Ninh Bình: Bất thường việc chỉ định thầu dự án kè đê sông Vạc

Google News

(Kiến Thức) - Dự án kè sông Vạc được chỉ định thầu có giá trị 100 tỷ đồng với lý do là dự án cấp bách thế nhưng, Chánh Văn Phòng UBND huyện Kim Sơn nơi thi công dự án khẳng định, huyện, xã không biết thông tin gì.

Vừa qua, Kiến Thức đã nhận được nhiều phản ánh của người dân xung quanh Dự án kè đê sông Vạc trên địa bàn xã Kim Chính (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Theo thông tin chúng tôi nhận được, dự án này được thi công từ đầu năm 2019, và cơ bản hoàn thành vào giữa năm 2019 để phục vụ công tác phòng chống bão lụt năm 2019. Dự án này được chỉ định thầu với giá trị 100 tỷ đồng với lý do là dự án cấp bách, tuy nhiên, nhiều phản ánh cho rằng lý do đó không phù hợp thực tế và có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ.

Dự án cấp bách nhưng xã, huyện không biết gì?

Đơn vị thi công được chỉ định thầu Dự án này là công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi Mạnh Hùng, do ông Vũ Bá Cuông làm giám đốc, có địa chỉ đăng ký tại Xóm 5 xã Kim Đông (Kim Sơn, Ninh Bình)

Đầu tháng 4/2019, PV Kiến Thức đã thực tế  tại hiện trường thi công, chỉ thấy có 1 cần cẩu đang thực hiện viêc nạo vét, không chỉ huy, không bảo hộ lao động, không biển hiệu, lơ thơ vài công nhân đang làm kè các hạng mục dự án được cho là cấp bách.

Cả 1 đoạn đê dài mới thi công lẻ tẻ một số đoạn, những người dân xung quanh đây cho biết, đó là khung cảnh hằng ngày, chẳng có bất cứ dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một dự án cấp bách, khẩn trương triển khai để đi vào nghiệm thu hoạt động.

Ninh Binh: Bat thuong viec chi dinh thau du an ke de song Vac
 Dự án này được gọi là cấp bách, nhưng không chỉ huy, không giám sát, không bảo hộ lao động, không biển hiệu, chỉ vài công nhân thi công làm kè các hạng mục.

Chị Hà, nhà ngay canh đê sông Vạc cho biết: “Tôi sống ở đây lâu rồi, chưa thấy khi nào con đê này sạt lở”.

Một số người dân khác khi được hỏi đến cũng khẳng định, bờ sông Vạc còn rất vững chắc, trước có nhiều nhà ven sông vẫn cấy rau trồng cây, đến khi Nhà nước có dự án kè đê sông Vạc họ mới chuyển đi.

Dân ở 2 bên sông Vạc cũng không hiểu đây là dự án gì, do ai làm chủ đầu tư, thi công dài ngắn ra sao không ai biết vì không có biển thông báo.

Mang những thắc mắc này lên UBND xã Kim Chính để hỏi, ông Đỗ Văn Thành, Chủ tịch UBND xã cũng thẳng thắn thừa nhận: “Cấp trên giao chúng tôi vận động giải phóng mặt bằng, chứ thú thật chúng tôi cũng không thể biết được đơn vị nào thi công công trình này. Họ cũng chỉ qua thông báo cho xã rồi làm, không thấy có giấy tờ, văn bản gì”.

Ninh Binh: Bat thuong viec chi dinh thau du an ke de song Vac-Hinh-2
Theo một số ý kiến của người dân, chả có một dấu hiệu gì là đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, tất cả đều đang rất sơ sài. 

Tiếp tục tìm đến UBND huyện Kim Sơn,  ông Trần Thanh Liêm, Chánh Văn Phòng UBND huyện cũng khẳng định: Huyện, xã được chỉ đạo tham gia công tác giải phóng mặt bằng, ngoài ra không biết thông tin gì thêm. Đơn vị thi công  là Công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi Mạnh Hùng, do ông Vũ Bá Cuông làm giám đốc. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình".

Ông Liêm cũng thừa nhận, Công ty Mạnh Hùng ngoài dự án kè đê sông Vạc, hiện cũng đang thực hiện một số dự án khác trên địa bàn huyện Kim Sơn.

Thật lạ khi dự án kè đê sông Vạc được chỉ định thầu vì tính cấp bách, thế nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết!

