghiêm minh. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan trong lĩnh vực tư pháp. Khi những đường dây tội phạm băng ổ nhóm, tội phạm tham nhũng được triệt phá, nhân dân sẽ rất hoan hỉ, yên tâm, tin tưởng vào chính quyền.
Với vụ án hình sự xảy ra đối với nhóm của Đường Nhuệ, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các hành vi như: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cho vay nặng lãi, đe dọa giết người, vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu, đấu giá đất... Đồng thời sẽ xem xét xử lý đối với các cán bộ có liên quan trong việc giữ gìn an ninh trật tự và trong hoạt động giải quyết các đơn thư thiếu kiện, hoạt động đấu giá đất và các lĩnh vực khác mà các đối tượng này có liên quan với nguyên tắc sẽ không khoan nhượng, không có vùng cấm, cán bộ nào sai đến đâu phải xử lý theo pháp luật đến đó.
“Nội dung này cũng đã được lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng ở đây khẳng định. Cùng với sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an về việc làm rõ, xử lý nghiêm minh vụ án này thì hi vọng vụ việc này sẽ sớm được làm rõ để xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội của nhóm đối tượng này, vai trò của những cán bộ có liên quan và xử lý đúng người, đúng tội không oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm”, Luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường nhìn nhận, tội phạm về chức vụ và các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen đều có một cái chung là lợi ích kinh tế. Khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng, cán bộ thoái hoá đã dùng quyền lực để phục vụ cho các băng nhóm tội phạm thì sẽ có sự ăn chia lợi ích kinh tế thu được của các băng nhóm hoạt động tội phạm với những người có chức vụ.
“Đôi khi có thể những người có chức vụ sử dụng băng nhóm như một công cụ để thanh trừng, gây thanh thế và là công cụ để kiếm tiền. Còn các băng nhóm tội phạm lại sử dụng các mối quan hệ từ quan chức thoái hóa để có thêm sức mạnh, khi thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ được bao che, dung túng, nhiều người vì nể mối quan hệ mà không xử lý triệt để... Khi có sự cấu kết, cộng tác với nhau như vậy, xã hội sẽ trở nên mất ổn định, người dân sẽ hoang mang, lo lắng, côn đồ lộng hành công khai”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, khi địa phương thay người lãnh đạo, người có chức vụ, có tầm ảnh hưởng đối với nhóm đối tượng bị vô hiệu hóa quyền lực (do nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc bị xử lý), nhóm đối tượng này mới bị kiểm soát, khống chế và bị xoá sổ.
Các băng nhóm hoạt động xã hội đen sẽ rất khó có thể tồn tại được nếu như không có những cán bộ thoái hóa biến chất chống lưng, không có sự cấu kết với những thế lực có quyền lực trong xã hội.
Do đó, đấu tranh với loại tội phạm băng ổ nhóm muốn đạt hiệu quả phải tìm ra đối tượng chống lưng, tìm ra sự tiếp tay, giúp sức của người có chức vụ hoặc phải nhìn thấy sự yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định dù bất kể là ai.
Tâm Đức