Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: "Tiêu cực, tôi tuyệt nhiên không"

Google News

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử khẳng định ông và 2 cấp phó không liên quan tiêu cực sửa điểm tốt nghiệp THPT. Ông vô cùng sốc khi biết cấp dưới sửa điểm hơn 300 bài thi.

Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Trọng Lương để điều tra về hành vi nâng điểm cho hơn 300 bài thi tốt nghiệp THPT, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này - ông Vũ Văn Sử - chia sẻ riêng với Zing.vn xung quanh tiêu cực thi cử chấn động dư luận những ngày qua.
"Sốc" là từ được vị giám đốc sở còn hơn 2 tháng sẽ nghỉ hưu nhiều lần nhắc đến khi đề cập hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới.
"Chúng tôi không làm việc đó"
- Nhiều người cho rằng ông Vũ Trọng Lương không thể một mình nâng điểm cho hàng trăm bài thi. Ông có nghĩ lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang liên quan việc này?
- Ban giám đốc Sở GD&ĐT chúng tôi có 4 người. Tôi và 2 phó giám đốc nằm trong hội đồng, người còn lại có con dự thi nên không tham gia. Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy.
Tôi biết mình và hai phó giám đốc nên tôi mới nói là không. Nếu tôi liên quan tiêu cực, người đầu tiên nhận được sự tác động phải là con lái xe của giám đốc sở. Nhưng kết quả điểm các bài thi của cháu công bố lần một thế nào, chấm thẩm định y như thế.
Điểm của cháu ruột Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang tham gia lãnh đạo Hội đồng thi cũng không thay đổi gì qua công bố lần một và điểm chấm thẩm định của Hội đồng thẩm định Bộ GD&ĐT. Điểm của cháu thấp nhất là 2, cao nhất là 6. Nếu chủ ý tác động, cháu đó phải được ưu tiên số một.
Trong buổi họp báo chiều 17/7 tại Hà Giang, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này - cho biết không thể dung túng cho tiêu cực, phải mang đến cho các em công bằng, động lực để tiếp tục cố gắng học tập. 
Bây giờ giấu cũng không được, chỉ là nói ra thế nào khi cần. Hãy tin chúng tôi, chúng tôi không tham gia vào việc đó.
- Trong 2 tiếng ông Lương thực hiện việc sửa điểm, lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ, giám sát chấm thi đã ở đâu?
- Vũ Trọng Lương lấy chìa khóa do Trưởng ban thư ký đưa, đem bài chấm thi trắc nghiệm đã chấm xong cùng máy xử lý bài thi trắc nghiệm từ trường THPT chuyên Hà Giang về Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng của sở.
Về nguyên tắc, ông Lương không có chìa khóa. Vào giờ nghỉ buổi trưa, một mình ông Lương đến khu vực chấm thi nói với lực lượng công an rằng ông là thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, chấm xong ông mang về để ngày hôm sau đi Hà Nội. Lực lượng bảo vệ xin ý kiến tổ trưởng phụ trách rồi cho ông ấy làm. Chính lực lượng chức năng cũng không nắm rõ.
Đem về phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Hà Giang, ông Lương làm việc bất minh trong thời điểm mọi người nghỉ trưa ăn cơm, lúc đó không có lực lượng nào ở phòng.
Còn nơi xử lý bài thi trắc nghiệm có đủ thành phần theo quy định gồm Thanh tra được Bộ GD&ĐT ủy quyền, Thanh tra Sở GD&ĐT, công an, giám sát của Học viên Ngân hàng (đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi - PV)…
Lực lượng đủ, thành phần đúng nhưng không phải ai cũng nắm được chuyên môn. Thêm vào đó, khi người ta cố tình, dù biết vi phạm, lại là người trong cuộc, thì rất khó phát hiện ngay.
