Lý do Vĩnh Phúc phải chôn tạm hàng trăm tấn rác mỗi ngày

Google News

Hơn một thập kỷ qua, tỉnh Vĩnh Phúc đang tìm cách gỡ rối bài toán xử lý rác thải sinh hoạt, hàng trăm tấn rác mỗi ngày phải chôn tạm hoặc đốt thủ công...

Những buổi đối thoại bất thành

Ngày 22/2/2022, lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Ngọc Mỹ về việc triển khai đầu tư nhà máy xử lý rác. Suốt nhiều giờ đồng hồ đối thoại với các lý giải về độ an toàn khi xây nhà máy xử lý rác được đưa ra, kết quả buổi làm việc bất thành. 

Người dân tại xã Ngọc Mỹ đều không chấp nhận chủ trương xây nhà máy rác, yêu cầu duy nhất của họ là "không được đặt nhà máy rác tại xã vì lo ô nhiễm môi trường". 

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Vĩnh Phúc thất bại trong việc thuyết phục người dân xây nhà máy xử lý rác. Năm 2018, chính quyền huyện Vĩnh Tường đau đầu khi vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân xã Lũng Hòa về việc xây nhà máy xử lý rác. 

Ly do Vinh Phuc phai chon tam hang tram tan rac moi ngay

Hàng nghìn tấn rác của TP Vĩnh Yên đang chôn tạm tại khu vực núi Bông

"Chúng tôi vận động, thuyết phục, thậm chí đưa cả đoàn đi tham quan mô hình xử lý rác để người dân yên tâm nhưng kết quả đến nay vẫn chưa thể thực hiện được", Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Nguyễn Thành Trung nói với VietNamNet. 

Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh, mỗi ngày Vĩnh Phúc phát sinh gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt. Con số này ở khu vực nông thôn khoảng 750 tấn và khoản 350 tấn ở khu vực đô thị. Ở hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên, việc xử lý rác hiện nay vẫn dừng lại ở việc chôn tạm tại các vị trí gần thành phố. Sau nhiều năm, số rác chôn lấp của hai thành phố này lên đến hàng trăm nghìn tấn. 

Ở khu vực nông thôn, hiện nay phương pháp xử lý rác chủ yếu là đốt và chôn lấp. Các biện pháp này theo Sở TN&MT là "gây ô nhiễm môi trường". 

Trong hai thập kỉ qua, Vĩnh Phúc chuyển mình mạnh mẽ vươn lên trở thành một cực tăng trưởng lớn khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải đang khiến chính quyền tỉnh đau đầu xử lý. 

"Không đánh đổi môi trường để xây nhà máy xử lý rác"

Trưởng phòng Quản lý Môi trường Nguyễn Bá Hiến nêu thực trạng, rằng "người dân ai cũng muốn sống trong môi trường sạch sẽ, rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại nhưng đa phần đều phản đối khi biết tin nhà máy đặt tại xã mình". 

Theo ông Hiến, trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác theo cụm (hai huyện một nhà máy). Tuy nhiên, nhiều người dân phản đối, cho rằng "sao rác huyện bên cạnh lại xả sang huyện tôi". Từ đó, chủ trương mới của Vĩnh Phúc hiện nay là mỗi huyện tự chủ trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. 

"Hiện nay chỉ có nhà máy ở huyện Tam Dương và mới đây nhất là huyện Yên Lạc hoạt động có hiệu quả. Các huyện, thành phố còn lại đều thất bại trong việc thuyết phục người dân xây nhà máy", ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, trong các buổi đối thoại, chính quyền cam kết nhiều tiêu chí để thuyết phục người dân. Cụ thể, tỉnh ban hành bộ tiêu chí để áp dụng về năng lực nhà đầu tư, công nghệ, xử lý tro xỉ, nước thải...

Ly do Vinh Phuc phai chon tam hang tram tan rac moi ngay-Hinh-2

Rác thải đô thị đang là vấn đề khiến Vĩnh Phúc đau đầu tìm cách tháo gỡ

Với công nghệ xử lý, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phải đốt sạch toàn bộ, không chọn phương án chôn lấp. Khí đốt và tro xỉ sau đốt phải được hóa rắn để tái chế thành vật liệu xây dựng. Về phần nước thải, bộ tiêu chí yêu cầu không được xả ra môi trường mà dùng chính nước này để tuần hoàn, phục vụ việc vận hành nhà máy. Ngoài ra, các nhà máy đều phải có vành đai cây xanh, vị trí đường đi không chung với đường dân sinh và khoảng cách xa với khu dân cư. 

"So với tiêu chí chung của Bộ TN&MT thì tỉnh Vĩnh Phúc còn siết chặt hơn các tiêu chí đó. Điều này để nói rằng, tỉnh lấy sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường để xây nhà máy xử lý rác", ông Hiến nói. 

Liên quan đến việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, cuối năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, dự báo đến năm 2025 khối lượng phát sinh khoảng 980 tấn/ngày, áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với những vùng trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp, vùng lõi nằm trong quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

Trong giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thực hiện thu gom triệt để và từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hình thành hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, làm cơ sở cho việc xã hội hóa toàn bộ hoạt động này trong giai đoạn 2025-2030. 

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác là ưu tiên của Vĩnh Phúc nhằm xử lý dứt điểm bài toán rác thải sinh hoạt. Khi việc xây dựng thành công, chính quyền tỉnh lên phương án nhằm phục hồi các bãi rác hiện tại để đảm bảo vệ sinh môi trường. 

 

Theo Đoàn Bổng/Vietnamnet