Hàng xóm nói về “ông trùm” Alibaba: Quên quá khứ cơ cực, mở miệng là nói tiền tỷ

Google News

“Những lần về thăm nhà, anh em Luyện như đã quên đi những tháng ngày cơ cực, thường ăn mặc rất thời trang, tự xưng là những ông chủ lớn, nói năng toàn tỷ nọ, tỷ kia và luôn đề cao bản thân lên trên hết nên nhiều hàng xóm không ưng”, trưởng thôn cho biết.  

“Hàng xóm không ưng”
Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (TGĐ Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (cùng làm cho Alibaba) là 3 anh em sinh ra và lớn lên ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi biết tin công an bắt giam Luyện và Lĩnh để điều tra làm rõ các dấu hiệu sai phạm lập khống trên 40 dự án bất động sản, lừa hơn 2.500 tỷ đồng của 6.700 nạn nhân, hàng xóm của “ông trùm” đã có nhiều nhận định.
Ông Bùi Đặng Trường Chinh (thôn trưởng thôn 1, xã Tân Sơn, TP Pleiku) kể: “Anh em Luyện, Lĩnh và Lực sinh ra, lớn lên và học tập ở thôn 1. Do làm nông nghiệp quá khó khăn nên Luyện đã đưa cả gia đình đi làm ăn xa nhiều năm nay. Thế nhưng những lần về thăm nhà, anh em Luyện như đã quên đi những tháng ngày cơ cực, thường ăn mặc rất thời trang, tự xưng là những ông chủ lớn, nói năng toàn tỷ nọ, tỷ kia và luôn đề cao bản thân lên trên hết nên nhiều hàng xóm không ưng”.
Hang xom noi ve “ong trum” Alibaba: Quen qua khu co cuc, mo mieng la noi tien ty
 
Theo giáo vụ Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Luyện từng học tại trường từ năm 2000 – 2003, học lực các năm loại khá.
Theo lãnh đạo xã Tân Sơn, khoảng năm 1977, cha mẹ Luyện từ Bình Định lên làm ăn tại thôn. Học xong phổ thông, anh em Luyện xuống TP HCM học và làm môi giới đất đai, buôn bán bất động sản, nhưng vẫn để hộ khẩu thường trú ở số nhà 66, đường Đào Duy Từ, thuộc thôn 1.
Trước đây, ngoài làm nông nghiệp, cha Luyện còn nhận làm bảo vệ Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu đối diện nhà. Đến năm năm 2016, cả nhà được Luyện đưa xuống TP HCM sinh sống. “Khi còn ở đây, gia đình Luyện làm nông nghiệp vất vả như những hộ khác. Cha mẹ Luyện luôn sống hòa thuận, chưa phát hiện thấy ai có hành vi vi phạm pháp luật”, trưởng thôn cho hay.
Một hàng xóm gần nhà 66 chia sẻ: Năm 2017, nhất là từ tháng 6/2019 đến nay, sau khi báo đài phản ánh việc cơ quan chức năng thi hành cưỡng chế dự án “ma” của Alibaba tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì đã có nhiều người lạ đến đây quan sát nhà số 66, hỏi dò chuyện nhà cửa, nương rẫy, các mối quan hệ, tình hình những ai đến nhà Luyện giao lưu, kiện cáo, đòi nợ...
Tuy nhiên, trưởng thôn cho hay chưa thấy ai đến thôn 1 hoặc xã Tân Sơn trình báo việc gian dối, lừa đảo của Công ty CP địa ốc Alibaba. Lâu nay nhà Luyện được một người mượn để ở, chăm sóc vườn tược và làm nơi bán bánh mì, tạp hóa.
Triệu tập lãnh đạo 20 công ty con
Về diễn biến điều tra vụ việc, hôm qua (24/9), lãnh đạo 20 công ty con của Alibaba từng tham gia thu mua đất nông nghiệp, quảng cáo bán dự án “ma”... bị Công an TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận triệu tập.
Theo điều tra, Luyện chỉ đạo Lĩnh điều hành toàn bộ hoạt động của công ty. DN này được thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ một tỷ đồng với 3 cổ đông là Luyện (80%), Lĩnh (10%) và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, 10%). Nhưng từ tháng 5/2016 đến tháng 9/2017, Alibaba đã nâng số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ. Luyện và người thân thành lập rất nhiều công ty con để ký hợp đồng mua đất nông nghiệp, sau đó tự “vẽ” các dự án khu dân cư, phân lô bán nền rồi quảng cáo rầm rộ.
Ít nhất 6 công ty được thành lập từ giữa đến cuối năm 2018 với vốn điều lệ 20 tỷ. Cổ đông sáng lập đều là cá nhân, dao động 3-7 người. Trong đó, Lực luôn nắm 75% cổ phần. Các DN này là pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng. Trong khi đó, hợp đồng quyền chọn nhận đất nền hoặc lãi suất sẽ ký với Alibaba.
Ngoài các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Alibaba còn thành lập hàng chục DN khác tư vấn đầu tư, xây dựng, quảng cáo, vận tải và bán lẻ hàng may mặc. Các DN này chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty TNHH Một thành viên, vốn dưới 5 tỷ, đặt trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Trước khi Công an TP HCM điều tra, trên trang điện tử Alibaba xưng là tập đoàn địa ốc, giới thiệu có vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng, 48 dự án đã và đang phát triển với hơn 2.500 nhân viên...
Cảnh sát bước đầu xác định có hơn 6.700 người giao dịch tại 40 dự án “ma” của Alibaba với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Luyện bị cho là giữ vai trò cầm đầu, chỉ đạo Lĩnh thu gom lượng lớn đất nông nghiệp rồi dùng pháp nhân Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án “ma”, quảng cáo rầm rộ, phân lô bán trái luật, huy động vốn của hàng nghìn người.
Đồng loạt khám xét trụ sở chính Alibaba và các công ty con ngày 18 và 19/9, cảnh sát thu giữ gần 400 thùng tài liệu, hơn 9 tỷ đồng, hơn 250 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng, 3 ôtô, 40 “sổ đỏ” và nhiều tài liệu khác...
Hiện Lĩnh bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015, Luyện bị tạm giữ hình sự.
Theo Hoàng Cư - Bình Nguyễn/ Pháp Luật Việt Nam