Sự giày vò của đứa con trai gieo nỗi đau cho cả gia đình

Google News

13 năm tù là mức án dành cho anh ta vì tội giết người song nỗi mặc cảm, ân hận vì chính mình đã ra tay hại chết bố có lẽ sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời Trung.

Xuống tay với bố...
Là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bùi Tất Trung, SN 1984 gần gũi với mẹ hơn cả.
Cuộc sống của Trung trôi đi với những ngột ngạt khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh mẹ anh ta, bà Nguyễn Thị Loan, SN 1954, bị cha của Trung - ông Bùi Tất Bật, SN 1949, liên tục bạo hành tại “mái ấm”của gia đình họ (ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Những lúc như vậy, không làm gì được để giúp mẹ, Trung rất buồn. Đâu phải lúc nào cũng có người ở nhà để can ngăn, mà không lẽ lại đánh cha vì cha đánh mẹ!
Là người đàn bà sắc sảo, nhanh nhẹn và rất biết cách làm ăn trên thương trường, bà Loan đã lo chu toàn cho 5 đứa con, có tiền xây nhà cửa, đầu tư trang trại chăn nuôi để ông Bật có điều kiện làm ăn. “Công của bố mẹ em ai lớn hơn ai em không so sánh, nhưng em cũng không thể hiểu vì sao mẹ vất vả như vậy mà bố lại không thương”, Trung bộc bạch. Khi ông Bật có tiền cất riêng, ông lại càng tỏ ra khác trước. Thời điểm đó Trung rất buồn, cậu đi học rồi đi làm xa và ít về nhà. Năm 2009, em về nhà sống với mẹ và chứng kiến những chuyện đau lòng, lúc đó các anh chị đã có gia đình riêng.
Chiều 27-7-2011, Trung đang đi chơi với bạn thì nghe điện thoại của anh trai nói là lên trạm y tế gần nhà ngay. Trung vội vàng phóng xe đến và thấy mẹ đang được cấp cứu ở trạm y tế huyện trong tình trạng hôn mê, máu chảy khắp người.
Cậu kể: “Em hỏi thì biết là bố đánh mẹ. Lúc đó em thấy thương mẹ và vô cùng tức giận. Trên đường đi về nhà, qua cửa hàng thịt chó của anh trai cả, em đã lấy 1 con dao và đi về nhà, rồi cứ thế cầm dao đuổi theo bố em. Lúc đó em cứ chạy và rượt đuổi bố em, như một con thú, không suy nghĩ gì hết”. Túm được bố, Trung hỏi: "Sao ông lại đánh mẹ tôi". Tay trái Trung cầm con dao nhọn đâm liên tiếp nhiều nhát trúng vào ngực, bụng của ông Bật làm ông Bật bị thương, ngã xuống nền gạch khu vực góc cổng nhà anh Tâm trong xóm.
Anh Tâm và nhiều người khác ở gần đó đến can ngăn, đưa ông Bật đi cấp cứu tại BV Việt Đức, Hà Nội. Đến ngày 2-8-2011, ông Bật chết. Sau đó, Trung ra đầu thú.
Ngày 12-6-2011, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên Bùi Tất Trung phạm tội giết người. Cậu ta phải thụ mức án 13 năm tù giam.
Chia sẻ về câu chuyện đau lòng trên, một người thân trong gia đình ông Bật cho rằng, trước đây việc ông Bật nhiều lần dạy bảo con bằng các hình thức roi vọt dữ dằn khiến cho Trung càng lớn càng trở nên lầm lì, thậm chí là trầm cảm. Việc Trung có hành vi trên cũng có một phần không nhỏ trách nhiệm của ông Bật trong việc dạy bảo con cái.
Các phạm nhân ở trại giam Suối Hai đang tăng gia sản xuất. 
Cuộc sống mới ở trại