- Cảm xúc của ông khi biết cán bộ cấp dưới Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho hơn 300 bài thi tốt nghiệp?
- Lẫn lộn lắm. Nếu dùng một từ sốc thì không diễn đạt hết được. Cảm xúc còn trên cả sốc. 60 năm cuộc đời, gần 40 năm lăn lộn với giáo dục vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang, có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi có cảm xúc như vậy.
- Ông khẳng định không liên quan tiêu cực? Với trách nhiệm người đứng đầu, ông đã làm gì khi phát hiện ông Lương sửa điểm?
- 16h50 ngày 7/7, tôi chủ trì họp với trưởng ban chấm thi, đoàn thanh tra và ban thư ký để nắm tình hình tiến độ công việc tại nơi chấm thi. Nhiệm vụ chấm thi, thanh tra do 2 phó giám đốc sở trực tiếp chỉ đạo.
Khi phát hiện sự việc qua camera an ninh, chúng tôi đã gọi điện, tìm kiếm Lương nhưng không được. Suốt đêm hôm đó cho đến sáng 8/7, chúng tôi truy tìm anh ta để thu hồi máy tính, bài thi, làm biên bản sự việc, họp các thành phần để giải quyết công việc.
Khi Bộ GD&ĐT vào cuộc, chúng tôi quyết tâm phối hợp làm việc không kể ngày đêm để trước 23h ngày 17/7 hoàn thiện thông báo điểm, quyết định công nhận tốt nghiệp sơ bộ, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc và đầy đủ rằng khi vụ việc xảy ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo quy định. Không lúc nào tôi phủ nhận trách nhiệm này.
Muốn cơ quan công an xử lý không có vùng cấm
- Ông Vũ Trọng Lương là người như thế nào?
- Lương sinh ra trong gia đình có 6 chị em. Một mình Lương là con trai. Chị em đều là giáo viên, bác sĩ. Chỉ có một người làm nghề tự do. Bố mẹ Lương là cán bộ nghỉ hưu, vợ là giáo viên trường THPT.
Lương ít nói, trầm tính, không phát ngôn bừa bãi, không vi phạm kỷ luật. Anh ta không có bất kỳ điều gì bất thường.
- Theo ông, động cơ ông Vũ Trọng Lương gây ra việc này là gì? Liệu có phải vì nợ nần?
- Tôi chưa nghe thông tin nào nói Lương nợ nần, Lương không trình hồ sơ vay ngân hàng.
- Tiêu cực vừa xảy ra đã gây chấn động dư luận, tạo sự hồ nghi về công bằng, khách quan trong thi cử. Ông nghĩ sao?
- Ảnh hưởng rõ ràng là không nhỏ, đặc biệt là ở góc độ niềm tin. Bộ GD&ĐT, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và chúng tôi - những người trong cuộc - rất quyết tâm làm rõ việc này.
Hãy tin chúng tôi. Là nhà quản lý, chúng tôi rất muốn công bằng, khách quan và đổi mới. Chỗ nào tiêu cực phải đấu tranh làm sáng tỏ để tạo ra khí thế, niềm tin. Không thể đổi mới và làm việc hiệu quả khi niềm tin bị mất hoặc lung lay.
Chúng tôi rất mong muốn cơ quan điều tra làm việc khách quan, tìm ra đúng người, xử lý đúng tội, không có vùng cấm.
- Có ý kiến nói rằng quy trình chấm thi chặt chẽ, nếu làm đúng sẽ vô hiệu hóa được tiêu cực? Theo ông, quy trình hay yếu tố con người là nguyên nhân chính gây ra vụ sửa điểm?
- Mọi việc đang được điều tra, làm rõ. Theo cá nhân tôi, nói làm đúng quy trình sẽ vô hiệu hóa tiêu cực là chưa sâu, chưa đầy đủ, thậm chí chưa đúng. Quy trình chặt chẽ là một chuyện, con người thực thi quy trình đấy mới là điều quyết định. Tôi mong muốn mọi người khi nhận định, đánh giá... về sự việc phải hết sức bình tĩnh, cân nhắc, thận trọng.
Khi con người trực tiếp thực hiện bị thoái hóa mà chúng ta chưa phát hiện ra thì quy trình chặt chẽ đến đâu cũng vẫn nảy sinh vấn đề mà chúng ta không mong muốn.
Xin cám ơn ông!
Theo Bá Chiêm/Zing