Không đưa ra xét xử trực tuyến những vụ án hình sự phức tạp

Google News

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó quyết định không đưa ra xét xử trực tuyến với những vụ án hình sự phức tạp.

Chiều 12/11,  Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó quyết định không đưa ra xét xử trực tuyến với những vụ án hình sự phức tạp. Nghị quyết được 468/475 đại biểu tán thành (chiếm 93,79% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia), Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Khong dua ra xet xu truc tuyen nhung vu an hinh su phuc tap
Phiên họp ngày 12/11. 
Nghị quyết nêu rõ: Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước.
Theo nội dung Nghị quyết, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Về tổ chức thực hiện, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hằng năm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trước đó, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định tổ chức thí điểm trong hoạt động xét xử; giao TANDTC có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này với Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm. Khi điều kiện chín muồi, sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng và đưa nội dung về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào luật.
Nghị quyết quy định phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến chỉ đối với vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng là đã có sự cân nhắc thận trọng. Có những vụ án hình sự tuy thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng tình tiết, tính chất vụ án lại phức tạp thì cũng không đưa ra xét xử trực tuyến. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra xét xử trực tuyến theo đúng phạm vi của dự thảo Nghị quyết. Mặt khác, để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Nghị quyết đã quy định các trường hợp không tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Nguồn: VOV

Hiểu Lam