Tháng 9-2012, Bùi Tất Trung được về thụ án tại trại giam Suối Hai. Khi mới vào trại, Trung rất buồn, tự ti và không thích chuyện trò với ai, cậu cứ nghĩ đến chuyện giải thoát mình bằng việc tự tử. Được quản giáo trong trại để ý chuyện trò, khuyên bảo, Trung cũng thấy nguôi ngoai dần và bớt mặc cảm hơn. Ngày ngày lầm lũi làm việc trong đội khâu bóng, Trung tỏ ra rất chăm chỉ làm việc. Mới đây anh được điều về làm bếp ở đội 9 thuộc phân trại 2. Trung kể, lúc đầu anh ta bất mãn lắm, nhưng sau mấy lần gặp mẹ lên thăm, Trung càng thấy thương mẹ. Mẹ Trung động viên, nói bây giờ chỉ còn mình Trung, “mẹ rất thương con, con hãy cố gắng cải tạo và rèn luyện, mẹ luôn dang rộng vòng tay đón con về”. Trung rất ân hận, cậu nói: “Những việc làm của em không phải để lại hậu quả cho em mà là nỗi đau, sự giày vò cho cả gia đình và mẹ em là người gánh chịu nhiều nhất”.
Lúc đầu, Trung không muốn nói chuyện với chúng tôi. Nhưng rồi cảm thấy được động viên, chia sẻ, anh ta cũng mở lòng, kể lại câu chuyện đau đớn riêng của mình. Nhưng anh ta vẫn nhất quyết “xin các chị không chụp ảnh”. Khi hỏi cuộc sống hiện nay, Trung cho biết, giờ đây anh đã không nghĩ nhiều về chuyện cũ nữa, rất thương mẹ và cố gắng làm việc. "Mỗi khi nghĩ đến chuyện cũ, em rất ân hận, em đã từng nghĩ em ra đi để gia đình em không phải lo cho em nữa nhưng nhìn dáng mẹ gầy yếu, liêu xiêu vào trại thăm em, em lại không đành lòng chị ạ", Trung bộc bạch.
Hiện nay, bà Loan mẹ Trung đã gần 70 tuổi, bà đã yếu và mắc một số bệnh: đau đầu, tiểu đường, sau 20 năm lặn lội sương gió buôn bán ở ngoài, giờ đây bà Loan chỉ ở nhà, làm việc vặt trong gia đình.
Công việc hiện tại của Trung là lao động ở đội bếp ở phân trại số 2. Hàng ngày, Trung cùng anh em trong đội chuẩn bị cơm, canh, thức ăn cho hơn ngàn phạm nhân của phân trại. Hỏi Trung có thích công việc này không, anh ta cười ngượng nghịu: “Ngày trước ở nhà thỉnh thoảng em cũng đã vào bếp đỡ mẹ lúc thì nồi cơm, khi thì đun tí thức ăn. Vào đây phải chuẩn bị đồ ăn cho nhiều người, ngày đầu em cũng lo lắm. Nhất là khi nhìn thấy anh em trong đội cầm chiếc đũa cả to như đòn gánh, quấy vào nồi cơm to vật vã đang sôi sùng sục trên bếp, em cứ hãi.
Nhưng đến khi trực tiếp phải thao tác, em mới thấy không đến nỗi nguy hiểm như mình nghĩ. Nỗi lo cơm sống, cơm khê cũng không còn vì tất cả được nấu bằng nồi hơi, rất an toàn và đảm bảo. Mọi người nói công việc này vất vả nhưng em lại thấy công việc nấu bếp rất vui”.
Hỏi Trung tại sao trong quá trình cải tạo có năm bị xếp loại trung bình, thanh niên này buồn bã: “Thời gian đầu vào trại giam, em vẫn còn mặc cảm và chưa hết sốc vì những việc mình đã gây ra nên tránh mọi cuộc tiếp xúc. Em xa lánh mọi người trong buồng giam, không muốn chia sẻ cả với anh em trong đội lao động. Thậm chí em còn có suy nghĩ tiêu cực khi nghĩ đến bản án và tội lỗi của mình. Nhưng giờ thì em đã chín chắn hơn nhiều rồi. Em sẽ cố gắng cải tạo để được sớm về với mẹ", Trung chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đào Anh Dũng, đội trưởng đội giáo dục hồ sơ trại giam Suối Hai cho biết, Trung có tên trong danh sách đề nghị xét giảm đợt này. Điều đó chứng tỏ thanh niên này đang thực hiện điều đã chia sẻ với chúng tôi. Hy vọng vấp ngã này sẽ là bài học để Trung cứng cáp hơn trong cuộc sống sau này
Theo Nguyễn Vũ – Hạ My/PL&XH