Học sinh chui túi nilon qua suối: “Do không còn cách nào khác“

Google News

(Kiến Thức) - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) - Đinh Khắc Nghĩa cho biết, việc các em học sinh ở Na Sang phải chui túi nilon qua suối dù không thể nói rằng an toàn hay không an toàn, nhưng do không còn cách nào khác.

Liên quan đến việc học sinh ở bản Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) phải chui vào túi nilon để qua suối để đến trường.
Trả lời PV Kiến Thức chiều ngày 5/9, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) - Đinh Khắc Nghĩa cho biết, do không còn cách nào khác.
“Trước khi lũ về, người dân bắc một cây cầu tạm để học sinh và người dân qua suối nhưng nước lũ đã cuốn trôi cầu tạm. Để có thể đi lại, người dân sử dụng bè kết bằng tre dùng dây thừng để qua suối nhưng hôm trước lũ lớn bè cũng bị cuốn.
Do vậy, việc học sinh phải qua suối bằng túi nilon là bất đắc dĩ vì không còn cách nào khác”, ông Đinh Khắc Nghĩa cho hay.
Hoc sinh chui tui nilon qua suoi:
 Cảnh học sinh qua suối bằng cách chui túi nilon.
“Việc học sinh chui vào túi nilon và nhờ người lớn đưa qua suối cũng không thể cho rằng có an toàn hay không an toàn, nhưng không còn cách nào khác nên buộc người dân phải làm như thế”, ông Nghĩa nói.
Theo lời vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, không phải tất cả các học sinh bản Huổi Hạ phải qua suối bằng túi nilon.
“Các học sinh mầm non, lớp tiểu học đều học ngay tại bản nên không phải qua suối. Chỉ có những học sinh trung học cơ sở bán trú phải về trung tâm xã học nên phải qua con suối này để đến trường”, ông Đinh Khắc Nghĩa nói.
Trước đó, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Vàng A Pó - chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết, hiện không thể xây dựng cầu treo do không có đường chuyển nguyên vật liệu lên bản Huổi Hạ.
“Đường lên bản Huổi Hạ cách trung tâm xã 16 km và dốc ngược đứng và không thể di chuyển bằng phương tiện xe cơ giới để đưa nguyên vật liệu nên làm cầu treo. Hiện nay, UBND huyện đã khảo sát để làm đường và dự kiến đến mùa khô sẽ triển khai nhưng không biết có kinh phí để triển khai hay không”, ông Vàng A Pó cho biết.
Chủ tịch xã Na Sang cho hay, bản Huổi Hạ là bản biên giới, nằm cách xa trung tâm xã, hiện cả bản có 75 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu. Không chỉ phải lội suối mà đời sống người dân trong bản rất khó khăn khi không có điện, không có đường và không có trạm y tế.
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc trên, một lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và huyện Mường Chà kiểm tra và báo cáo.
Hải Ninh