Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (thời kỳ từ năm 2011-2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ từ năm 2006-2016).
Hàng loạt dự án… sai phạm
Trong kết luận thanh tra, TTCP cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Thái Bình khi triển khai thực hiện các dự án.
Cụ thể, tại dự án Khu đô thị Tây Quốc lộ 10 (huyện Đông Hưng), theo các hợp đồng vay vốn và thanh toán cho nhà thầu thi công thì UBND huyện Đông Hưng đã huy động số tiền 50,33 tỷ đồng, tương ứng với diện tích 40.762 m2 đất phải bàn giao cho các công ty đã ứng vốn.
Việc giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm Điều 62 Nghị định 181/2004 của Chính phủ và Điều 58 Luật Đất đai 2003.
Thanh tra Chính phủ đề nghị tiếp tục kiểm tra, làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 50,33 tỷ đồng của huyện Đông Hưng nhận từ các công ty góp vốn và nhà thầu thi công liên quan quá trình thực hiện dự án.
Đến thời điểm thanh tra, phần diện tích 12,789 ha đất còn lại của dự án, UBND tỉnh Thái Bình chưa giao cho chủ đầu tư là liên danh Công ty Phú Hưng-Lam Sơn để hoàn chỉnh hạ tầng, dẫn đến chậm tiến độ đầu tư của dự án.
Tại dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc UBND tỉnh Thái Bình đưa cả diện tích bãi đỗ xe và diện tích đất ở thương mại để tính 20% diện tích đất thương mại được miễn tiền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật. Chủ đầu tư được giao đất tư năm 2009, nhưng đến năm 2017 cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình mới xác định tiền sử dụng đất của dự án phải nộp là vi phạm Thông tư 76/2014 của Bộ Tài chính.
Tại dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do Công ty Phương Anh làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 266.256,2m2, thi công từ năm 2010 đến năm 2017, tuy nhiên đến nay chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh. Công ty Phương Anh cũng được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5ha tại Khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Công ty đã khai thác cát nhưng không thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất đai.
UBND huyện Hưng Hà và huyện Quỳnh Phụ đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân và bàn giao cho Công ty Phương Anh sử dụng với tổng diện tích 80.416,64m2 để làm bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Hà nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất đai.
Tại dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá (TP Thái Bình) đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng thực tế đã thi công xong phần hạ tầng kỹ thuật, xây thô xong phần shophouse và các ki-ốt.
Tại dự án đầu tư xây dựng cụm dân cư và Trung tâm thương mại Tổ 34, phường Trần Lãm, TP Thái Bình do Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư, ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng khi chưa làm các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với nhà nước.
Công ty có quyết định giao đất và đã ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng từ năm 2005, nhưng không thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước tại năm 2005. Đến năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình cho phép đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với giá tiền sử dụng đất đã xác định từ năm 2005 là vi phạm Luật Đất đai 2003.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Thái Bình (HUD2) tại TP Thái Bình, TTCP cũng chỉ rõ, diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội là 1.561m2 nhưng tỉnh cho miễn tiền sử dụng đất với diện tích 879m2 là không đúng quy định.
Đáng chú ý, tại dự án nâng bãi ổn định Đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 huyện Thái Thuỵ, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ và Dự án nắn tuyến đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km 31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thuỵ, UBND tỉnh Thái Bình đã giao triển khai thực hiện các dự án, ứng vốn cho các nhà thầu thi công, trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.
Cụ thể, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi trên 149 ha rừng phòng hộ, chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án, chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với đất nuôi trồng thuỷ sản của các hộ dân, diện tích trên 170 ha.
|
Đại diện TTCP công bố công khai kết luận thanh tra tại tỉnh Thái Bình. |
Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất
TTCP cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các sở ngành, Chánh thanh tra các cấp…phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, tồn tại trong việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Cụ thể, TTCP chỉ rõ, việc ban hành các văn bản hưởng dẫn, chỉ đạo điều hành về những nội dung trên tại một số sở, ngành, số lượng còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa phát huy hiệu quả; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm chưa được tiến hành thường xuyên, còn có đơn vị chưa tổ chức triển khai thực hiện; trình độ năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức làm công tác này còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND các huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy và các sở: LĐ,TB&XH, Xây dựng chưa đầy đủ theo quy định; không ban hành thông báo kết luận tiếp công dân... Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của sở, ngành và cấp huyện còn chậm được giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo theo quy định.
Một số cuộc thanh tra tại sở, ngành và cấp huyện thời gian còn kéo dài; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa triệt để; ghi chép nhật ký thanh tra chưa đảm bảo theo quy định; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng hiệu quả chưa cao…
TTCP cũng chỉ rõ nhiều vấn đề trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng đất của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ), UBND huyện Thái Thuỵ đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả một phần tiền cho người dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, hộ gia đình (năm 2005) dẫn đến khiếu nại. Dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và UBND huyện Thái Thuỵ không bố trí được tài chính để thự hiện dự án.
Việc UBND tỉnh Thái Bình có văn bản số 2788 ngày 3/8/2016 giao Liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình làm chủ đầu tư, trong khi chưa xử lý việc đã giao UBND huyện Thái Thụy làm chủ đầu tư trước đây là chưa tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tại dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4-5 tầng phường Lê Hồng Phong (TP Thái Bình) do Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam (BID Group) làm chủ đầu tư, quá trình lập hồ sơ để thực hiện có một số thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục.
Trong đó, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực thực hiện dự án với nội dung chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất công trình công cộng sang đất ở khi chưa thực hiện đầy đủ các bước để điều chỉnh là chưa phù hợp với quy định.
Chủ đầu tư BID Group chưa lập để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 34 hộ dân (mặt đường phố Lê Quý Đôn và Trần Hưng Đạo), tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện của các hộ dân này.
TTCP khẳng định, việc UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư BID Group chưa lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng là chưa phù hợp với quy định của Chính phủ. UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt hồ sơ đề xuất thực hiện dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh Thái Bình là chưa phù hợp quy định; phê duyệt đưa khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư với số tiền gần 15,7 tỷ đồng là chưa đúng quy định của Bộ Tài chính.
Tại dự án Khu quy hoạch dân cư phường Kỳ Bá (TP Thái Bình) do Công ty TNHH phát triển đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư đến thời điểm thanh tra chưa được giao đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trên địa bàn các huyện của tỉnh Thái Bình vẫn còn để xảy ra việc giao đất trái thẩm quyền; chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; xây dựng các công trình công cộng nhưng không có quyết định giao đất... Một số hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuê đất sử dụng không đúng mục đích; có trường hợp sử dụng đất nhưng không có thủ tục về đất đai và chưa có đầy đủ hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính. Việc quản lý và sử dụng đất công ích tại hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ...
Trước những sai phạm trên, TTCP đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra, xem xét để giảm trừ số tiền gần 15,7 tỷ đồng; kiểm tra, xem xét, xử lý và tiến hành xác định các nghĩa vụ tài chính để thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với một số dự án. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các sai phạm nêu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2019.
Hải Ninh