Người đi bộ kẹt giữa dòng xe dưới các cao ốc ở TP HCM

Google News

Các chung cư mọc lên như nấm ở TP.HCM khiến một số con đường vốn đã đông nay càng chật chội, đến người đi bộ cũng phải nhích từng bước chân.

Nguoi di bo ket giua dong xe duoi cac cao oc o TP HCM

Anh Huy (27 tuổi, ngụ ở đường Phan Tây Hồ, quận Phú Nhuận) mỗi sáng đi hơn 4 km đến nơi làm việc tại một tòa nhà trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình). Chiều về, anh đi hướng khác chỉ khoảng 3 km, nhưng mất thêm 10-15 phút so với lúc di chuyển đoạn đường buổi sáng.

Kẹt xe trên đường Phổ Quang khiến tôi tốn thời gian để di chuyển dù quãng đường không dài”, Huy chia sẻ.

Kẹt xe cũng thường xảy ra tương tự ở các khu vực có nhiều chung cư cao tầng như đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn qua cầu Kênh Tẻ nối quận 4 và 7), Bến Vân Đồn (quận 4), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức)...

 

Kẹt xe quanh cao ốc tại TP.HCM Các chung cư mọc lên san sát tại một số tuyến đường ở TP.HCM khiến giao thông quá tải. Người dân hàng ngày khi đi qua các tuyến đường này phải chịu tình trạng kẹt xe.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến năm 2022, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất đô thị tại TP.HCM là 12,76%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm. Còn tốc độ tăng phương tiện giao thông đang cao hơn 3 lần hạ tầng. Trung bình mỗi ngày có 127 ôtô và 638 xe máy đăng ký mới. Đến nay, TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông. Vì thế, cảnh ngày càng kẹt xe là khó tránh khỏi.
Người đi bộ cũng mệt mỏi

Kẹt xe giờ tan tầm trên đường Phổ Quang diễn ra từ 17h30 đến 18h30, kéo dài hơn vào những ngày mưa.

17h45 ngày giữa tháng 5, trong dòng xe đông đúc nối đuôi nhau trên tuyến đường này, anh Ngọc Đức (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đứng im, nép người vào góc đường. Thay vì đi bộ sang đường khoảng 200 m là tới trạm buýt để đón xe về, anh quyết định chờ thêm 20 phút.

Lý do Đức không vội về là anh khó qua đường khi phải len lỏi trước đầu xe máy, ôtô san sát nhau trong lúc chập choạng tối, trên vỉa hè cũng có nhiều xe đang leo lề.

“Có khi xe buýt đến trạm thì không dừng vì trên xe đông quá và không thể ghé vào sát lề đường. Tôi sẵn sàng chờ thưa người rồi về cũng chưa muộn”, anh Đức nói.

Đường Phổ Quang nằm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi ngày, vào giờ cao điểm, tuyến đường 2 chiều rộng hơn 8 m, dài hơn 1 km lại chật kín xe cộ.

Hơn 5 năm nay, con đường càng trở nên chật hẹp do không được mở rộng, trong khi xung quanh mọc lên hàng loạt cao ốc, chung cư với hàng nghìn căn hộ, văn phòng… Ngoài dòng phương tiện từ các nơi khác lưu thông mỗi ngày, nơi đây còn "vướng" thêm xe và người rẽ ra vào các tòa nhà.

Nguoi di bo ket giua dong xe duoi cac cao oc o TP HCM-Hinh-2

Đường Phổ Quang lúc 18h. Ảnh: Ý Linh.

Trên cùng con đường, bà Ngọc buôn bán nhiều năm đã quá quen với hình ảnh kẹt xe mỗi sáng và chiều. Bà cho biết người đi bộ, đi xe buýt những lúc cao điểm cũng “bó chân”, vì xe máy leo lề kín vỉa hè. Xe cộ đông, việc buôn bán của tiểu thương này cũng bị ảnh hưởng.

7h20, xe bánh mì của ông Hải (chủ quán kinh doanh) trên đường Nguyễn Hữu Thọ phải dọn hàng trong khi vẫn còn nhiều rau, thịt, bánh mì. Từ sáng sớm dòng xe đã kẹt đoạn dài, ít ai ghé mua nên hàng chưa bán được bao nhiêu. Ông Hải vội đem số bánh còn lại qua một người quen buôn bán ở quận 4 để tránh hàng tồn.