Mập mờ trong việc cung cấp tài liệu cho báo chí

PV Kiến Thức tiếp tục tìm đến Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình, sau khi nêu một loạt nghi vấn xung quanh câu chuyện chỉ định thầu Dự án kè đê sông Vạc ở huyện Kim Sơn, PV nhận được trả lời lãnh đạo đi vắng.

Mấy hôm sau, chúng tôi được thông báo qua điện thoại rằng đề nghị gửi câu hỏi qua đường email vì lãnh đạo Ban rất bận và sẽ có câu trả lời qua thư điện tử.

PV Kiến Thức đã gửi câu hỏi, và đề nghị đi kèm với những câu trả lời, Ban quản lý cung cấp thêm các văn bản, giấy tờ có liên quan.

Ninh Binh: Bat thuong viec chi dinh thau du an ke de song Vac-Hinh-3
Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình.

Sau rất nhiều lần liên lạc, đến ngày 17/4/2019, PV Kiến Thức mới nhận được câu trả lời của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình qua đường email, tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu nào liên quan.

Cụ thể, đối với câu hỏi căn cứ nào để đưa ra con số của gói thầu này giá trị 100 tỷ đồng, Ban quản lý cho biết Giá gói thầu dựa trên khối lượng công việc mà nhà thầu phải thực hiện do tư vấn thiết kế lập, được sở NN&PTNT thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt (Không có giấy tờ kèm theo, không có thông tin chi tiết các hạng mục thi công gồm những gì, đơn giá...).

Trong việc thực hiện Dự án này, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho rằng đây là dự án cấp bách để đảm bảo an toàn cho đê điều cần khẩn trương thực hiện để sớm đưa công trình vào phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2019. Cho nên, Dự án kè đê sông Vạc không tổ chức đấu thầu công khai mà chỉ định thầu, theo điều 14,15,16 của Luật đấu thầu.

Ninh Binh: Bat thuong viec chi dinh thau du an ke de song Vac-Hinh-4
Email trả lời của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình, không có bất cứ giấy tờ, tài liệu nào kèm theo. 

Ban quản lý dự án khẳng định, trước khi phê duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, họ đã có biên bản thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng, UBND huyện Kim Sơn đã ra quyết định thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, kiểm đếm lên phương án và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để tổ chức thi công công trình.

Dấu hiệu lợi ích nhóm

Đó là câu khẳng định của luật sư Nguyễn Anh Tuấn -Giám đốc Công ty TNHH luật Đại Nam, đoàn luật sư TP Hà Nội.

“Những câu trả lời của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình là không đúng, việc vận dụng điều 14,15,16 của Luật đấu thầu không phù hợp” - ông Tuấn cho biết.

Theo Điều 54 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP về hạn mức chỉ định thầu, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu quy định: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Hình thức chỉ định thầu vượt hạn mức trên thì dự án đó phải là đang chống lũ thật sự, nguy hiểm thật sự, hoặc đang nguy hại đến chủ quyền Quốc gia (theo Điều 22 Luật đấu thầu 2013).

Ninh Binh: Bat thuong viec chi dinh thau du an ke de song Vac-Hinh-5
 Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

“Việc cấp thiết phải chứng minh bằng việc bất khả kháng do thiên tai,  không đủ điều kiện để áp dụng Điều 22. Ban quản lý dựa vào lý do đó là không được, việc vận dụng Điều 14,15,16 Luật đấu thầu chỉ nói lên tư cách của bên tham gia đấu thầu. Sự việc này có dấu hiệu lợi ích nhóm, có thể dẫn đến những tổn thất, hay nói cách khác là việc thất thoát tài sản của Nhà nước.

Nếu có sai phạm trong việc đấu thầu này, thì chủ đầu tư dự án đó (Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình-PV) là bên chịu trách nhiệm trực tiếp.

Việc vi phạm Luật đấu thầu (nếu có), thì cái đầu tiên phải khẳng định là chủ đầu tư đã phá vỡ công tác quản lý của Nhà nước. Thứ hai nữa là cần phải xác minh xem việc vi phạm đó nhằm mục đích, động cơ gì?

Nếu có hành vi mà người ta hay gọi là “lợi ích nhóm” cần phải có việc kiểm tra, thậm chí nếu có sự cố ý làm trái, có hậu quả xảy ra thì có thể xử lý hình sự” - luật sư Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Đối với Dự án kè đê sông Vạc ở huyện Kim Sơn mà dư luận đang đặt ra nhiều bức xúc, luật sư Tuấn cho rằng, đó không phải là những thông tin mật, vì vậy trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan là phải cung cấp rộng rãi cho người dân và báo chí biết được những thông tin đó, không thể dấu giếm được.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Hải