Premier League, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh hàng năm luôn có sức hấp dẫn với người hâm mộ bóng đá trên thế giới và tại Việt Nam. Premier League luôn mang những giá trị thương mại lớn hơn các giải như La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức). Bởi thế, giải đấu này luôn được các tập đoàn, công ty kinh doanh bản quyền quốc tế đẩy giá lên cao, những đài truyền hình trên toàn thế giới muốn phát các trận đấu tại giải này đều phải bỏ ra một số tiền bản quyền “kếch xù”.
Hiện nay, Premier League đã chính thức mở cuộc đấu thầu giành quyền phát sóng trực tiếp hình ảnh, âm thanh về giải Ngoại hạng Anh. Do các quy định trong quá trình đấu thầu nên hầu như các đài truyền hình nhỏ thường thua ở vòng đấu thầu đầu tiên và chọn giải pháp mua lại từ những đại diện thắng thầu ở vòng trước, do đó mức giá bản quyền sẽ bị đội lên rất cao.
Tại Việt Nam, do sức hút của giải bóng đá Ngoại hạng Anh khá lớn nên các đơn vị truyền hình đã không ngần ngại khi bỏ ra số tiền “khủng” để giành được bản quyền phát sóng.
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia đàm phán bản quyền truyền hình giải thích: “Ban tổ chức Ngoại hạng Anh mở thầu cho thị trường Việt Nam, gồm nhiều tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bản quyền truyền hình trên thế giới chứ không chỉ các nhà đài Việt Nam. Các tập đoàn này mới là người nắm cuộc chơi vì họ có tiềm lực và họ không chỉ tham gia đấu thầu thị trường Việt Nam mà còn nhiều thị trường khác nên có tiếng nói với ban tổ chức. Vì thế, trong cuộc đấu với những tập đoàn này, các nhà đài Việt Nam không thể cạnh tranh về uy tín, tài chính và kinh nghiệm.” Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu muốn giành được bản quyền phát sóng, các đài Việt Nam sẽ phải móc hầu bao, bỏ ra số tiền lớn. Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu rõ trong 9 năm gần đây giá bán lại bản quyền ngoại hạng Anh tại Việt Nam tăng theo cấp số nhân qua mỗi mùa đấu giá. Điển hình như ba mùa giải 2010-2013, chỉ riêng ba đơn vị thuộc VTV (công ty VSVT, gọi tắt là K+; VTVCab; SCTV) đã bỏ ra hơn 13 triệu USD. Và ba mùa giải sau đó, chỉ riêng 3 đơn vị thuộc VTV đã bỏ ra khoảng 38 triệu USD cho bản quyền ngoại hạng Anh, gấp 3 lần so với 3 mùa giải trước.
|
Cuộc đua giành quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh luôn tốn kém. |
Nhiều người hâm mộ dù yêu bóng đá, muốn theo dõi tất cả các trận đấu thuộc Premier League cũng giật mình khi cho rằng đó là sự lãng phí không cần thiết, hay nói thẳng, chỉ vì một sự giải trí, chúng ta đã phải bỏ ra những số tiền lớn để theo đuổi một cuộc đua không bao giờ có hồi kết.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã phải có công văn gửi các đài truyền hình, trong đó nêu rõ “Không mua bản quyền bằng mọi giá, không chấp nhận mua độc quyền để tránh bị ép giá; đồng thời chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá bản quyền lên cao”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cho biết: “ Bộ TT&TT đã ký công văn gửi các đài truyền hình, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền về vấn đề bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh.Qua đó yêu cầu thống nhất không mua bản quyền bằng mọi giá, không chấp nhận mua độc quyền để tránh bị ép giá; đồng thời chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá bản quyền lên cao làm thất thoát ngoại tệ và gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người xem truyền hình”.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua các đài truyền hình và nhà cung cấp dịch vụ đổ quá nhiều tiền vào việc tranh giành bản quyền (trong đó chủ yếu nhằm tới việc giành độc quyền 1 phần của giải đấu này).Việc này vừa làm tăng gánh nặng lên nhà đài, nhà mạng, vừa làm tăng gánh nặng lên phí thuê bao mà người tiêu dùng phải trả, vừa làm lãng phí tổng nguồn lực xã hội, trong khi lẽ ra nguồn lực này cần được tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng cũng như đầu tư phát triển nội dung chương trình sản xuất trong nước.
Việc một nhà cung cấp dịch vụ lớn bằng mọi giá nắm lấy độc quyền giải đấu này cũng sẽ là rào cản lớn cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, thiếu lành mạnh. Các đài truyền hình và các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã không liên kết với nhau để tham gia đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh và cũng không hợp tác cùng nhau để đàm phán mua bản quyền với các đơn vị trung gian.“Nhìn từ khía cạnh kinh tế, các đài truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã lãng phí nguồn lực rất lớn khi không thể hợp tác với nhau”.
Sự lãng phí thì đã quá rõ ràng không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, nếu không cẩn thận, nhiều đài truyền hình của Việt Nam sẽ bị những công ty bán bản quyền lừa bịp.
Trao đổi với PV Kiến Thức, BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận: “Các công ty bán bản quyền, chúng rất tinh quái. Họ sử dụng chiêu thức mời càng nhiều công ty, đơn vị mua thì hưởng phần trăm càng cao. Bản thân tôi cũng là một trong những người được mời. Bản thân các nhà đài tại Việt Nam lại không đoàn kết với nhau nên nếu không cẩn thận sẽ có rất nhiều người mắc bẫy”.
Rõ ràng cuộc đua bản quyền phát sóng ngoại hạng Anh là một cuộc đua tốn kém, nhiều cạm bẫy mà chỉ mang lại duy nhất là sự giải trí.
Hải Ninh - Vũ Thủy