“Sáng sớm đã khói bụi, kẹt xe. Người ta tranh thủ lái xe chứ ai còn lo mua đồ ăn, chỉ cần đứng lại mua hàng là còi phía sau đã inh ỏi”, ông Hải nói.

Thay đổi giờ làm để tránh kẹt xe

Công ty của anh Huy tan làm vào 18h. Để về quận Phú Nhuận giờ đó, Huy sẽ bị kẹt ở đoạn đường Phổ Quang hướng về phía đường Hoàng Minh Giám. Nếu đi hướng công viên Hoàng Văn Thụ, anh cũng phải nhích từng chút ở cửa ngõ sân bay.

Do đó, chàng trai này chọn cách nán lại chỗ làm, đi bộ xung quanh để tìm quán ăn tối, đợi vãn xe cộ sẽ về nhà.

Tương tự, chị Linh Khánh (quận 7) hàng ngày phải đi qua đường Nguyễn Hữu Thọ để tới công ty ở quận 3. Những hôm có lịch họp lúc 8h, chị Khánh phải đi sớm 2 giờ để tránh cảnh ùn tắc.

Nguoi di bo ket giua dong xe duoi cac cao oc o TP HCM-Hinh-3

Dòng xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đang đổ về trung tâm thành phố lúc hơn 7h sáng 17/5. Ảnh: Anh Nhàn.

“Tôi có thể đi từ 7h30 để tới công ty họp lúc 8h với điều kiện không kẹt xe. Còn tình hình giao thông như hiện nay tôi phải đi từ khoảng 6h và đem theo bữa sáng tranh thủ ăn uống phòng khi trễ họp”, chị Khánh chia sẻ.

Nếu trời mưa to, cô gái này thường ở lại công ty đến 19h30 mới về, để tránh phải chen chúc, ướt át.

Cao ốc gây kẹt xe như thế nào?

Anh Tuệ bán hàng trên đường Phổ Quang cách đây 3 năm. “Bỏ qua 2 năm dịch bệnh, năm 2019, tôi chẳng mấy khi thấy cảnh xe kẹt cứng một chỗ, xe vẫn di chuyển chầm chậm được”, anh nói.

Anh này kể lại khi đó con đường đã xuất hiện những tòa chung cư. Tuy nhiên, theo quan sát của anh, ngày càng có nhiều phương tiện cá nhân ra vào chung cư, văn phòng làm việc, shophouse quanh đây.

"Mỗi khi có xe vào khu chung cư mặt đường hoặc khu chung cư phía trong đường Hồng Hà, dòng xe trên đường Phổ Quang phải dừng lại chờ xe rẽ vào. Nhiều xe vào thì chặn luồng xe lớn càng lâu. Chưa kể xe dừng đón, trả khách ở các chung cư cũng khiến mỗi phương tiện mất thời gian lưu thông", tiểu thương này kể.

Các chung cư, cao ốc xuất hiện sẽ thu hút lượng người đến lưu trú và làm việc, đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng phương tiện đến và đi. Trong khi đó, các đoạn đường hiện hữu xung quanh chưa thể mở rộng, khiến giao thông trở nên áp lực.

Nguoi di bo ket giua dong xe duoi cac cao oc o TP HCM-Hinh-4

Xe rẽ vào đường D để vào đường Hồng Hà làm dòng phương tiện trên đường Phổ Quang ùn ứ. Ảnh: Ý Linh.

Sở Giao thông Vận tải mới đây đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới trước khi cấp giấy phép xây dựng.

Sở yêu cầu tất cả dự án đầu tư công trình xây dựng phải thiết kế phương án kết nối giao thông, tính toán đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình nhằm đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn tắc.

"Trước mắt điều ai cũng thấy là cảnh dòng người chen chúc bên dưới những tòa nhà cao tầng. Trong khi các chung cư, tòa nhà đã xuất hiện từ trước. Mong thành phố nên có biện pháp xử lý tình trạng hiện tại trước khi hàng loạt tòa nhà mới mọc lên", anh Ngọc Thành, người dân mỗi ngày đi làm ở quận 1 từ quận 12, nêu ý kiến.

Theo Ý Linh & An Nhàn/Zing