Vừa qua, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận được đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Theo đó các giảng viên xin nghỉ do không đồng ý với những kết luận của nhà trường trong nội dung phản ánh của họ đối với trưởng khoa Hàn Quốc học là TS Nguyễn Thị Phương Mai.
Ban đầu,12 giảng viên viết đơn xin nghỉ việc tập thể, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường cho rằng việc viết đơn tập thể này không đúng quy định nên yêu cầu từng cá nhân làm đơn riêng lẻ để giải quyết. Sau đó, 1 giảng viên đã xin rút và nhận công tác tại một khoa khác, còn 11 giảng viên nộp đơn xin nghỉ.
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xác nhận sự việc trên với báo chí.
“Theo quy định của pháp luật, các giảng viên này được quyền đơn phương nghỉ việc. Do đó, nhà trường đã giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức tự ý, đơn phương nghỉ việc" - bà Lan cho hay.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên được Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết là do nội bộ khoa Hàn Quốc học có nhiều bất đồng.
|
Lùm xùm việc 12 giảng viên gửi đơn nghỉ việc vì bất đồng với trưởng khoa tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. |
Ban giám hiệu nhà trường đã gặp ban chủ nhiệm khoa để trao đổi về công tác quản lý đồng thời nhắc nhở trưởng khoa rút kinh nghiệm trong cách ứng xử với các giảng viên. Mặt khác, trường cũng gặp mặt tất cả giảng viên của khoa để tìm hiểu thêm thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng.
Cụ thể, nhiều giảng viên của khoa Hàn Quốc học phản ánh việc khoa đưa ra nhiều quy định như đi họp muộn 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ... Về vấn đề này trưởng khoa đã giải thích là giúp mọi người có trách nhiệm hơn, chỉ mang tính chất nhắc nhở và trên thực tế, chưa có giảng viên nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ chỉ với lý do đi họp không đầy đủ.
Vào tháng 10/2020, nhóm giảng viên khoa Hàn Quốc học đã phản ánh nhiều vấn đề về việc quản lý của trưởng khoa. Trường đã yêu cầu các giảng viên này làm văn bản kiến nghị cụ thể, từng vấn đề để trường xác minh và xử lý. Sau đó, ngày 21/10, trường nhận được văn bản của Thanh tra Chính phủ, chuyển đơn phản ánh của các giảng viên trên đối với trưởng khoa Hàn Quốc học và Nhà trường đã tiến hành xác minh.
Khi có kết quả, trường đã gửi cho Thanh tra Chính phủ, ĐH Quốc gia TP.HCM và 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Kết quả xác minh chỉ rõ 11 vấn đề mà các giảng viên này phản ánh không đúng sự thật. Trong đó, thông tin bổ nhiệm trưởng khoa Hàn Quốc học không đúng chuẩn là không có cơ sở, nhà trường không làm trái quy định của pháp luật.
Bà Lan cho hay, ban giám hiệu đã ghi nhận ý kiến của giảng viên, những điểm chưa hợp lý đã yêu cầu trưởng khoa rút kinh nghiệm, thống nhất cùng cho thời gian để khoa thay đổi. Tuy nhiên sau đó, trường nhận được đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học với lý do không đồng ý với kết luận xác minh của nhà trường.
Với 11 giảng viên đã nộp đơn riêng lẻ xin nghỉ, nhà trường có văn bản thông báo, nếu không có ý kiến gì khác, trường sẽ có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc theo hình thức đơn phương kết thúc hợp đồng lao động.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn TP.HCM thừa nhận việc 11 giảng viên của 1 khoa xin nghỉ là sự việc không như mong muốn nhưng nhà trường tôn trọng nguyện vọng của họ và đã giải quyết theo yêu cầu cá nhân, đúng quy định pháp luật.
Không nên cứng nhắc
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, sự nghiệp giáo dục là một trong những sự nghiệp luôn được coi trọng từ xưa đến nay và cả tương lai sau này. Trong thời đại kinh tế phát triển, giao lưu và mở rộng quan hệ với nước ngoài thì giáo dục cũng tích cực phát triển sao cho phù hợp.
Đối với sự việc 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học đồng loạt gửi đơn xin nghỉ việc với lý do không tín nhiệm trưởng khoa mới bổ nhiệm, xét về góc độ pháp lý thì các giảng viên có quyền kiến nghị những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nhà trường có trách nhiệm giải quyết, tiến hành xác minh làm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động (giảng viên của trường) và cũng là để thực thi pháp luật, nội quy, quy chế của nhà trường một cách đúng luật.
|
Luật sư Hoàng Tùng |
Theo luật sư Tùng, việc bổ nhiệm trưởng khoa này lại gặp nhiều vướng mắc và nhận sự phản đối của chính các thành viên trong khoa (các giảng viên của khoa), điều này Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cần phải xem xét lại công tác quản lý và sinh hoạt của đơn vị mình. 12 giảng viên đồng loạt xin nghỉ, có đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ có thể nói đây là trường hợp hiếm gặp trong sự nghiệp giáo dục, điều này khiến cho người dân bất an về các công tác quản lý giáo dục trong trường.
Vì vậy, nhà trường cần nghiêm túc xem xét những nội dung kiến nghị để làm rõ các vấn đề còn tồn đọng. Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ là đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, đúng quy định mà còn là vì sự hoạt động có hiệu quả, phát triển của khoa Hàn Quốc học nói riêng và trường nói chung.
Các cơ quan có liên quan cũng cần xem xét đến việc tiến hành thanh tra làm rõ các kiến nghị, những nội dung được cho rằng là sai phạm trong quá trình bổ nhiệm và thực hiện các công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
"Giáo dục cần phải được công khai, minh bạch thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao. Không những vậy, cũng cần phải hiểu rằng, giáo dục không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, trong các ngành mà còn là dạy cách làm người, làm việc sao cho hiệu quả, cần phải mềm dẻo, có tình có lý không thể cứng nhắc" - luật sư Tùng nêu quan điểm.
Nói về việc chấm dứt hợp đồng, luật sư Tùng cho rằng: "Giảng viên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và trường sẽ giải quyết đơn xin nghỉ việc của các giảng viên đúng quy định".
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Sinh viên thuê trọ giá rẻ trong các biệt thự